Những 'ngôi sao FDI' của năm ngoái hút được bao nhiêu vốn ngoại sau quý I?
Năm 2023 chứng kiến sự bứt phá của những "ngôi sao FDI mới" là Nghệ An và Thái Bình.
Thái Bình đã có lần đầu hút trên 1 tỷ USD vốn ngoại sau khi đón 3 dự án đổ bộ KCN Liên Hà Thái hồi tháng 9. Tính cả năm 2023, vốn FDI vào Thái Bình đạt 2,8 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và xếp thứ 5 cả nước.
Lý giải về sự bứt phá của Thái Bình, theo ông Vũ Minh Chí, giá thuê KCN hợp lý chính là điểm sáng, trung bình 80 - 90 USD/m2 và giá thuê kho xưởng chỉ khoảng 4 USD/m2.
“Thái Bình còn có lợi thế về năng lượng và khí mỏ, hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh tay để kết nối với tam giác công nghiệp Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, điển hình là tuyến đường ven biển giúp rút ngắn thời gian di chuyển đến Hải Phòng chỉ trong một tiếng. Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ hút dòng tiền vào các KCN trọng điểm là Liên Hà Thái, Hải Long và VSIP", chuyên gia Avision Young chia sẻ với người viết.
Tương tự Thái Bình, Nghệ An cũng đánh dấu cột mốc lần đầu tiên thu hút vốn FDI vượt mốc trên 1 tỷ USD/năm. Tổng kết cả năm 2023, địa phương hút hơn 1,6 tỷ USD và xếp vị trí thứ 8 trên cả nước. Năm 2024, địa phương đặt mục tiêu tiếp tục duy trì vị trí top 10 trong bảng xếp hạng FDI.
Theo ông Chí, Nghệ An có hạ tầng nhỉnh hơn Thái Bình, là điểm đến của một số khách thuê chủ lực như Foxconn và Sunway Automotive. Điểm thú vị của các KCN tại Nghệ An nằm ở sự đa dạng của các nhà phát triển, từ liên doanh Việt - Sing (KCN VSIP), đến Thái Lan (KCN WHA) và doanh nghiệp nội địa (KCN Hoàng Thành Đạt).
Giá thuê đất công nghiệp tại Nghệ An dao động 65 - 70 USD/m2 và giá thuê kho xưởng cũng chỉ khoảng 4 USD/m2. Tỉnh này vẫn còn sẵn quỹ đất để phát triển công nghiệp hơn nữa trong thời gian tới.
Dù ghi nhận những cột mốc mới trong việc thu hút vốn ngoại trong 2023, thì sang quý đầu năm 2024, tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Nghệ An và Thái Bình lại đang khá khiêm tốn.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính từ 1/1 - 20/3/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 42 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 3 tháng đầu năm 2024. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 970,8 triệu USD. Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 745,2 triệu USD.
Ba cái tên còn lại trong top 5 lần lượt là Quảng Ninh, Thái Nguyên và TP HCM. 5 địa phương theo sau lần lượt là Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hưng Yên, Bắc Giang và Hải Phòng.
Trong khi đó, Thái Bình đứng ở vị trí thứ 14 với 7 dự án được cấp mới và 2 dự án điều chỉnh, tổng vốn đăng ký hơn 97 triệu USD. Đối với Nghệ An, tỉnh này đứng ở vị trí thứ 18 với 1 dự án cấp mới và 2 dự án điều chỉnh, tổng vốn đăng ký khoảng 67 triệu USD.
Theo ông Vũ Minh Chí, trường hợp của Nghệ An và Thái Bình trong năm 2023 phần nào cho thấy xu hướng dòng vốn ngoại đang dần dịch chuyển về các địa phương có quỹ đất dồi dào, hạ tầng tốt phát triển.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý rằng quỹ đất công nghiệp ở các tỉnh top đầu khu vực phía bắc, cụ thể là Quảng Ninh và Hải Phòng vẫn còn khá nhiều. Nói như vậy để thấy bên cạnh quỹ đất, các chính sách thu hút và giữ chân doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng.
Những tỉnh dẫn đầu trong thu hút FDI cũng thường là những tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao, thể hiện năng lực điều hành kinh tế và hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp tốt.
Bởi vậy, dù là tỉnh lớn hay nhỏ, dù có lịch sử phát triển lâu đời hay mới nổi, để bứt phá trong cuộc đua FDI không chỉ phụ thuộc vào diện tích đất công nghiệp, mà còn là sự năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp của địa phương.
Phát triển hạ tầng và giá thuê hấp dẫn là chưa đủ, một yếu tố quan trọng mà bất kỳ doanh nghiệp nước ngoài nào cũng cân nhắc trước khi quyết định đầu tư vào một địa phương là nguồn nhân lực.
Bởi vậy, những tỉnh như Nghệ An hay Thái Bình cần chú trọng cải thiện tay nghề, nâng cao trình độ và kỹ năng người lao động không chỉ giúp tỉnh thu hút đầu tư tốt hơn, mà còn giữ chân họ ở lại địa phương thay vì đi qua tỉnh khác làm việc.
Ở góc độ mảng bất động sản công nghiệp nói chung, thị trường này hiện nay vẫn tồn tại một số thách thức.
Ông chí lấy ví dụ việc phản ứng chính sách với thuế tối thiểu toàn cầu (GMT), Singapore, Malaysia và Indonesia đã ban hành thuế bổ sung tối thiểu nội địa để đảm bảo ưu đãi thuế quan cho các doanh nghiệp FDI. Thái Lan cũng đang nghiên cứu chính sách tương tự. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có phương án điều chỉnh hệ thống thuế suất và ưu đãi thuế, điều này phần nào làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư FDI trong khu vực.
Bên cạn đó, môi trường đầu tư của Việt Nam còn chậm cải thiện, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến quá trình thiết lập hoạt động tại Việt Nam như thành lập doanh nghiệp, thuê đất và nhà xưởng, cũng như những quy định về Phòng cháy chữa cháy. Điều này kéo dài thời gian và tăng chi phí, công sức của nhà đầu tư, khiến họ mất đi động lực.