Quý II/2021, thị trường bất động sản không “đóng băng” hay “sốt nóng”
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, số lượng các dự án phát triển nhà ở, dự án bất động sản được cấp phép, đang triển khai, đã hoàn thành trong Quý II/2021. Trên cả nước có 69 dự án với 27.462 căn được cấp phép (số lượng dự án bằng 73% so với Quý trước và chỉ bằng khoảng 21% so với cùng kỳ năm 2020); 1.119 dự án với 352.575 căn đang triển khai xây dựng (số lượng dự án bằng 81% so với Quý trước và bằng khoảng 79% so với cùng kỳ năm 2020); 34 dự án với 2.801 căn hoàn thành (số lượng dự án bằng khoảng 83% so với Quý trước và chỉ bằng khoảng 47% so với cùng kỳ năm 2020). Cụ thể tại miền Bắc có 37 dự án với 9.174 căn được cấp phép; 236 dự án với 179.672 căn đang triển khai xây dựng; 26 dự án với 2.280 căn hoàn thành.
Thị trường bất động sản quý II/2021 không có nhiều biến động
Khu vực miền Trung có 9 dự án với 1.227 căn được cấp phép; 163 dự án với 68.936 căn đang triển khai xây dựng; 7 dự án với 497 căn hoàn thành. Còn miền Nam có 23 dự án với 17.061 căn được cấp phép; 720 dự án với 103.967 căn đang triển khai xây dựng;14 dự án với 24 căn hoàn thành.
Đối với dự án nhà ở xã hội: trong Quý II/2021, theo số liệu tổng hợp từ 55/63 địa phương có báo cáo, có 3 dự án với 1.766 căn được cấp phép mới tại Đà Nẵng, Thanh Hóa và Lạng Sơn; 94 dự án với 123.085 căn đang triển khai, tập trung chủ yếu tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội và Thanh Hóa; có 02 dự án với 264 căn hoàn thành tại Phú Thọ và Long An; 05 dự án với 1.855 căn hộ tại Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên và An Giang được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú: trên cả nước có 05 dự án mới với 4.829 căn hộ du lịch, 270 biệt thự du lịch được cấp phép; 54 dự án với 20.013 căn hộ du lịch, 3.415 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng, tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Trung như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định, Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Giá giao dịch tăng nhẹ
Về lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng, Bộ Xây dựng cho biết, trong quý II/2021, có 29.949 giao dịch bất động sản thành công. Tổng lượng giao dịch bình quân bằng khoảng 118% so với quý I-2021 và bằng khoảng 101% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng tại Hà Nội có 1.094 giao dịch thành công (bằng khoảng 20% so với quý I/2021), tại thành phố Hồ Chí Minh có 3.002 giao dịch thành công (bằng khoảng 87% so với quý I/2021). Nhìn chung, các giao dịch thành công vẫn tập trung nhiều ở phân khúc trung cấp và cao cấp.
Về giá nhà ở, giá giao dịch tại hầu hết các địa phương có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, với căn hộ chung cư, giá giao dịch bình quân, đặc biệt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tăng 5-7% so với quý I-2021. Đối với nhà ở riêng lẻ, giá giao dịch trong các dự án tại nhiều địa phương vẫn tăng nhưng không nhiều, bình quân khoảng 3% so với quý I/2021. Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương là những địa phương có mức giá bình quân tăng cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước.
Về đất nền, hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ đã được kiểm soát sau khi Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo, cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn. Lượng giao dịch đất nền có xu hướng giảm so với quý I/2021.
Lượng hàng tồn kho trong Quý II/2021, tổng lượng giao dịch là 29.949 giao dịch, tăng 18% so với Quý I/2021; nguồn cung bất động sản có 29.557 căn nhà ở đủ điều kiện đưa vào giao dịch, nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và bất động sản khác giảm. Qua đánh giá cho thấy khả năng hấp thụ của thị trường Quý II tốt hơn, trong quý không tạo ra lượng bất động sản tồn kho mới từ thị trường sơ cấp. Lượng bất động sản tồn kho chưa được giao dịch hầu như chỉ có ở các nhà đầu tư thứ cấp và một số loại hình bất động sản đang chịu tác động nặng nề của bệnh dịch như bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
Bộ Xây dựng nhận định, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thị trường bất động sản vẫn cơ bản ổn định.
Thị trường bất động sản, lượng giao dịch, giá giao dịch các loại hình bất động sản có biến động nhưng cơ bản vẫn ổn định, không rơi vào tình trạng “đóng băng” hay “sốt nóng”. Hiện tượng tăng giá cục bộ đất nền tại các địa phương đã kịp thời được kiểm soát.
Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh bất động sản, môi giới bất động sản thiếu tính pháp lý, gây nhiễu loại thị trường đã được kịp thời chấn chỉnh.
Dự báo về thị trường BĐS cuối năm 2021, nhiều đơn vị nghiên cứu bất động sản cũng đã đưa góc nhìn không mấy sáng sủa. Kịch bản thị trường BĐS phụ thuộc nhiều vào tình hình dịch COVID-19 nhưng dù ở kịch bản nào thì thị trường sẽ không xuất hiện tình trạng nóng sốt như những dự báo trước đây.
Hải Đăng