Ông chủ Kinh Bắc kể chuyện thu hút FDI

Nguyên Ngọc 09:19 | 09/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các lĩnh vực mới như công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip... được kỳ vọng trở thành làn sóng thu hút đầu tư FDI mới tại Việt Nam. Muốn thực hóa được điều này, các địa phương phải giải quyết được bài toán về nhân lực.

Các lĩnh vực mới như công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip... được kỳ vọng trở thành làn sóng thu hút đầu tư FDI mới tại Việt Nam. (Ảnh minh họa: KBC).

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn về thu hút vốn FDI ở các lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip... Đặc biệt, sau sự kiện Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/203, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Google, Intel, Amkor, Marvell, GlobalFoundries… mong muốn và sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất chất bán dẫn, chip điện tử, mạng 5G, đào tạo nguồn nhân lực, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…

Theo đánh giá của ông ông David Jackson, Tổng Giám đốc Avison Young tại Việt Nam, nhiều địa phương đang trong quá trình mở rộng khu công nghiệp, khu công nghệ cao mà một trong những động lực chính đến từ sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà sản xuất linh kiện bán dẫn hàng đầu thế giới. Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập ngành công nghiệp tỷ đô khi những nhà sản xuất này thể hiện sự quan tâm đến việc thiết lập nhà máy hoạt động tại đây. Điều này tạo ra cơ hội đáng kể cho Việt Nam để củng cố vị trí của mình là một nhà cung cấp quan trọng trong sản xuất toàn cầu.

Song song với cơ hội, những lĩnh vực mới này cũng có nhiều thách thức mà chưa thể giải quyết được trong thời gian ngắn. Chia sẻ với cổ đông tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường mới đây, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC), cho biết sản xuất chip không đơn giản như việc các tập đoàn lớn như Apple, LG hay Samsung vào Việt Nam đã và đang diễn ra.

Sau khi lãnh đạo của những tập đoàn đứng đầu sản xuất chip trên thế giới sang Việt Nam để tìm hiểu môi trường đầu tư lại phát sinh rất nhiều vấn đề, trước hết là nhân lực. Có thể nói chúng ta không có nhân lực để sản xuất chip và Việt Nam cũng chưa có trường hay trung tâm nào đào tạo về lĩnh vực này. Ví dụ như Bắc Ninh, Bắc Giang là cái nôi của công nghệ cao nhưng hiện nay hai địa phương này đối mặt với khó khăn lớn về tuyển dụng lao động.

Mặt khác, theo lời kể của ông Tâm, ông Jensen Huang, nhà đồng sáng lập Nvidia, đã có chuyến đi sang Việt Nam và đưa ra những đánh giá rất cao, tuy nhiên, tỷ phú Huang khẳng định Nvidia không mở nhà máy sản xuất tại đây. Điều này tương tự như trường hợp Apple không có nhà máy tại Việt Nam mà là nhà máy của các đối tác cung ứng link kiện cho Apple như Foxconn, Luxshare, Goertek…

Lý giải về điều này, ông Tâm cho rằng rất nhiều tập đoàn lớn ở Mỹ có thế mạnh về thiết kế, chỉ có một số ít tập đoàn vừa nghiên cứu, vừa sản xuất như Samsung, Intel… Do đó, việc thu hút nhà đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất chip chủ yếu từ Hàn Quốc, Đài Loan…

Việc thu hút FDI vào các lĩnh vực mới đi kèm với nhiều đánh đổi lớn về nguồn lực. Ông Tâm dẫn chứng, truyền thông đưa tin Nhật Bản mời gọi TSMC (tập đoàn sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới) đầu tư 12 tỷ USD vào quốc gia này nhưng thực chất chính phủ Nhật Bản phải hỗ trợ doanh nghiệp 4 tỷ USD. Hay như khi Intel vào đầu tư, Đức phải hỗ trợ doanh nghiệp 11 tỷ euro để mở nhà máy 20 tỷ euro. Ngay cả trường hợp đầu tư của Vingroup, chính phủ Mỹ sẵn sàng cho vay ưu đãi 4 tỷ USD với điều kiện Vingroup phải chi trước 4 tỷ USD.

"Vừa rồi Intel đã rời TP HCM, gác lại kế hoạch mở rộng sản xuất chip tại Việt Nam. Nhiều người cho rằng đó là một nỗi buồn nhưng không hẳn vậy vì nhà đầu tư đưa ra điều kiện mà mình không đáp ứng được. Đất nước mình còn nghèo, phải xem xét, dành nguồn lực cho những hoạt động ưu tiên hơn, thật sự mang lại giá trị đáng để đánh đổi", Chủ tịch Kinh Bắc nói.

