Phong cách lãnh đạo công ty tư nhân mang “linh hồn” Nhà nước của chủ tịch may Damsan Vũ Huy Đông
Chủ tịch Vũ Huy Đông là ai?
Hành trình "chèo lái" Damsan
Những ngày đầu vận hành của Damsan không hề êm đềm như suy nghĩ của ông Đông. Những bỡ ngỡ thuở ban đầu không biết đầu tư máy móc, thiết bị ra sao, mua bán ở đâu, kỹ thuật sản xuất thế nào,... đã tiêu tốn của vị chủ tịch 2 năm để học việc.
Phải tới năm 2008, Damsan mới có thể mới bắt đầu ổn định sản xuất đại trà. Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, doanh nhân Vũ Huy Đông - đã nghĩ ngay về đường hướng của một doanh nghiệp hiện đại. Không chấp nhận những cái cũ kỹ, lạc hậu, ông quyết định đầu tư dây truyền công nghệ hiện đại nhất, tiên tiến nhất từ các quốc gia như Đức, Thụy Sỹ, Italia, Nhật Bản…
Chủ tịch Vũ Huy Đông tại xưởng may của Damsan
Không chỉ quyết định táo bạo trong đầu tư, về công nghệ quản lý, ông cũng đã sớm học hỏi mô hình quản lý 5S của Nhật Bản và quyết định vận hành vào doanh nghiệp của mình. 5S là chữ cái đầu của các từ tiếng Nhật: “Sere”, “Seiton”, “Seiso”, “Seiketsu” và “Shitsuke”. Theo tiếng Anh là: “Sort”, “Set in order”, “Standardize”, “Sustaint” và “Self-Discipline”. 5 từ này khi được dịch sang tiếng Việt cũng tạo được 5 chữ S là “Sàng lọc”, “Sắp xếp”, “Sạch sẽ”, “Săn sóc” và “Sẵn sàng”.
Theo "cha đẻ" của Damsan 5S là nền tảng cơ bản để thực hiện các hệ thống đảm bảo chất lượng. Nó xuất phát từ quan điểm: Nếu làm việc trong một môi trường lành mạnh, sạch đẹp, thoáng đãng, tiện lợi thì tinh thần sẽ thoải mái hơn, năng suất lao động sẽ cao hơn. Đó là điều kiện căn bản để việc ứng dụng vận hành hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và hiện đại. Tất cả các nhà máy của Damsan từ khi lên ý tưởng, đến khi xây dựng và đi vào vận hành đều dựa trên những nền tảng cơ bản này.
Trải qua hơn 10 năm phát triển từ một doanh nghiệp nhỏ bé, đơn điệu đến nay Damsan đã trở thành công ty có tầm vóc lớn nhất tỉnh. Ðể đạt được thành quả này bản thân ông Ðông là một trong những người lăn lộn, học hỏi, kiên trì, kiên định về định hướng và vận dụng thực hiện các chủ trương, chính sách ưu việt của Nhà nước đối với doanh nghiệp và tận dụng mọi khả năng của doanh nghiệp cũng như sự phù hợp của nền kinh tế thị trường. Cùng với đó, ý tưởng của ông Ðông là phải cạnh tranh trên thị trường của 7 tỷ người chứ không chỉ dừng ở cạnh tranh với thị trường 80 triệu người trong nước nên ông quyết định xuất khẩu.
Công ty Damsan lên sàn chứng khoán
Sau khi xuất khẩu, thành công nhất là Damsan đã có được thị trường các nước Ðức, Nhật Bản và gần đây là Trung Quốc. Ðến nay, Damsan có 3 nhà máy sợi, 1 nhà máy khăn và có một ban quản lý dự án chuyên đầu tư về lĩnh vực bất động sản, nhà ở xã hội. Nhà máy Damsan 4 hiện đã được khởi công và chờ đợi ngày cắt băng khánh thành.
Từ 100 tỷ đồng năm 2007, năm 2015, doanh thu của Damsan đã đạt 1.500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu năm 2009 đạt 5 triệu USD, năm 2015 đạt 60 triệu USD. Ðặc biệt, Damsan còn trở thành công ty đại chúng được niêm yết trên sàn chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2016. Damsan cũng là doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh tiên phong bước vào xây dựng nhà ở xã hội với sản phẩm đầu tay là tòa nhà 56 phố Trần Hưng Ðạo (thành phố Thái Bình) với 262 căn hộ.
Dự án Phú Xuân - Damsan
Một trong những mảng kinh doanh khác của Công ty Cổ phần Damsan là bất động sản với dự án Phú Xuân Damsan tại trung tâm tỉnh Thái Bình. Doanh thu năm 2020 của Damsan ước tính đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 5,6% so với thực hiện năm 2019 và lợi nhuận sau thuế 45 tỷ đồng, tăng gần 370%, chủ yếu tới từ bán nhà liền kề và biệt thự tại khu đô thị này.
Tinh thần kinh doanh công ty tư nhân mang "linh hồn" Nhà nước
Trước khi thành lập Damsan, ông có thâm niên 35 trong ngành ngoại thương. Học Trung cấp ngoại thương, rồi Đại học ngoại thương, ông đi lên từ một cán bộ chuyên môn rồi lên đến giám đốc một công ty Nhà nước. Ông cho rằng môi trường Nhà nước là cái nôi lý tưởng để rèn luyện, trưởng thành, giúp cán bộ tích lũy cả về kinh nghiệm và phẩm chất đạo đức.
Chủ tịch Đông và phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng
Theo ông nghĩ, những cán bộ được đào tạo từ Nhà nước ra, nếu thực tâm rèn luyện sẽ có nền tảng rất quý, đó là tư tưởng làm việc rất nhân văn, biết sống làm việc vì cộng đồng. Do vậy, khi mở doanh nghiệp riêng, về làm Chủ tịch và Tổng giám đốc của Damsan, ông Đông vẫn làm đúng những gì được giáo dục. Ông đã tận dụng tối đa chuyên môn ngành ngoại thương mà mình đã được đào tạo và kinh nghiệm trong mấy chục năm để phát triển thị trường cho Công ty.
Ngoài ra, ông cũng vẫn tiếp tục khơi dậy tính tiên phong, gương mẫu của một cán bộ Đảng viên, đem điều đó ra làm tôn chỉ, ý chí, sức bật cho doanh nghiệp.
Thanh Thùy (T/h)
Xem thêm: Câu chuyện đằng sau tên gọi "Chính hai chín tháng 3" của vị chủ tịch công ty dệt may Hachiba