Phó Chủ tịch Fed: Trách nhiệm trong sự sụp đổ của SVB thuộc về nhiều bên

Khánh Ly/ TTXVN 11:30 | 30/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trả lời câu hỏi của các nghị sỹ Mỹ về sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB), Phó Chủ tịch Giám sát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Michael Barr ngày 29/3 cho rằng cả các lãnh đạo của ngân hàng này, các quan chức giám sát của Fed và các cơ quan quản lý khác đều có trách nhiệm trong vụ việc này.

 

Sự sụp đổ của SVB và vài ngày sau đó là Signature Bank đã khiến giới đầu tư mất niềm tin vào lĩnh vực ngân hàng, khiến các thị trường chứng khoán chao đảo và làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính sâu rộng.

Những người gửi tiền đã cố gắng rút hơn 42 tỷ USD khỏi SVB chỉ trong một ngày, khiến các nhà quản lý kinh ngạc và gây ra làn sóng rút tiền ở các ngân hàng khu vực khác. Ông Barr đánh giá đây là một đợt rút tiền ồ ạt bất thường với quy mô và tốc độ chưa từng thấy, khiến các bên liên quan không kịp phòng vệ.

Các đại diện từ hai đảng đã hỏi dồn ông Barr, Chủ tịch Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) Martin Gruenberg, và Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách vấn đề tài chính trong nước Nellie Liang về lý do các nhà quản lý không hành động mạnh mẽ hơn, khi các quan chức giám sát của Fed đã nhìn thấy vấn đề với ngân hàng này suốt nhiều tháng.

Ông Barr trả lời Ủy ban các dịch vụ tài chính Hạ viện rằng lần đầu tiên ông biết về tình hình căng thẳng tại SVB là vào chiều ngày 9/3, nhưng ngân hàng này lúc đó báo cáo với các nhà giám sát rằng tiền gửi vẫn ổn định. Còn ông Gruenberg cho biết ông cũng biết đến vấn đề của SVB vào tối hôm cùng ngày.

Ông Barr đã chỉ trích SVB vì đã nhiều tháng bỏ trống vị trí giám đốc quản trị rủi ro và cách thức quản lý rủi ro về lãi suất của ngân hàng này, nhưng các nghị sỹ cho rằng phản ứng của các cơ quan quản lý là không đủ mạnh mẽ.

Cả ba người điều trần trong phiên này đều cho biết các cơ quan quản lý có đủ công cụ để giải quyết cuộc khủng hoảng khi nó xảy ra, nhưng ông Barr cho rằng Fed có thể thực hiện nhiệm vụ giám sát tốt hơn.

Nhiều nghị sỹ Dân chủ cũng cho rằng điều luật nới lỏng một quy định về ngân hàng năm 2018 cũng là một nguyên nhân dẫn đến bất ổn ngân hàng hiện tại. Điều luật này, được phần lớn các nghị sỹ Cộng hòa và một số nghi sỹ Dân chủ ôn hòa ủng hộ, đã nới lỏng quy định giám sát nghiêm ngặt nhất với các công ty nắm giữ từ 100-250 tỷ USD tài sản, từ bao gồm cả SVB và Signature Bank.

Tờ Washington Post ngày 29/3 dẫn hai nguồn thạo tin cho hay Nhà Trắng đang chuẩn bị các kế hoạch lập pháp để tái áp dụng các quy định trên cho các ngân hàng tầm trung.

Cả Fed và FDIC đều dự kiến sẽ công bố các báo cáo về sự sụp đổ của SVB trước ngày 1/5. Báo cáo của Fed sẽ tập trung vào công tác giám sát và quy định, trong khi báo cáo của FDIC sẽ xoay quanh vấn đề bảo hiểm tiền gửi.