Quốc hội Mỹ chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga và một đồng minh của Nga

Nguyễn Thị Thùy Dung 08:53 | 08/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việc thu hồi quy chế “Tối huệ quốc” sẽ cho phép Mỹ tăng thuế với hàng nhập khẩu từ Nga và đồng minh thân thiết của Nga là Belarus.

Tờ CNBC đưa tin Quốc hội Mỹ hôm 7/4 đã bỏ phiếu thông qua dự luật thu hồi quy chế “Tối huệ quốc” - còn gọi là nguyên tắc Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) đòi hỏi bất kỳ một quốc gia thành viên nào của Tổ chức Thương mại Thế giới đều được hưởng một chế độ ưu đãi thương mại thuận lợi như nhau từ các thành viên khác.

Cụ thể, ngày 7/4, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật thu hồi quy chế “Tối huệ quốc” với Nga (còn gọi là Dự luật HR 7108) trong một cuộc bỏ phiếu dành được tỷ lệ thuận áp đảo 420/3 phiếu. Trước đó, Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật với tỷ lệ nhất trí 100%.

Ngay sau đây, dự luật sẽ được trình lên bàn Tổng thống Mỹ Joe Biden. Dự luật cũng áp dụng với quốc gia láng giềng của Nga là Belarus.

Việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật HR 7108 được xem là một trong những động thái chính thức tiến tới cắt đứt quan hệ thương mại bình thường với Nga và Belarus, quốc gia vốn là một trong những đồng minh thân cận nhất của Điện Kremlin. Thu hồi quy chế “Tối huệ quốc” sẽ cho phép Mỹ tăng thuế với hàng nhập khẩu từ Nga và Belarus.

Trên thực tế, Mỹ đã có động thái cắt đứt quan hệ thương mại bình thường với Nga từ tháng trước khi chính quyền Tổng thống Biden cấm một số hoạt động nhập khẩu dầu, rượu vodka, kim cương và hải sản từ Nga.

Cùng ngày 7/4, Quốc hội Mỹ cũng bỏ phiếu để luật hóa tuyên bố của Tổng thống Biden về việc cấm nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt và các sản phẩm năng lượng của Nga. Dự luật này được thông qua tại Thượng viện với tất cả 100 phiếu thuận, và thông qua tại Hạ viện với 413 phiếu thuận trên 9 phiếu chống.

Ngoài những nỗ lực cắt đứt quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Nga, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh cũng đang tìm cách hạn chế quyền tiếp cận của Moscow với các tổ chức tài chính toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp đặt lên Nga được thiết kế để làm giảm giá trị đồng ruble, làm suy sụp thị trường chứng khoán Nga và suy yếu nền kinh tế Nga trong dài hạn.

Các đồng minh Mỹ ở châu Âu cũng đang thúc đẩy lệnh cấm vận với than đá của Nga. Hôm 5/4, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất cấm nhập khẩu than đá từ Nga với trị giá 4 tỷ euro (4,3 tỷ USD) mỗi năm trong loạt biện pháp trừng phạt lần thứ năm nhằm vào Nga. Một số đề xuất khác nhằm vào các mặt hàng nhập khẩu từ Nga trong lĩnh vực công nghệ và chế tạo, với trị giá ước tính 10 tỷ euro.

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Nga. Năm 2019, thời điểm trước đại dịch, các thành viên EU đã nhập khẩu tổng cộng 40% hàng xuất khẩu của Nga ra thế giới.