Sakichi Toyoda: Từ anh thợ mộc trẻ đến niềm tự hào của ngành công nghiệp xe hơi Nhật Bản

07:00 | 14/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nền công nghiệp của Nhật Bản có 2 thứ để tự hào, thứ nhất là hàng điện tử, thứ hai là ngành công nghiệp ô tô. Và hiện Toyota đang là tập đoàn sản xuất ô tô số 1 Nhật Bản. Tuy nhiên ít ai biết rằng nhà sáng lập của tập đoàn này có xuất phát điểm chỉ từ anh thợ mộc.

Sự ra đời của chiếc máy dệt tự động đầu tiên của Nhật Bản

Tập đoàn Toyota, niềm tự hào của người dân Nhật Bản, bắt nguồn từ Sakichi Toyoda, một người thợ mộc tài hoa sinh năm 1867 trong 1 làng quê nghèo thuộc tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản.

Cha của Sakichi Toyoda làm thợ mộc, còn mẹ ông ở nhà dệt vải. Làng quê của Sakichi Toyoda là một làng nghề dệt vải có truyền thống của Nhật Bản. Đến cổng làng là có thể nghe rõ tiếng máy dệt chạy khắp làng. Cha của Sakichi Toyoda là một người thợ mộc khéo tay và khá nổi tiếng trong làng.

Như được thừa hưởng từ đôi bàn tay tài hoa và niềm đam mê của cha mình, ngay từ khi mới 10 tuổi, cậu bé Sakichi Toyoda đã tỏ ra say mê với nghề mộc và tỏ ra rất khéo léo trong việc cưa cắt, đóng ghép các đồ dùng bằng gỗ.

Cũng như nhiều bạn bè cùng trang lứa khi ấy, do nhà nghèo nên Sakichi Toyoda chỉ mới được học hết cấp 1, sau đó bỏ học ở nhà phụ giúp gia đình. Hàng ngày cậu đi phụ cha làm nghề mộc. Những đồ dùng bằng gỗ trong nhà và nhất là chiếc máy dệt cũ kỹ của mẹ, hễ hỏng cái gì là Sakichi Toyoda lại tự tay sửa chữa.

Chính những lúc như này đã giúp Sakichi Toyoda nâng cao tay nghề làm mộc và hiểu biết thêm về máy dệt. Thậm chí, có 1 lần máy dệt của mẹ bị hỏng, cậu đã tự tay đóng mới 1 cái khác cho mẹ mình. Và từ đó cho đến lúc trưởng thành cậu đã trở thành người thợ mộc trẻ tuổi chuyên đóng các máy dệt bằng gỗ từ lúc nào không hay.

Vào cuối thế kỷ 19, nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu bùng nổ, dưới sự lãnh đạo của Thiên Hoàng Minh Trị 1 loạt những chính sách mở cửa đã giúp cho nền công nghiệp của Nhật Bản phát triển như  vũ bão, những công xưởng to lớn mọc lên như nấm sau mưa, không chỉ vậy hàng hoá từ Tây Âu, Mỹ được tự do xuất khẩu sang Nhật Bản. Nhưng điều này vô hình chung lại khiến cho những làng nghề nghèo như quê của Sakichi Toyoda rơi vào tỉnh cảnh khó khăn, thậm chí phải bỏ nghề dệt truyền thống bởi sản phẩm làm ra không cạnh tranh được với hàng nhập. Điều này khiến Sakichi Toyoda vo cùng đau xót.

Những buổi tối ngồi nhìn mẹ vất vả kì cạch đệt vải trên những khung dệt thô sơ cũ kỹ, nhưng hiệu quả thì lại không được cao, Sakichi Toyoda bắt đầu nhen nhóm ý tưởng phải cải tiến chiếc máy dệt của mẹ làm sao chạy nhanh hơn, tốt hơn, hiệu quả cao hơn. Và từ đó, Sakichi Toyoda ít phụ cha mình làm mộc hơn, hầu hết thời gian ông dành để nghiên cứu ý tưởng làm máy dệt cho mẹ mình.

