Quảng Bình: Những hành trình “xé đêm trắng” đưa F0 đến khu điều trị COVID-19
"Xé đêm trắng" đưa, đón bệnh nhân
Từ những ngày đầu tỉnh Quảng Bình xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 1.000 ca nhiễm mới được ghi nhận, cùng với đó là gần 8.000 F1 và gần 19.000 F2 khiến cho lực lượng chống dịch đặc biệt là các tài xế vận chuyện bệnh nhân phải tập trung cao độ để nhanh chóng đưa đến khu cách ly kịp lời.
Nhưng với số lượng trường hợp F0 và F1 xuất hiện liên tục, khiến các tài xế xe cứu thương phải tất bật lái xe "xé đêm trắng" như con thoi, tranh thủ từng giây, từng phút đưa các bệnh nhân đến khu vực cách ly và dành một chút thời gian ít ỏi còn lại để chợp mắt trên xe.
Chia sẻ với chúng tôi về những chuyến đi ý nghĩa đó, anh Trần Xuân Vĩ (36 tuổi, tài xế tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Bình) cho biết, từ những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát tại Quảng Bình, anh cũng không nhớ nổi mình đã chở bao nhiêu ca F0,F1 đến khu điều trị. Chỉ biết rằng, khi có thông báo là anh và đồng đội lại lên đường thực hiện nhiệm vụ.
Khoảng thời gian anh Vĩ túc trực tại cơ quan đến nay cũng đã kéo dài hơn 1 tháng, đó cũng chính là khoảng thời gian mà anh phải xa vợ mới sinh cùng 2 con nhỏ đến lên tuyến đầu chống dịch, chở các cán bộ, nhân viên y tế đi lấy mẫu xé nghiệm, truy vết các F1, F2.
"Từ ngày 21/7, mình ở lại cơ quan sau những lần làm nhiệm vụ, để khi có nhiệm vụ mới là đi ngay. Mặt khác cũng là để phòng tránh cho người thân trong gia đình, bởi mình thường xuyên tiếp xúc với các ca bệnh. Vợ mới sinh 3 tháng đành nhờ ngoại chăm vì nhà nội ở xa, dịch không vào được. nhớ vợ và 2 con lắm, lúc rảnh rỗi là gọi ngay về nhà", anh Vĩ cho biết.
Vì thương 2 con nhỏ và vợ, anh Vĩ luôn tự nhủ bản thân phải đảm bảo an toàn trong những hành trình đưa đón các F0. Anh cùng đồng nghiệp luôn phải trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ như mặt nạ, găng tay, áo bảo hộ… . Bởi đón những ca F0, F1 đi điều trị, cách ly không phải là những cuộc đưa đón bình thường mà là đang đối mặt với nguy hiểm ngay bên cạnh.
Khi được hỏi liệu có muốn về nhà trong lúc này không, anh Vĩ cứ rưng rưng nước mắt, nhưng đáp lại là mong muốn được cống hiến cho xã hội, sớm dập được dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Anh Vĩ biết dù có về nhà với vợ con, nhưng trách nhiệm của một cán bộ tuyến đầu chống dịch vẫn còn in đậm ở trong tâm trí của anh.
Thời gian qua tỉnh Quảng Bình có mưa nhiều, nên anh Vĩ cùng đồng nghiệp càng vất vả hơn, khi không thể chạy nhanh vì sợ đường trơn cùng với mưa trắng xoá hạn chế tầm nhìn, khiến việc đưa đón bệnh nhân gặp nhiều ảnh hưởng. Trong cabin xe cấp cứu, anh Vĩ khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kín mít, trên gương mặt mồ hôi nhể nhãi nhưng vẫn không khiến anh nhụt chí.
