Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng dễ bị ảnh hưởng xấu bởi nạn xây dựng trái phép tại Tây Hồ

14:33 | 25/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hàng loạt công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại quận Tây Hồ đã tồn tại từ lâu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng trong thời gian tới.
Theo thông tin gần nhất, mới đây TP Hà Nội đang nghiên cứu quy hoạch 8 bãi sông Hồng, trong đó dự kiến 6 khu vực cho phép xây dựng tỷ lệ từ 5% đến 15%; còn lại định hướng phát triển không gian mở. Theo đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (đồ án) dự kiến phê duyệt vào tháng 6, tổng diện tích khu vực nghiên cứu khoảng 11.000 ha; riêng sông Hồng chiếm 3.600 ha, đất bãi sông khoảng 5.480 ha (chiếm 50% tổng diện tích).
 
Hiện đất các bãi sông này đa dạng về loại hình, có đất trống chưa sử dụng và đất trồng rau màu, hoa, cây cảnh; phần còn lại là khu vực đã xây dựng, gồm các làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt..., các khu phố nằm ngoài đê như khu dân cư phường Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá... (diện tích khoảng 1.190 ha). Ngoài ra, trên các bãi sông còn đất các công trình hạ tầng xã hội (công cộng, trường học), các công trình hạ tầng kỹ thuật, đất an ninh quốc phòng, công nghiệp (kho bãi, bến cảng).
 
Nhưng những năm gần đây, quá trình đô thị hóa cũng đã làm cho quỹ đất của quận Tây Hồ đặc biệt là đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, nhường chỗ cho các công trình, dự án, đường xá. Điều này góp phần không hề nhỏ đến sự phát triển chung của thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những vấn nạn không được giải quyết dứt điểm, gây ra nhiều băn khoăn, bức xúc cho người dân.
 
Đó là hàng loạt các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại quận Tây Hồ đã tồn tại từ lâu, vi phạm nghiêm trọng về xây dựng lấn chiếm, làm mất mỹ quan đô thị, phá vỡ quy hoạch, thế nhưng chưa được cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định.
 Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng dễ bị ảnh hưởng xấu bởi nạn xây dựng trái phép tại Tây Hồ - ảnh 1Công trình khu dịch vụ có tên Nhà hàng “The 100” tại số 68 Đường Hoa, phường Quảng An (quận Tây Hồ) xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp đã tồn tại từ lâu, thế nhưng vẫn chưa bị xử lý.
 
Cụ thể, theo phản ánh của người dân, tại quận Tây Hồ đất nông nghiệp đang bị chiếm dụng cho các công trình xây dựng nhà ở kiên cố với quy mô 1 đến 2 tầng trái phép. Và mặc dù tình trạng này đã diễn ra từ lâu, nhưng chính quyền quyền địa phương lại không hề xử lý triệt để khiến những công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại gây hệ lụy nặng nề tới quy hoạch Thủ đô đồng thời khiến người dân vô cùng bức xúc.
 
Theo ghi nhận của phóng viên (PV), tại phường Quảng An và phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) hiện nay có hàng chục công trình được xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Hầu hết những công trình này trước đó đã được báo chí phản ánh rất nhiều, chính quyền các cấp tại quận Tây Hồ cũng đã thừa nhận và khẳng định sẽ xử lý triệt để. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì cho đến nay những công trình này vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
 
Ghi nhận tại phường Nhật Tân, công trình xây dựng số 39 ngách 264/15 và bộ đôi công trình trong ngách 374/20 đường Âu Cơ. Đây là những công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp đã được báo chí nêu tên từ năm 2019 cho đến hiện nay các công trình này vẫn chưa bị xử lý.
 
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng dễ bị ảnh hưởng xấu bởi nạn xây dựng trái phép tại Tây Hồ - ảnh 2
Bộ đôi công trình trong ngách 374/20 đường Âu Cơ, phường Nhật Tân (quận Tây Hồ).
 
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng dễ bị ảnh hưởng xấu bởi nạn xây dựng trái phép tại Tây Hồ - ảnh 3
Một số công trình nhà ở kiên cố có quy mô 1,2 tầng tại ngách 264/15 đường Âu Cơ, phường Nhật Tân (quận Tây Hồ).
 
