Quảng Bình: Những "shipper xanh" đem hi vọng đến người dân trong vùng dịch
Từ những ngày đầu xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Quảng Bình, địa phương này đã ngay lập tức áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại những vùng có ca dương tính. Điều này khiến cho cuộc sống của người dân trong vùng có Chỉ thị 16 gặp nhiều khó khăn, khi việc mua thực phẩm, hàng hoá thiết yếu vướng nhiều quy định về phòng, chống dịch.
Nhận thấy những bất tiện của người dân, chính quyền và Đoàn xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch đã thành lập "Đội shipper xanh” đi chợ giúp dân. Điều này vừa đảm bảo người dân có đầy đủ thực phẩm, hàng hoá thiết yếu vừa đáp ứng được các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Anh Hoàng Thái Sơn – Bí thư Đoàn xã Vạn Trạch cho biết, sau khi lắng nghe những ý kiến từ người dân, biết được nhu cầu về lương thực, hàng hoá thiết yếu sử dụng trở thời gian thực hiện giãn cách xã hội là rất lớn. Những việc đi lại của người dân bị hạn chế do phải thực hiện các quy định về giãn cách xã hội, không tập trung đông người… từ đó “Đội shipper xanh” đã ra đời và giúp đỡ người dân hiệu quả.
“Đội shipper xanh” của xã Vạn Trạch gồm 15 thành viên chủ yếu là các đoàn viên thanh niên, khoác lên mình chiếc áo xanh tình nguyện. Hằng ngày, đội sẽ tổng hợp những phiếu ghi các món hàng cần mua của các hộ dân, sau đó phân chia thành viên đi mua hộ và giao về tận nhà từng người dân.
“Chúng tôi sẽ đăng số điện thoại của các đội viên lên facebook của Đoàn xã để người dân cần mua hàng liên hệ. Hoặc các đoàn viên phụ trách thôn sẽ thu thập nhu cầu và báo về đội mua hàng. Sau khi mua hàng các “shipper xanh” sẽ đưa hàng đến tận nhà người dân”, anh Sơn cho biết.
Nói về “Đội shipper xanh”, chị Nguyễn Thị Thu Hương, một người dân tại xã Vạn Trạch cho biết: “Trong thời gian gia đình thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, việc mua lương thực, hàng hoá thiết yếu gặp rất nhiều bất tiện. Nguồn lương thực trong nhà cũng có hạn, không bảo quản được lâu, đặc biệt là các loại rau củ. Nhưng từ khi có đội shipper, việc mua các thực phẩm cần thiết cũng dễ dàng hơn, mà còn đảm bảo các quy định phòng, chống dịch”.
Được biết, ngoài nguồn hàng được mua từ chợ, các thành viên trong đội cũng sẽ thu mua các loại nông sản của những hộ nông dân trong vùng phong toả đã đến thời kỳ thu hoạch. Việc này vừa đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hoá tươi ngon cho người dân vừa giúp nông sản của nhiều bà con được xuất bán kịp thời, không bị hư hỏng gây lãng phí, tốn kém.
Anh Phan Trí Dũng - Bí thư Huyện Đoàn Bố Trạch cho biết, từ khi áp dụng Chỉ thị 16, nhu cầu về thực phẩm, hàng hoá thiết yếu của người dân là rất lớn, nhưng không thể để người dân tự tiện đi lại được. Chính vì thế, rất nhiều “Đội shipper xanh” đã được thành lập tại các xã, thị trấn để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, và giúp bà con yên tâm chống dịch.
“Các đoàn viên thanh niên trên địa bàn luôn trong trạng thái sẵn sàng cùng lực lượng chức năng tham gia chống dịch. Một số hoạt động tiêu biểu đáng kể đến như tham gia trực chốt, lập “Đội shipper xanh” đi chợ giúp người dân và hỗ trợ người dân thu hoạch vụ mùa. Huyện đoàn đánh giá cao những đóng góp của đoàn viên thanh niên trong thời điểm dịch bệnh”, anh Dũng chia sẻ thêm.
Tiếp nối phong trào ở Bố Trạch, Huyện Đoàn Lệ Thuỷ cũng đã thành lập nhiều “Đội shipper xanh” tình nguyện vận chuyển các nhu yếu phẩm, hàng hóa hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, các khu vực cách ly, phong tỏa do dịch bệnh Covid-19 và những tổ, chốt phòng chống dịch.
Anh Phạm Văn Hoạt - Bí thư Huyện Đoàn Lệ Thủy cho biết, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến khó lường, Ban Thường vụ Huyện Đoàn đã đề nghị Ban Thường vụ Đoàn cơ sở các cấp, thị trấn khẩn trương thành lập các đội thanh niên tình nguyện, phản ứng nhanh luôn sẵn sàng cùng với cấp uỷ, xã, thị trấn thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh.
Các đoàn viên thanh niên sẽ hỗ trợ các khu cách ly, công tác nhập dữ liệu khai báo y tế, hỗ trợ trực chốt kiểm soát dịch bệnh. Công tác hậu cần đặc biệt là việc tiếp nhận, cung ứng hàng hoá thiết yếu đến với các hộ dân trong khu vực phong toả và các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã, thị trấn.
Ngoài việc thành lập và duy trì “Đội shipper xanh”, Huyện Đoàn Lệ Thuỷ còn phối hợp với nhiều mạnh thường quân tổ chức các bếp ăn từ thiện với công suất 1000 phần/ngày gửi đến các khu cách ly và các chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên địa bàn.
Xem thêm: Quảng Bình: Lực lượng chống dịch căng mình giữa mưa bão