Quốc hội đang bàn gói phục hồi kinh tế: Bất động sản chờ đợi điều gì?
Theo báo cáo về Đề án chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phục hồi kinh tế sẽ gồm chính sách tài khóa và tiền tệ, trị giá khoảng 350.000 tỷ đồng.
Trong đó, tổng quy mô chính sách tài khóa khoảng 291.000 tỷ đồng (riêng hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư hạ tầng hơn 220.000 tỷ đồng). Về chính sách tiền tệ, báo cáo nêu rõ đặt mục tiêu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5 - 1% trong hai năm.
Dự báo một số chính sách trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 – 2023 sẽ tác động tích cực đến bất động sản.
Trao đổi với người viết, ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam nhận định, gói hỗ trợ trên là một giải pháp giúp tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế với nhiều ngành có cơ hội được hưởng lợi, trong đó có bất động sản. Những chính sách về tài khóa, tiền tệ, đẩy mạnh đầu tư công trong thời gian tới sẽ gián tiếp tác động đến toàn thị trường.
Theo vị chuyên gia này, gói hỗ trợ sẽ gồm nhiều giải pháp như miễn, giảm thuế phí, hỗ trợ giảm lãi suất và phục vụ an sinh xã hội,… Do đó sẽ giúp giảm lãi suất vay ngân hàng, doanh nghiệp không gánh thêm chi phí mà được giảm bớt chi phí và cũng không làm hạn chế tín dụng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam cho biết, các gói hỗ trợ kích thích kinh tế sẽ là một trong những động lực quan trọng để phát triển sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng nói chung. Mặc dù vậy, sẽ khó có gói hỗ trợ riêng trực tiếp cho thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, doanh nghiệp bất động sản sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ những công trình đầu tư công như hạ tầng giao thông, xã hội, các doanh nghiệp mở rộng sản xuất - kinh doanh cần thêm mặt bằng, người lao động hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ,… từ đó thúc đẩy sức mua.
Song, theo vị này, cần có sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước cho nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân lao động. Thực tế đã cho thấy sự bức thiết của việc này và đây cũng chính là một trong các yếu tố cơ bản tác động cho thị trường bất động sản nói chung.
Ngoài ra, ông Hoàng cho biết, áp lực lạm phát hiện nay đang rất lớn (ngay cả các gói kích thích và việc tăng đầu tư công cũng góp phần làm tăng lạm phát) dẫn đến áp lực tăng lãi suất, khi đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn của chủ đầu tư (đang và sẽ vay ngân hàng để phát triển dự án) và các chi phí đầu vào.
Bên cạnh đó, chủ trương hạn chế và điều tiết hợp lý dòng vốn vào bất động sản và chứng khoán để tránh tình trạng quá nóng của hai thị trường này cũng sẽ góp phần làm cho các chủ đầu tư gặp khó khăn.
Tuy nhiên, do thị trường tài chính và thị trường vốn của Việt Nam hiện nay khác với thời gian trước nhiều, đa dạng và mạnh hơn nên các doanh nghiệp có thể đa dạng cấu trúc nguồn vốn thay vì chỉ phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng như trước kia.
Ví dụ, các chủ đầu tư có thể phát hành trái phiếu (như hai năm qua rất sôi động), M&A qua nhiều hình thức từ mua bán dự án đến kêu gọi vốn hợp tác của các quỹ đầu tư trong/ngoài nước và huy động vốn trên thị trường chứng khoán,...
Cũng liên quan đến vấn đề này, tại Hội thảo "Gói kích thích kinh tế, quy hoạch và cơ hội đầu tư bất động sản năm 2022" diễn ra mới đây, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, nhìn vào năm tới, quá trình phục hồi kinh tế không đồng đều giữa các lĩnh vực, khu vực.
Do đó, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các loại hình bất động sản khác nhau, từ loggistic, thương mại, du lịch nghỉ dưỡng, nhà ở,... Trong đó, bất động sản du lịch có thể sẽ hồi phục chậm hơn.
"Từ chương trình hỗ trợ này, chúng ta đánh giá rủi ro nhất nhiều khía cạnh, từ nợ công, lạm phát, thâm hụt ngân sách, rồi làm sao để hạn chế việc dòng tiền chảy vào thị trường bất động sản và chứng khoán gây đầu tư quá mức,... Nhưng vẫn phải làm gì đó để kiểm soát việc này, tránh làm hạn chế sự phát triển chung của thị trường.
Chúng ta vẫn mong muốn thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Như vậy, cơ hội đang đan chéo với thách thức", ông Thành nói.