Tương tự tai phường Quảng An, các công trình xây dựng trái phép tại khu dân cư tại ngách số 6 - 6A, số 37 Đường Hoa, khu dịch vụ có tên Nhà hàng “The 100” tại số 68 Đường Hoa, bãi xe trái phép tại số 64 Đường Hoa, sân bóng nhân địa chỉ số 48/52 Tô Ngọc Vân, số 56 Tây Hồ... vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt".
 
Đó là những công trình sai phạm tồn tại kéo dài nhiều năm nhưng vẫn không hề bị xử lý triệt để. Khiến dư luận địa phương đặt nhiều nghi vấn về năng lực công tác của chính quyền cơ sở quận Tây Hồ.
 
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng dễ bị ảnh hưởng xấu bởi nạn xây dựng trái phép tại Tây Hồ - ảnh 4
Sân bóng nhân tạo số 56 Tây Hồ - số 48/52 Tô Ngọc Vân, phường Quảng An (quận Tây Hồ) được xây dựng trên đất nông nghiệp và đi vào hoạt động từ năm 2019 cho đến nay.
 
Trao đổi với PV, luật sư Hoàng Tùng - Văn phòng Luật sư Trung Hoà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng "Để xảy ra tình trạng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng các công trình trái phép ngoài nguyên nhân là do từ phía người vi phạm thì còn có trách nhiệm quản lý của các cơ quan ở địa phương, trách nhiêm quản lý và thực thi nhiệm vụ, công vụ của các cán bộ, công chức người được giao thảm quyền quản lý, giám sát vấn đề này.
 
Các cơ quan này cần đẩy mạnh công tác vận động người dân thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhanh chóng phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm".
 
Theo Điều 10 Luật Đất đai năm 2013, đất nông nghiệp là loại đất được Nhà nước giao cho người dân để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng..v..v. Là tư liệu sản xuất chủ yếu vừa là tài liệu lao động vừa là đối tượng lao động, đặc biệt không thể thay thế của ngành nông - lâm nghiệp.
 
Việc xây dựng công trình kiên cố trên đất nông nghiệp mà không được được phê duyệt (theo luật đất đai 2013) là trái phép, phá vỡ quy hoạch thủ đô, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, trật tự xã hội, đời sống dân sinh địa phương. Không những vậy, việc xây dựng ồ ạt, không đúng quy định là nguy cơ dẫn đến ô nhiễm môi trường như việc xả thải sinh hoạt, thải sản xuất, làm mất chất dinh dưỡng vốn có trong đất…
 
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng dễ bị ảnh hưởng xấu bởi nạn xây dựng trái phép tại Tây Hồ - ảnh 5
 
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng dễ bị ảnh hưởng xấu bởi nạn xây dựng trái phép tại Tây Hồ - ảnh 6
Hàng loạt các công trình nhà ở, quán caffe, bãi trông giữ xe... xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp đã được báo chí nêu tên từ năm 2019 cho đến nay vẫn chưa bị xử lý tại phường Quảng An (quận Tây Hồ).
 
Việc xây dựng các công trình thường phải có giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp (trừ một số các công trình không cần cấp phép). Tuy nhiên, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp là hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Theo quy định của pháp luật, hành vi này là hành vi vi phạm các quy định về sử dụng đất đai.
 
Theo Nghị định số 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
 
3. Chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
 
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,01 héc ta;
 
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,01 héc ta đến dưới 0,02 héc ta;
 
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
 
d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
 
đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta
 
;e) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
 
g) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;
 
h) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.
 
4. Chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì hình thức và mức xử phạt bằng hai (02) lần mức phạt quy định tại khoản 3 Điều này.
 
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
 
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.
 
b) Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.
 
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.
 
Liên quan đến những sai phạm trên đất nông nghiệp tại phường Quảng An, phường Nhật Tân (quận Tây hồ), PV đã nhiều lần liên hệ và xin xác minh thông tin với lãnh đạo phường. Tuy nhiên, lãnh đạo phường Quảng An cũng như phường Nhật Tân lại từ chối tiếp nhận thông tin mà báo chí phản ánh.
 
Nhân dân địa phương đang rất mong lãnh đạo các cấp có thẩm quyền quận Tây Hồ, UBND TP Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp sớm vào cuộc xác minh xử lý dứt điểm những vi phạm về sử dụng đất nông nghiệp đang diễn ra tại phường Quảng An, phường Nhật Tân để đảm bảo an ninh trật tự khu vực cũng giữ vững quy hoạch Thủ đô trong thời gian tới. 
 
Quang Phúc