RCEP tạo động lực mới cho hợp tác thương mại khu vực
Gần 80.000 chiếc móc treo quần áo bằng nhựa đã được đóng gói tại Rixin. Những sản phẩm này sẽ được chuyển đến Nhật Bản ngay sau kỳ nghỉ Tết dương lịch.
"Chúng tôi đã duy trì giao dịch thương mại với các công ty từ Nhật Bản, Malaysia (Ma-lai-xi-a) và Singapore (Xin-ga-po) trong nhiều năm. Năm 2022, chúng tôi đã đăng ký 218 giấy chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và được giảm thuế tương đương 250.000 nhân dân tệ (khoảng 35.900 USD). Điều này đã giúp tăng cường đáng kể khả năng cạnh tranh của các sản phẩm của chúng tôi", Gan Huizhen, Tổng Giám đốc của Rixin cho biết.
Tổng Giám đốc Gan cho biết thêm, RCEP đã giúp giảm chi phí xuất khẩu, mang lại lợi thế về giá cho các sản phẩm của công ty đồng thời làm tăng 15% số lượng đơn đặt hàng ở nước ngoài.
RCEP, có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, có sự tham gia của 15 nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác thương mại của họ là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia (Ô-xtrây-li-a) và New Zealand (Niu Di-lân).
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC), từ tháng 1-11/2022, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với các thành viên RCEP khác đã tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2021, lên 11.800 tỷ nhân dân tệ, chiếm 30,7% tổng giá trị ngoại thương của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Gu Xueming, người đứng đầu Học viện Thương mại Quốc tế và Hợp tác Kinh tế Trung Quốc thuộc MOC, cho biết kể từ khi có hiệu lực, RCEP đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế khu vực.
"Hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và các nước thành viên RCEP khác đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. RCEP đã đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định ngoại thương và đầu tư nước ngoài, giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần toàn cầu", người đứng đầu Gu nói.
Trong giai đoạn tháng 1-11/2022, hải quan của các tỉnh Nam Ninh, Quảng Tây đã cấp 1.696 giấy chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ RCEP, trị giá 754 triệu nhân dân tệ.
Thuế nhập khẩu trung bình đối với các linh kiện nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc do nhà sản xuất máy móc Guangxi Liugong Machinery chi trả đã giảm từ 6% xuống 4,8%, giúp công ty này giảm chi phí vận hành tổng thể một cách hiệu quả để từ đó cải thiện và tối ưu hóa hoạt động chế tạo của máy móc.
"Trong 11 tháng của năm 2022, chúng tôi đã bán được gần 20.000 máy móc hoàn chỉnh ở nước ngoài. Hơn 4.000 máy đã được bán cho các quốc gia thành viên RCEP, tăng 50% so với một năm trước đó", Du Pengqing, Giám đốc chiến lược ở nước ngoài của Guangxi Liugong Machinery, cho biết.
“Việc ký kết và thực thi RCEP sẽ đóng góp quan trọng vào tăng trưởng đầu tư và thương mại khu vực và toàn cầu cũng như phục hồi kinh tế”, Hong Junjie, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế, cho biết.
Phó Hiệu trưởng Hong lưu ý rằng RCEP đã tạo ra một nền tảng tốt cho hợp tác khu vực, phản ánh đầy đủ lợi ích chung của tất cả các bên tham gia cũng như niềm tin và quyết tâm duy trì chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do.
Với RCEP, "chúng tôi nhận thấy nỗ lực của các nước thành viên trong việc cố gắng tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại giữa các nước thành viên cũng như tạo thuận lợi cho chuỗi cung ứng khu vực", Auramon Supthaweethum, Vụ trưởng Vụ Đàm phán Thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan cho biết.
Vụ trưởng Supthaweethum nói thêm rằng RCEP đã giúp tăng cường trao đổi thương mại của Thái Lan với các nền kinh tế thành viên của RCEP, vốn chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch ngoại thương của quốc gia Đông Nam Á.
Shu Jueting, người phát ngôn của MOC Trung Quốc, cho biết sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để thúc đẩy việc thực hiện RCEP và các hiệp định thương mại tự do khác theo hướng chất lượng cao, tận dụng triệt để các thỏa thuận đã có và nâng cao hiệu quả sử dụng toàn diện.
MOC cũng sẽ ký kết các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác thương mại, mở cửa hơn nữa thương mại hàng hóa, dịch vụ và thị trường đầu tư của Trung Quốc, đồng thời tham gia tích cực vào quá trình đàm phán về các quy tắc mới của nền kinh tế kỹ thuật số và bảo vệ môi trường, ông Shu cho biết.