Quyết định hạ lãi suất của Trung Quốc tiếp sức cho chứng khoán châu Á

Lê Minh (TTXVN) 07:45 | 22/02/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong phiên giao dịch ngày 21/2 tại châu Á, các biện pháp mới nhất nhằm thúc đẩy nền kinh tế của Trung Quốc đã tạo đà tăng cho các thị trường chứng khoán. Trên thị trường hàng hóa, giá dầu lấy lại được động lực do những lo ngại về các cuộc tấn công trên Biển Đỏ, còn khả năng lãi suất tại Mỹ giảm đã đẩy mạnh giá vàng đi lên.

Bảng điện tử chỉ số chứng khoán của Nhật Bản tại sàn giao dịch Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN

Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm

Các thị trường chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải (Trung Quốc) tăng điểm trong phiên 21/2, sau khi Trung Quốc công bố các biện pháp mới nhất nhằm thúc đẩy nền kinh tế, trong khi các thị trường khác ở châu Á chịu sức ép khi Phố Wall đi xuống.

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 1,6%, hay 255,59 điểm, lên chốt phiên ở mức 16.503,1 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 1%, hay 28,23 điểm, lên 2.950,96 điểm.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) ngày 20/2 đã hạ lãi suất cho vay chuẩn, một trong các biện pháp được thực hiện nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gặp trở ngại do khủng hoảng lĩnh vực bất động sản và kinh tế toàn cầu giảm tốc.

Theo PBoC, mức giảm lãi suất 25 điểm cơ bản là mạnh nhất kể từ năm 2019.

Trong khi đó, tại các thị trường khác ở châu Á, các nhà đầu tư chờ báo cáo lợi nhuận của các công ty công nghệ Mỹ trong ngày và Fed công bố biên bản cuộc họp lần trước.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,3%, hay 101,45 điểm, xuống 38.262,16 điểm.

Các thị trường Sydney, Seoul, Taipei, Singapore, Jakarta và Kuala Lumpur cùng giảm.

Các cuộc tấn công trên Biển Đỏ vẫn là yếu tố đẩy giá dầu đi lên

Giá dầu tăng trở lại do lo ngại về các cuộc tấn công vào tàu trên Biển Đỏ và tăng khả năng thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu hạ lãi suất có thể muộn hơn dự kiến.

Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 24 xu Mỹ, hay 0,3%, lên 82,58 USD/thùng vào lúc 14 giờ 21 phút (theo giờ Việt Nam), trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 21 xu Mỹ, hay 0,3%, lên 77,25 USD/thùng.

Dầu Brent và dầu WTI giảm tương ứng 1,5% và 1,4% so với mức cao nhất trong gần ba tuần được ghi nhận vào ngày 20/2.

Các cuộc tấn công vào các tàu trên Biển Đỏ và eo biển Bab al-Mandab của lực lượng Houthis đã tiếp tục gây lo ngại về hoạt động vận chuyển hàng hóa qua tuyến đường biển huyết mạch này. Có ít nhất 4 tàu bị tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái kể từ ngày 16/2.

Trong khi đó, những lo ngại rằng thời điểm Fed bắt đầu hạ lãi suất có thể muộn hơn dự kiến đã tác động đến triển vọng nhu cầu dầu.

Số liệu lạm phát tại Mỹ được công bố tuần trước đã đẩy lùi thời điểm Fed có thể bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất.

Khả năng Fed hạ lãi suất đẩy mạnh giá vàng

Giá vàng cùng với đồng nhận được sự hỗ trợ mạnh nhất trong số các hàng hóa từ khả năng Fed hạ lãi suất trong phiên này.

Tại Sàn giao dịch hàng hóa London, giá vàng giao ngay đạt mức cao nhất trong gần hai tuần là 2.030,3 USD/ounce.

Goldman Sachs ngày 20/2 nhận định khả năng Fed hạ lãi suất 100 điểm cơ bản có tác động lớn nhất đến giá các kim loại, đặc biệt là đồng (6%), và sau đó là vàng (3%), tiếp đến là dầu mỏ (3%).

Theo đa số các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters, Fed được cho là sẽ hạ lãi suất vào tháng 6/2024 và cũng có thể lần hạ đầu tiên sẽ muộn hơn dự kiến.