Ông Bùi Thành Nhơn chuẩn bị trở lại 'ghế nóng' ở Novaland (NVL)

Đông Bắc 06:42 | 29/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ông Bùi Thành Nhơn được đề cử vào HĐQT Novaland nhiệm kỳ 2021-2026, chuẩn bị cho bước trở lại vị trí Chủ tịch. Ba thành viên HĐQT vừa gia nhập vào tháng 9/2022 là ông Jeffrey David Perlman, ông Nguyễn Ngọc Huyên, ông Nguyễn Đức Dũng đồng loạt từ nhiệm.

 Nghị quyết Hội đồng quản trị của CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán: NVL) vừa thông qua đề cử ông Bùi Thành Nhơn vào vị trí thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021- 2026.

Thông tin được công bố trong bối cảnh cách đây không lâu, Novaland cho biết đang phối hợp cùng các đơn vị tư vấn như EY - Parthenon, Công ty luật YKVN đánh giá tổng thể tình hình và đưa ra các giải pháp tái cấu trúc toàn diện nhằm ứng phó với tình hình khó khăn hiện tại. Một trong những thay đổi đáng chú ý được đưa ra là ông Bùi Thành Nhơn sẽ trở lại với cương vị là Chủ tịch HĐQT Novaland. Ông Nhơn đã chuyển giao vị trí Chủ tịch HĐQT cho ông Bùi Xuân Huy hồi tháng 1/2022.

 Ông Bùi Thành Nhơn sẽ trở lại làm chủ tịch HĐQT Novaland. Ảnh NVL.

Hiện tại, ông Bùi Thành Nhơn đang nắm 4,96% vốn cổ phần của Novaland. Vợ và con trai Bùi Cao Nhật Quân – sau đợt giải chấp tháng 11/2022, đang nắm tổng cộng 6,79%. CTCP Diamond Properties nắm 10,41% và CTCP Novagroup nắm 34,4%. Đây là 2 công ty do gia đình ông Nhơn sở hữu, vừa nhận chuyển nhượng lượng lớn cổ phiếu NVL từ vợ chồng ông Nhơn vào tháng 10/2022.

Đồng thời với đề cử ông Bùi Thành Nhơn, HĐQT của Novaland cũng thông qua việc chốt ngày đăng ký cuối cùng 10/01/2023 để lập danh sách cổ đông lấy ý kiến bằng văn bản cho việc bầu cử Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026; Sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty và Tạm thời không thực hiện nội dung chia cổ tức năm 2021. Thời gian lấy ý kiến từ ngày 14/01/2023 – 01/02/2023.

Cùng ngày, Nghị quyết ĐHĐCĐ của Novaland thông qua đơn từ nhiệm vị trí Thành viên Độc lập HĐQT của ông Jeffrey David Perlman, đơn từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT của ông Nguyễn Ngọc Huyên, ông Nguyễn Đức Dũng trong cơ cấu nhiệm kỳ 2021-2026.

Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Huyên là Tổng giám đốc Novaland kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên tại Công ty TNHH đầu tư địa ốc Novaland Đất Tâm. Ông Nguyễn Đức Dũng là Giám đốc tài chính tại Novaland. Ông Jeffrey David Perlman là Giám đốc điều hành và Trưởng bộ phận Bất động sản Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình Dương tại Warburg Pincus Singapore.

Ba thành viên trên mới được bầu bổ sung vào HĐQT Novaland vào tháng 9/2022 để nâng số lượng thành viên HĐQT của doanh nghiệp lên 7 người.

Nếu những nội dung này được thông qua, trong nhiệm kỳ 2021-2026, số lượng Thành viên HĐQT của Novaland sẽ giảm từ 7 xuống còn 5 người (sau khi hoàn tất bầu cử bổ sung 1 thành viên, với ứng viên là ông Bùi Thành Nhơn) và Thành viên HĐQT độc lập giảm từ 3 xuống còn 2 người.

