Quảng Bình: Đi bộ lên sườn đồi, dựng lán trại bắt sóng 3G để học online

09:29 | 24/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Vì gia đình ở trong khu vực không có sóng 3G phủ tới, chị em Huyền và Son đành phải đi bộ cách nhà 5 km lên sườn đồi để dựng lán trại bắt sóng 3G học online.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hai chị em Hồ Thị Thanh Huyền (lớp 11) và Hồ Thị Son (lớp 12) cùng học tại trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Quảng Bình chưa thể quay lại lớp học tập. Nhà của Huyền và Son nằm ở bản Bạch Đàn nơi mà sóng điện thoại lúc có lúc không, còn internet dường như là một thứ xa xỉ với những người dân nghèo tại đây.

Được biết, bản Bạch Đàn (xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) nằm cách xa trung tâm xã gần 10km, đường đi vào bản vô cùng khó khăn. Con dốc Mù Tảng dựng đứng, nền đường bị xói lở nặng nề do mưa lũ, đất đá 2 bên núi đổ xuống lòng đường, phía bên kia đường là vực sâu, trông thật nguy hiểm.

Lán trại nơi Huyền và Son dùng làm nơi học online nằm cheo leo bên vách núi, nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất lỳ lúc nào

Các em học sinh trung học phổ thông phải dò từng vị trí để hứng sóng viễn thông để tham gia học trực tuyến. Còn các em học sinh bậc tiểu học, trung học cơ sở thì không thể học trực tuyến được.

Trước đây, các thầy cô giáo chỉ giao bài tập về nhà trong thời gian nghỉ do dịch, Huyền và Son chỉ cần làm hết bài tập đó rồi đợi đến ngày quay lại trường nộp cho thầy cô. Nhưng khi dịch kéo dài đến tận từ đầu học kỳ đến nay, nhà trường buộc phải tổ chức học trực tuyến qua Google Meet, từ đó việc học trở nên vất vả hơn do việc bắt được sóng 3G là quá khó.

Nhưng vì thương con, bố mẹ của 2 em đã dành một buổi đi bộ đến điểm có sóng 3G cách nhà khoảng 5km trên đồi cao để dựng lán trại. Những chỗ các em dựng lều phía sau lưng là vách núi cao, trước mặt là vực sâu nên chỉ dám đến ngồi học lúc trời tạnh ráo, còn lúc mưa lại lo sợ sạt lở. Dù thế, đối với Huyền và Son thì việc được học chung với các bạn và thầy cô là niêm vui nhất bây giờ.

Dù việc học online rất khó khăn, nhưng vì con chữ các em vẫn quyết tâm đi học

Kể từ khi có lán, hằng ngày Huyền và Son thức dậy rất sớm, đem theo chút đồ ăn rồi đi bộ gần 5km trên con đường lởm chởm đất đá để ra vị trí đã dựng chòi để ngồi học trực tuyến. Các em vừa học, vừa trao đổi, nhận các tài liệu, đề bài tập của thầy, cô gửi qua Zalo, Facebook. Học xong lại đi bộ về nhà để tranh thủ làm bài tập và phụ giúp ba mẹ công việc trong gia đình che nắng che mưa.

Em Hồ Thị Thanh Huyền cho biết: “Căn lều nhỏ chỉ có thể ngăn được gió lùa sau lưng, những buổi sáng trời đẫm sương lạnh buốt, các em nhóm bếp lửa kế bên để sưởi ấm và ngồi học bài”.

Huyền chia sẻ thêm, ở trong làng từ trước tới nay chưa biết internet là gì, nên từ khi được nhà trường thông báo học online, gia đình các em phải chật vật đi tìm nơi có sóng. Dẫu biết việc học khó khăn, nhưng em phải cố gắng để có thể đuổi kịp bạn bè cùng trang lứa.

Khu vực đặt lán trại nằm sát sườn đồi, vì chỉ có địa điểm này có sóng 3G, nên ba mẹ Huyền và Son bất đắc dĩ dựng lán ở đây

Năm nay là năm cuối cấp của em Hồ Thị Son, nên càng phải cố gắng nhiều hơn để có thể thi tốt nghiệp THPT. Thỉnh thoảng thầy cô giáo ở ngoài trung tâm xã đi vào bản thăm học sinh, ngang qua chỗ lều dựng tạm đều dừng lại tặng các em sách, vở. Nhờ chiếc lều ở đây mà những tháng qua, Hồ Thị Son và em gái không bị bỏ lỡ buổi học nào dù đã tạm ngưng đến trường.

“Vấn đề lo nhất của em là sợ không theo học kịp các bạn, các bạn học ở ngoài kia thì có mạng internet, còn em ở trong này lúc có mạng lúc mất sóng, buổi tối không có điện để học. Nếu trời mưa thì em không đi học được, sợ sạt lở, sập núi sập đường nên em xin cô nghỉ. Thầy cô cung cấp nhiều kiến thức như em đang đi học ở trường vậy”, Son nói.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Hiển, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, suốt 4 tháng qua, cứ 1 tuần 2 lần, thầy cô giáo lại vào bản để giúp các em học tập.

Các thầy, cô đem theo sách vở, các tập tài liệu, các bài tập đã in sẵn đưa vào phát cho từng em để các em ôn bài. Ở lứa tuổi cấp 1, nếu các em ngưng học quá lâu thì sẽ quên con chữ. Thầy Nguyễn Thanh Hiển chia sẻ, thầy, cô giáo có thể vất vả thêm 1 chút khi vào với học sinh nhưng bù lại các em được học thường xuyên hơn.

“Về công tác dạy và học online trên địa bàn biên giới rất khó khăn bởi vì thiết bị học tập thiếu thốn, không có, mạng internet chưa về hết các bản. Hiện tại có 6 bản thì chỉ có 5 bản có sóng điện thoại và 4G còn 1 bản chưa có sóng điện thoại. Để học được online, hướng dẫn các em và hướng dẫn phụ huynh kèm cặp là rất khó…”, thầy Hiển cho hay.

Từ ngày 20/9, tỉnh Quảng Bình triển khai dạy và học trên địa bàn toàn tỉnh, hình thức học trực tuyến. Hội Khuyến học tỉnh Quảng Bình vừa trích từ Quỹ Khuyến học, phân bổ 1.000 điện thoại thông minh cho 1.000 học sinh lớp 9 và lớp 12 trong tỉnh nhằm giúp học sinh hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tham gia học trực tuyến. Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Chi nhánh Quảng Bình cũng tặng sim 4G và 1 năm miễn phí truy cập mạng cho 1.000 học sinh.

Bà Phạm Thị Bích Lựa, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Bình cho biết, những học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến, các học sinh trong hộ nghèo, cận nghèo, ở miền núi, biên giới, các học sinh có kết quả học tập khá, giỏi năm học 2020-2021 sẽ được tặng điện thoại thông minh để vào học trực tuyến.

“Học sinh nghèo ở nông thôn lấy tiền đâu ra để mua máy tính và smartphone để học. Bây giờ Hội sẽ đưa quỹ này để trang bị máy cho các cháu. Sau khi khảo sát ở Sở Giáo dục và Đào tạo thì số lượng học sinh nghèo nhiều quá, trang bị toàn bộ các cấp thì không nổi. Do vậy, trước mắt, chúng tôi trang bị cho các em lớp 9 và lớp 12 để các em ôn thi vào cấp 3 và vào Đại học”, bà Lựa cho biết.