Hà Nội bổ sung loạt dự án nhà ở xã hội với tổng vốn đầu tư hơn 8 nghìn tỷ

Đông Bắc 10:17 | 31/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
8 dự án nhà ở xã hội vừa được Hà Nội bổ sung vào kế hoạch phát triển nhà ở của TP giai đoạn 2021-2025 (đợt 1) có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.114 tỷ đồng.

 

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định phê duyệt danh mục cập nhật các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị trong các kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2021-2025 (đợt 1).

Đáng chú ý, trong danh sách này có 8 dự án đầu tư xây dựng  nhà ở xã hội cập nhật vào kế hoạch phát triển nhà ở xã hội TP Hà Nội giai đoạn 2021- 2025, gồm:

Dự án nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng (phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai); Khu nhà ở xã hội cao tầng tại 393 Lĩnh Nam (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai); Khu nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Bộ Công an tại xã Mai Lâm (huyện Đông Anh); Khu nhà ở xã hội CT4 Đông Anh (huyện Đông Anh).

Dự án khu nhà ở Minh Đức (phần nhà ở xã hội tại ô đất CT) tại xã Tiền Phong (huyện Mê Linh); Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội Đức Thượng tại thôn Phú Đa (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức); Khu nhà ở xã hội kết hợp bãi đỗ xe tại xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm); Dự án xây dựng nhà ở xã hội tại khu chức năng đô thị Tây Tựu tại phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm).

 

 Hà Nội bổ sung 8 dự án nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025. Ảnh HNM.

8 dự án nhà ở xã hội này sẽ cung cấp khoảng 485.120 m2 sàn nhà ở, tương ứng 5.572 căn hộ. Theo đó, tổng mức đầu tư dự kiến các dự án này khoảng 8.114 tỷ đồng.

Đồng thời, UBND TP cũng cập nhật 122 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị vào kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Các dự án này dự kiến cung cấp khoảng 25.139.755m2 sàn nhà ở, khoảng 91.322 căn (gồm 11.612 căn hộ chung cư; 1.824 căn thấp tầng).

Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng cập nhật 1 dự án đầu tư xây dựng mới và 7 dự án đang rà soát theo chỉ đạo của Thành ủy vào kế hoạch phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong thời gian thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, việc bổ sung cập nhật danh mục các dự án trên là cơ sở để UBND các quận, huyện triển khai chủ trương đầu tư, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án...

Công ty Him Lam xin chuyển gần 3.800 căn hộ thành NOXH

Liên quan đến nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô, mới đây TP Hà Nội vừa đề nghị Bộ Xây dựng cho ý kiến về việc chuyển toàn bộ dự án khu nhà ở xã hội, tái định cư và nhà ở thương mại Him Lam Phúc Lợi thành dự án nhà ở xã hội.

Trước đó, Công ty CP Him Lam đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vào năm 2018.

Dự án khu nhà ở xã hội, tái định cư và nhà ở thương mại Him Lam Phúc Lợi (khu nhà ở Him Lam Phúc Lợi - Long Biên, Hà Nội) có diện tích sử dụng đất khoảng 134.418m2 (tương đương 13,44ha), quy mô xây dựng 5.724 căn hộ chung cư. Dự án có 1.944 căn nhà ở xã hội, 504 căn nhà tái định cư và khoảng 3.276 căn hộ nhà ở thương mại.

Tổng vốn đầu tư ban đầu của khu nhà ở Him Lam Phúc Lợi khoảng hơn 7.000 tỷ đồng, tiến độ triển khai dự án khoảng 19 tháng.

Đến tháng 2/2020 UBND TP Hà Nội lại có Văn bản số 97 đồng ý chủ trương chuyển toàn bộ phần nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư trong dự án Him Lam Phúc Lợi thành nhà ở xã hội.

Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội có văn bản 1857 báo cáo UBND TP Hà Nội chấp thuận về nguyên tắc cho Công ty CP Him Lam nghiên cứu phương án chuyển đổi nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư thành nhà ở xã hội.

Tháng 12/2021, Công ty CP Him Lam chính thức có Văn bản 213 đề nghị TP Hà Nội cho chuyển dự án khu nhà ở Him Lam Phúc Lợi thành dự án nhà ở xã hội.

Theo đó, gần 3.300 căn nhà ở thương mại, hơn 500 căn nhà ở tái định cư của dự án được đề xuất chuyển đổi thành nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu ở của người thu nhập thấp sống tại Hà Nội.

Nhưng Công ty CP Him Lam cũng xin giữ lại 20% quỹ nhà dự án Him Lam Phúc Lợi để kinh doanh thương mại nhằm thu hồi vốn đầu tư dự án theo nghị định 100 năm 2015 của Chính phủ.

Trong đề xuất gửi tới Bộ Xây dựng, TP Hà Nội cho biết nhu cầu nhà ở xã hội của thành phố giai đoạn sau 2020 rất lớn, lên tới khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 1,21 triệu m2 sàn nhà ở.

Về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực dự án nhà ở Him Lam Phúc Lợi, theo TP Hà Nội, phù hợp với chuyển đổi dự án và đúng với các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

Ngoài việc đề xuất chuyển đổi nhà thương mại, nhà tái định cư thuộc dự án Him Lam Phúc Lợi thành nhà ở xã hội. Thời gian qua TP Hà Nội cũng lên kế hoạch đầu tư 5 khu nhà ở xã hội tập trung quy mô lớn.

Đó là khu nhà ở xã hội tập trung được xây dựng tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh; 1 khu được xây dựng tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm; 1 khu tại xã Ngọc Hồi, Đại Áng, Liên Ninh, huyện Thanh Trì; 1 khu tại xã Khánh Hà, huyện Thường Tín; 1 khu tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh.

Dự kiến 5 khu nhà ở xã hội tập trung này sau khi hoàn thành sẽ bổ sung khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở vào quỹ nhà ở xã hội của TP Hà Nội.