Khối tài sản của ông Bùi Thành Nhơn giảm sâu

Ông Bùi Thanh Nhơn lần đầu góp mặt trong danh sách tỷ phú thế giới do Forbes công bố hồi tháng 4 năm nay với khối tài sản ước tính khi đó khoảng 2,9 tỷ USD. Tuy nhiên tại lần cập nhật ngày 11/11, Forbes ước tính ông Nhơn chỉ còn sở hữu khối tài sản hơn 970 triệu USD, không còn là nằm trong danh sách tỷ phú USD của Việt Nam.

Do phải đối mặt nhiều khó khăn trên thị trường bất động sản, cổ phiếu NVL của Novaland bắt đầu giảm mạnh từ cuối tháng 10, ảnh hưởng đến khối tài sản của ông Nhơn. Đà giảm của mã này hiện vẫn chưa dừng lại. Chốt phiên 26/12, cổ phiếu NVL giảm hết biên độ, còn hơn 14.000 đồng/cp, kém gần 5 lần so với thị giá hồi đầu tháng 11.

Không thể thanh toán nợ đến hạn dù có 32.000 tỷ trong tài khoản ngân hàng, Novaland gửi kiến nghị khẩn

Trong một thông tin liên quan đến Novaland, công văn do Văn phòng Chính phủ gửi Bộ trưởng Xây dựng - Thường trực Tổ công tác của Thủ tướng - về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản mới đây bao gồm một nội dung đáng chú ý là đề nghị xem xét kiến nghị của Novaland trong đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Novaland trước đó đã có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng để xin cơ chế hỗ trợ tháo gỡ khó khăn pháp lý dự án và dòng tiền trả nợ đến hạn, do tình trạng ách tắc pháp lý tạo tâm lý bất an cho người dân, môi trường đầu tư, ngân hàng.

Novaland cho biết đa số ngân hàng đang giữ lại tiền thu từ khách hàng của tập đoàn để làm tài sản đảm bảo bổ sung. Hiện doanh nghiệp có khoảng 32.000 tỷ đồng trong các tài khoản ngân hàng nhưng lại không có tiền thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Với thực trạng này, nhà phát triển bất động sản lớn khẩn xin Thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ các địa phương tháo gỡ vướng mắc, giúp tập đoàn sớm hoàn thiện pháp lý dự án.

Như tại Bình Thuận, Novaland kiến nghị có một công ty giúp định giá tiền sử dụng đất dự án Nova World Phan Thiết. Hiện chưa có công ty thẩm định giá nào hướng dẫn khiến doanh nghiệp không đóng được tiền sử dụng đất dự án, không phát hành được hợp đồng mua bán hàng, không làm được sổ đỏ cho khách hàng.

Tại Đồng Nai, Novaland kiến nghị hỗ trợ tỉnh hoàn thành đồ án điều chỉnh quy hoạch chung 1/5.000 làm căn cứ điều chỉnh quy hoạch chung 1/500 của Khu đô thị Aqua City, qua đó hoàn tất thủ tục pháp lý dự án.

Tập đoàn này còn kiến nghị Chính phủ hướng dẫn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên quan việc gia hạn chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian sử dụng đất cho các dự án đang triển khai tại tỉnh.

Riêng tại TP HCM, Novaland kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn pháp lý cho 64 dự án bất động sản bị ách tắc thủ tục, trong đó có 23 dự án do tập đoàn đầu tư.

Ngoài vấn đề pháp lý, Novaland cũng đề xuất cho phép tái cơ cấu/gia hạn/ân hạn với các khoản nợ trong vòng 2-3 năm, phù hợp với dòng tiền mà không bị xem xét là nợ xấu để có thể phát triển bền vững.

Nhà phát triển bất động sản này còn mong muốn có một ngân hàng do Nhà nước nắm cổ phần chi phối cấp hạn mức tín dụng nhằm tiếp tục thi công các dự án dở dang, giúp khách hàng có thể tiếp tục vay tiền mua nhà, tập đoàn có dòng tiền thanh toán các khoản nợ đến hạn...