"Có nóng quá, mồ hôi có chảy cay mắt, nhòe mắt cũng phải chịu chứ đưa tay hay vật gì lau mặt thì nguy cơ mắc bệnh là rất cao. Phải đợi đến khi hoàn thành nhiệm vụ, sát khuẩn rồi mới lau được mồ hôi để đảm bảo an toàn", anh Vĩ chia sẻ.
Những ký ức khó quên
Kể thêm về những chuyến đi của mình, anh Vĩ cho biết, công việc này bình thường nó đã không làm theo giờ cố định, chỉ cần có ai gọi là phải lên xe đi. “Trong thời điểm dịch bệnh, áp lực phải tăng gấp 10 lần vì ngày nào Quảng Bình cũng có vài chục ca F0, F1 nên cứ có thông báo là phải lên đường đi ngay, gần như chúng tôi có rất ít thời gian để ngủ một cách tử tế”, anh Vĩ cho biết.
Hơn 1 tháng nay, thời gian anh Vĩ ngồi trước vô lăng nhiều hơn thời gian ngồi trên một chiếc ghế để nghỉ ngơi. Có nhiều lần, anh và đồng nghiệp phải chạy chở bệnh nhân xuyên đêm, những lúc đó hễ cứ có thời gian rảnh một chút là ngay lập tức chợp mắt nghỉ ngơi. “Từng giây phút nghỉ ngơi như vậy phải đáng giá ngàn vàng với chúng tôi, vì phải tỉnh táo có sức khoẻ mới tiếp tục thực hiện công việc được”, anh Vĩ cho hay.
Trong những lần chuyển F đó, những tài xế như anh Vĩ ngoài đối mặt với nguy hiểm cũng phải đối mặt với những tình huống tréo ngoe mà dịch bệnh gây ra. Nhiều F0, F1 đủ mọi lứa tuổi tỏ ra hoảng sợ khi phát hiện mình bị bệnh, có nguy cơ cao mắc bệnh. Anh vẫn nhớ gương mặt thất thần, hoảng hốt của nhiều bệnh nhân.
Câu chuyện gây ấn tượng nhất, là một lần anh Vĩ cùng đồng nghiệp đi đón một F0 chỉ mới 6 tuổi tới khu điều trị. Thân hình bé nhỏ lọt thỏm trong bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình. Khi được hướng dẫn, cháu nhỏ ngoan ngoãn bước lên xe, nhưng từ xa người mẹ là F1 thấy con phải đi điều trị một mình liền khóc nấc kêu tên con liên hồi, thấy mẹ khóc cháu nhỏ cũng bật khóc theo. Đứng gần đó, anh Vĩ cũng rưng rưng nước mắt vì nhớ đến vợ con.
"Thấy mẹ khóc, con khóc, mắt mình cũng cay, vì mình cũng có con nhỏ, hiểu được cảm giác lo lắng của người làm cha, làm mẹ và thương cháu còn nhỏ mà phải xa cha mẹ đi một nơi xa lạ điều trị bệnh", anh Vĩ tâm sự.
Rồi có những bệnh nhân mắc COVID-19 sức khỏe không được tốt, việc lên xuống xe cứu thương gặp khó khăn, biết có nguy hiểm nhưng anh Vĩ vẫn sẵn sàng hỗ trợ họ lên xe.
"Tiếp xúc quá gần bệnh nhân cũng sợ, nhưng mình trang bị đủ các trang thiết bị phòng dịch nên cũng an tâm giúp đỡ người bệnh", anh Vĩ nói.
Thời gian gần đây anh Vĩ đã có thêm 3 đồng đội cùng làm nhiệm vụ chuyển F0 khi UBND tỉnh Quảng Bình có Quyết định thành lập Tổ vận chuyển các ca nhiễm và nghi nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn do anh Vĩ là tổ trưởng. Trong đó có anh Trần Thanh Hải công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình và 2 cha con tình nguyên viên Đặng Tri Thông, Đặng Minh Trí.
Xem thêm: Quảng Bình: Lực lượng chống dịch căng mình giữa mưa bão