Đẩy mạnh du lịch nông nghiệp để phát triển kinh tế Khe Sanh, Quảng Trị
Quảng Trị với những điều kiện đa dạng sinh học về sản xuất nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa vùng miền đặc sắc, hệ thống di tích văn hóa, lịch sử cách mạng đồ sộ... đã tạo ra tài nguyên vô cùng phong phú cho các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp.
Thời gian qua, một số doanh nghiệp và hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã triển khai các mô hình du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp phục vụ khách du lịch. Nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng của địa phương đã từng bước được khai thác, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch theo các mục tiêu khác nhau.
Sản phẩm du lịch du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp hiện đang khai thác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chủ yếu khai thác các giá trị cảnh quan sinh thái (rừng, sông, suối thác Tà Puồng - xã Hướng Việt, thác Chênh Vênh - xã Hướng Phùng ...), khai thác hoạt động sản xuất nông nghiệp (các trang trại cà phê tại Hướng Hóa, vườn hoa...); hoặc khai thác giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô và cảnh quan thi nhiên như như điểm du lịch cộng đồng thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng.
Một số hình thức du lịch cộng đồng như homestay, farmstay, bungalow, camping, glamping... cũng phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Các mô hình này bước đầu đã thu hút khá đông du khách trong và ngoài tỉnh, chỉ tính 3 tháng đầu năm 2023, riêng huyện Hướng Hoá đã đón trên 80 nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thanh Tùng, Viện phó Viện Kinh tế và Du lịch Nông nghiệp cho biết: “Khu vực Khe Sanh, Hướng Phùng là những nơi phù hợp để đón khách du lịch trải nghiệm các hoạt động nghỉ dưỡng, nông nghiệp… Nhờ khí hậu mát mẻ, không bị ảnh hưởng của gió Lào cùng thế mạnh còn nhiều rừng nguyên sinh, đất đai canh tác nông nghiệp nên tại đây, cảnh quan thiên nhiên xanh mát, dễ dàng thu hút khách đến nghỉ dưỡng trải nghiệm nông nghiệp.
Mảnh đất này còn nổi tiếng với đặc sản cà phê và các loại trái cây ngon do sự chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn (>10 độ C). Về văn hóa, nơi đây còn lưu giữ nhiều nét đặc sắc của người Bru - Vân Kiều, dễ dàng tạo ra các trải nghiệm ấn tượng cho du khách. Ngoài ra, giá bất động sản của Hướng Hóa còn thấp. Đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư dễ dàng tham gia vào loại hình Farmstay, du lịch nông nghiệp”.
Chia sẻ thêm về tiềm năng du lịch nông nghiệp ở Hướng Hoá, ông Tùng nhận định ngoài những đặc điểm về khí hậu, thổ nhưỡng hay lịch sử, văn hoá, cà phê Liberia là một đặc sản nổi tiếng ở vùng này. Nhiều khách du lịch cho rằng vị cà phê này ngon hơn tất cả những gì họ đã từng thử trước đó. Đây cũng là điểm có thể thúc đẩy du lịch nông nghiệp địa phương này trong thời gian tới.
"Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng so với tiềm năng và thế mạnh, Du lịch của Quảng Trị nói chung và Hướng Hóa nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều dư địa phát triển chưa được khai thác hiệu quả. Chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp nhìn chung chưa đáp ứng được hết các nhu cầu của du khách; sản phẩm du lịch còn chưa thực sự đa dạng hoặc chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Nhiều căn cứ pháp lý của nhà nước cho việc hình thành, phát triển mô hình du lịch nông nghiệp còn chưa theo kịp được xu hướng phát triển thực tế hiện nay tại địa phương và cần được quan tâm, ban hành sớm" -ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị nhận định.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản Khe Sanh cho biết: “Cây cà phê Liberia ở Khe Sanh rất nhiều tiềm năng, được khẳng định chất lượng khi đạt giải cao trong nhiều cuộc thi được hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức. Xuất phát từ kiểu khí hậu đặc trưng, “4 mùa trong 1 ngày” đã tạo ra hạt cà phê với hương vị đặc trưng, riêng biệt. Đặc biệt, đây còn là loại cây xoá đói giảm nghèo, đem lại thu nhập và ổn định cuộc sống cho người dân địa phương”.
Đề xuất một vài giải pháp thúc đẩy du lịch địa phương, ông Tùng cho rằng cần tạo ra thu nhập từ văn hoá bản địa; có những định hướng và quy hoạch đủ xa để tránh phát triển quá nhanh, tạo sức ép lên cơ sở hạ tầng; Tăng mật độ cây xanh và giao thông, quy hoạch mật độ sử dụng đất phù hợp,...