Phát triển nhà ở xã hội: Giải 'cơn khát' cho người lao động ở Bình Dương

Huyền Trang 07:15 | 04/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tỉnh Bình Dương đang nhanh chóng triển khai xây dựng thêm 20.000 căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2023 và thắt chặt kiểm soát hơn nhằm đảm bảo bán đúng đối tượng hưởng chính sách được mua.

Từ 10 năm trước Bình Dương đã đặc biệt quan tâm phát triển mô hình nhà ở xã hội – xây căn hộ giá rẻ bán cho người lao động có thu nhập thấp để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người lao động trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu chỉnh trang và nâng cấp đô thị nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, gắn bó lao động lâu bền, phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, cung không đủ cầu, nhiều người dân vẫn còn khó tiếp cận với phân khúc nhà giá rẻ. Hiện, tỉnh Bình Dương đang nhanh chóng triển khai xây dựng thêm 20.000 căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2023 và thắt chặt kiểm soát hơn đảm bảo bán đúng đối tượng hưởng chính sách được mua.

Một điểm nhà ở xã hội của tỉnh Bình Dương. Ảnh: Huyền Trang/TTXVN

Người dân khó tiếp cận

Chị Nguyễn Lệ Tuyết, quê ở Tiền Giang đang tạm trú làm việc nhiều năm tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương đến nay chưa có nhà ở. Chị Tuyết cho biết, muốn mua nhà ở xã hội giá rẻ nhưng chưa thể tiếp cận. Sau nhiều năm tích cóp, chị Tuyết quyết định mua nhà ở xã hội trong tháng 8/2022 để có chỗ ở lâu dài, nhưng qua tìm hiểu các dự án nhà ở xã hội Becamex tại phường Định Hòa với các căn hộ xây dựng sẵn đã bán hết và hầu hết nhà đã có chủ. Trong khi đó, các dự án mới chưa triển khai và không cho ra sản phẩm mới.  

Còn anh Lê Văn Thắng, quê An Giang cho biết muốn an cư lạc nghiệp tại tỉnh Bình Dương, tuy nhiên giá nhà ở 100 triệu đồng/căn phù hợp túi tiền người lao động thu nhập không còn và khó tiếp cận. Theo anh Thắng, quy trình mua nhà ở xã hội chưa được công khai rộng rãi, các web chính thức bán nhà ở xã hội chưa rõ ràng thông tin cũng như quy trình liên hệ mua. Mặt khác, thủ tục giấy tờ còn rườm rà, chính sách cứng nhắc nên người làm ở các công ty tư nhân như anh khó đạt các điều kiện để mua. Nếu anh muốn mua dễ dàng chỉ có thể mua lại qua trung gian và giá sẽ bị đẩy thêm lên từ 200 - 300 triệu đồng.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2016-2020, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, tỉnh đặt ra kế hoạch cần thu hút, kêu gọi đầu tư khoảng 2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội (để bán, cho thuê), đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn 2021-2025, sẽ có thêm 4,2 triệu m2 sàn, tương đương 100 nghìn căn nhà ở cho người lao động được đầu tư xây dựng.

Ông Nguyễn Ngọc Văn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như: Một số chủ đầu tư khi thực hiện dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới có dành quỹ đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội nhưng chậm triển khai thực hiện, một số vị trí bố trí xa với điều kiện sinh sống của công nhân lao động, thiếu cơ sở hạ tầng ngoài dự án. Việc nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án nhà ở xã hội chủ yếu bằng ngân sách nhà nước nên gặp khó khăn về nguồn vốn.

Cùng đó, người lao động, công nhân các khu công nghiệp, người có thu nhập thấp chưa đủ khả năng mua nhà, vẫn có nhu cầu thuê nhà gần công ty, nhà máy để thuận tiện đi lại và giảm chi phí sinh hoạt, các đối tượng được mua nhà ở xã hội có nhu cầu vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội hiện nay vẫn còn khó khăn.

Mặt khác, nhu cầu chỗ ở của công nhân rất lớn, nhưng các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến việc phát triển loại hình nhà ở này, hoặc nếu có thì những khu nhà đã xây xong vẫn không thu hút được công nhân đến thuê. Đồng thời, do chính sách ưu đãi và thủ tục đầu tư chưa thật sự hấp dẫn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia đầu tư phân khúc này.  

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, nguồn vốn dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế dẫn đến việc một số chính sách hỗ trợ nhà ở theo quy định của pháp luật thực hiện chưa kịp thời, dứt điểm. Sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội của người dân khó khăn hơn dù có gói tín dụng mới từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng với quy mô nguồn vốn tín dụng được cấp nhỏ so với nhu cầu, người thu nhập thấp không dễ tiếp cận.

Xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội

UBND tỉnh Bình Dương đã giao cho Tổng công ty Becamex IDC thực hiện giai đoạn đầu đã xây dựng được 47.500 căn hộ. Becamex IDC tiếp tục mở rộng giai đoạn tiếp theo với tổng số 118.234 căn nhà ở xã hội ở khu vực đông công nhân lao động như thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên, huyện Bàu Bàng, Thuận An…

Từ nay đến cuối năm 2023, Becamex IDC tiếp tục xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn tiếp theo tại Khu VietSing thành phố Thuận An, khu Định Hòa thành phố Thủ Dầu Một, khu Mỹ Phước thị xã Bến Cát, khu Bàu Bàng huyện Bàu Bàng. Tổng mức đầu tư các khu nhà ở trên khoảng 9.500 tỷ đồng.

Đáng chú ý, giai đoạn này, giá bán mỗi căn đa dạng hơn, mỗi căn 30 m2 trở lên dao động từ 120 - 280 triệu đồng, hoặc loại cao cấp hơn với giá từ 200 – 500 triệu đồng/căn. Ngoài ra, người lao động có thể thuê với giá 750.000 đồng/căn/tháng.  

Ngoài ra, Bình Dương cũng khuyến khích, tạo mọi điều kiện các nhà đầu tư hộ gia đình, cá nhân; các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phát triển loại hình nhà ở xã hội cho thuê thông qua các chính sách hỗ trợ theo quy định.

Để giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh liên quan tới việc phát triển các khu, cụm công nghiệp. Bình Dương cũng quy định những điều kiện và nội dung cụ thể, ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc quy hoạch và phát triển khu công nghiệp như quy định phải dành tối thiểu bao nhiêu phần trăm diện tích đất để xây dựng nhà ở cho công nhân, bảo đảm việc phát triển các khu, cụm công nghiệp phải đồng bộ với việc quy hoạch, phát triển nhà ở và các điều kiện về hạ tầng xã hội thiết yếu cho công nhân.

Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết sẽ rà soát, xem xét lại các quy định pháp luật khi thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội; rút gọn các thủ tục hành chính và thời gian phê duyệt dự án. Đồng thời, xây dựng các chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Ngoài ra, Bình Dương cũng kiến nghị Chính phủ xem xét tiếp tục bổ sung nguồn vốn cho các đối tượng được vay vốn ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, mua nhà ở xã hội; đồng thời xem xét nâng thời gian cho vay từ 20 năm trở lên, chính sách vay thông thoáng về thủ tục, lãi suất, thời gian vay giúp các đối tượng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay để mua, thuê nhà ở xã hội.