Giá thuê đất công nghiệp cao hơn không đồng nghĩa với việc lời nhiều hơn

Trong quá trình phát triển các khu công nghiệp, ông Tâm cũng như lãnh đạo Kinh Bắc đã có nhiều cơ hội làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài đa lĩnh vực. Ở giai đoạn đầu phát triển, Kinh Bắc khá chật vật trong việc thu hút đầu tư bởi không thể đáp ứng yêu cầu về đơn giá cho thuê.

TIN LIÊN QUAN Quỹ đất cho thuê tiềm năng của các ông chủ khu công nghiệp 13/03/2024 - 16:47 Bắc Giang quy hoạch thêm hàng nghìn ha đất công nghiệp trong 6 năm tới 06/03/2024 - 07:51 Bất động sản công nghiệp trước vận hội mới 16/11/2023 - 07:52

Năm 2007, Samsung vào Việt Nam và muốn mở nhà máy gần 10 tỷ USD ở Khu công nghiệp Yên Phong (quy mô hơn 200 ha tại tỉnh Bắc Ninh), khi đó thuộc sở hữu của Kinh Bắc. Nhà đầu tư yêu cầu giá thuê 15 USD/m/chu kỳ thuê. Trong khi đó, 15 USD này chỉ mới đủ tiền cho công tác đền bù, cần thêm 15 USD nữa cho san nền và chưa kể đến chi phí phát triển cơ sở hạ tầng.

Ông Tâm cho biết "nếu đồng ý 15 USD thì mình chết ngắt" và ông quyết định trao đổi lại với lãnh đạo địa phương xem xét hai đề xuất nếu muốn giữ lại nhà đầu tư. Thứ nhất, xin ưu đãi cao nhất mặc dù khu vực đầu tư nằm ngoài khu kinh tế, khu công nghệ cao và thứ hai là đơn giá thuê chỉ đúng 15 USD.

Cuối cùng Kinh Bắc đã thương lượng và trả lại Khu công nghiệp Yên Phong cho Bắc Ninh, thay vào đó địa phương dùng ngân sách của tỉnh để đền bủ giải tỏa và nhà đầu tư chỉ cần san nền thì chi phí đúng bằng 15 USD như nhà đầu tư đề xuất.

Sau đó, khi Foxconn vào khu công công nghiệp của Kinh Bắc ở Bắc Ninh, nhà đầu tư cũng đề xuất giá thuê 20 USD nhưng lúc này Kinh Bắc phải chấp nhận để thu hút đầu tư. Tương tự, Canon cũng chỉ thuê với giá 20 USD, công ty phải chịu lỗ và tăng dần giá thuê về sau. Hay tại Hải Phòng, lần đầu tiên LG về cũng đề xuất giá thuê 40 USD.

""Khát khao ai cũng có nhưng nếu chỉ vì thu hút nhà đầu tư mà buộc chúng ta phải giảm giá thuê 50% thì rất khó khăn. Công ty không thể hoạt động được khi lỗ quá nhiều. Rất may mắn cho Kinh Bắc ở giai đoạn đầu phát triển khi được địa phương thông cảm, đồng hành, giúp phần chi phí làm đường, nhà máy xử lý rác... Công ty tiết kiệm được vài trăm tỷ đồng, giá thành qua đó cũng thấp xuống. Tất nhiên, việc đầu tiên Kinh Bắc phải làm được là đưa về địa phương những doanh nghiệp FDI hàng đầu, sau đó mới tính đến lợi ích công ty", ông Tâm kể lại.

Ông Tâm cũng lưu ý rằng giá thuê ngày càng cao hơn là tốt nhưng không đồng nghĩa với việc công ty có lời nhiều hơn bởi các chi phí để phát triển khu công nghiệp hiện nay đều đã tăng quá cao, từ đền bù giải tỏa đến san nền… Để một khu công nghiệp thành hình phải trải qua rất nhiều công đoạn vất vả và giai đoạn chuẩn bị rất dài, riêng trình tự thủ tục pháp lý cho một dự án phải mất 5 - 10 năm. Quy hoạch KCN là quy hoạch lớn, ảnh hưởng đến quy hoạch vùng, lao động và tăng trưởng GDP của cả khu vực.

Về xu hướng trong những năm tới, Chủ tịch Kinh Bắc cho rằng rất khó để thu hút đầu tư đại trà nhưng có thể sẽ có một dự án trọng điểm trong lương lai gần, Chính phủ có thể tài trợ để nhà đầu tư vào Việt Nam. "Ipad, Macbook đã bắt đầu được sản xuất ở các khu công nghiệp. LG đã sản xuất camera, màn hình điện thoại. Cứ từ từ từng bước rồi sẽ đến lúc chúng ta sản xuất chip. Khi có nhân lực, chúng ta mới tổ chức tốt, thu hút được FDI từ lĩnh vực này", ông Tâm cho hay.