Chiếc máy dệt tự động đầu tiên của Nhật Bản do Sakichi Toyoda sáng chế

Cha của Sakichi Toyoda khi ấy rất thất vọng với ông, cha của Sakichi Toyoda cho rằng ông phải tiếp tục cái nghề truyền thống của gia đình, tuy không thể giàu nhưng chắc cũng đủ sống. Thậm chí, ban đầu ông bố còn coi con trai của mình là điên rồ, là khác thường khi cứ suốt ngày ở trong nhà kho cưa cắt thành đống cái này cái kia để phục vụ cho chiếc máy dệt gỗ.

Tuy nhiên, không ai có thể cản được Sakichi Toyoda thực hiện ý tưởng này. Chỉ là 1 anh thợ mộc khéo tay, không hiểu biết gì về máy móc, nhưng Sakichi Toyoda vẫn kiên trì ngày đêm nghiên cứu, thử nghiệm đi thử nghiệm lại, dù thất bại nhiều lần nhưng ông cũng không nản chí.

Cuối cùng sau nhiều ngày tháng, sự kiên trì nỗ lực của Sakichi Toyoda đã được nếm trái ngọt. Vào 1 ngày năm 1890, cả làng đổ đến xem chiếc máy dệt vừa được Sakichi Toyoda sáng chế. Tuy toàn bộ phần thân chiếc máy dệt mới này được làm bằng gỗ và khá thô sơ, nhưng nó đã giúp người dệt đỡ vất vả chạy đi chạy lại mà tốc độ dệt vải lại tăng gấp nhiều lần.

Có sẵn trong mình tố chất kinh doanh, năm 1891, Sakichi Toyoda đăng ký bản quyền cho chiếc máy dệt của mình và chính thức trở thành ông chủ chuyên sản xuất và phân phối máy dệt.

Lòng tự tôn dân tộc

Sau khi đã thành công trong lĩnh vực sản xuất và phân phối máy dệt, Sakichi Toyoda bất đầu ấp ủ ý tưởng sản xuất xe hơi. Trong 1 chuyến công tác ở Mỹ để tìm hiểu phát triển dự án máy dệt tự động, ông nhận ra những chiếc xe hơi khá phổ biến ở Mỹ, trong khi nhật bản lại không hề có. Đúng lúc đó, Nhật Bản lại nhập khẩu nguyên chiếc 800 chiếc xe của Ford đã khiến lòng tự tôn dân tộc của ông nổi lên.

Sau khi về nước, Sakichi Toyoda đã chia sẻ lại dự định này với con trai của mình là Kichiro Toyoda và quyết định đầu tư một khoản tiền lớn để con thành lập trung tâm nghiên cứu về ô tô do ông đứng lên điều hành. Sau đó, cả hai cha con vừa duy trì phát triển nhà máy dệt vừa âm thầm chuẩn bị dây chuyền sản xuất ô tô đầu tiên tại Nhật Bản. Đến năm 1930, gia đình Toyoda lần lượt hoàn thiện dây chuyền sản xuất thân xe, gầm xe và động cơ.

Hình ảnh chiếc Toyota đầu tiên

Đến năm 1936, người con trai của ông chính thức tiếp quản công ty Kichiro Toyoda và chính thức thay chữa “d” bằng chữ “t” trong tên gọi Toyota. Tên gọi mới “Toyota” phát âm không rõ như “Toyoda” nhưng nó lại phù hợp hơn với tâm lý quảng cáo. Toyota có 8 nét trong khi Toyoda có 10 nét. Theo quan niệm truyền thống của Nhật Bản, số 8 mang lại sự may mắn và tượng trưng cho sự phát triển không ngừng. Còn số 10 lại là con số tròn trĩnh và không có chỗ cho sự lớn mạnh, tăng trưởng và phát triển.

Vào tháng 4/1937, Toyota chính thức được đăng ký bản quyền thương mại. Kể từ đó thương hiệu Toyota đã chính thức trở thành niềm tự hào và biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô xứ sở mặt trời mọc.

Sau đó, Toyota đã tổ chức cuộc thi sáng tác biểu tưởng cho công ty với tiêu chí: Dễ hiểu, gợi tả được nguồn gốc và chứa những âm tiết Nhật Bản. Cuộc thi  đã thu hút 27.000 mãu biểu đăng kí tham gia và chỉ có 1 biểu tượng “Toyota” với hình tròn bao quanh được lựa chọn.

Tuy nhiên, đến nay biểu tượng của Toyota đã thay đổi gồm 3 hình e-líp lồng vào nhau (tượng trưng cho ba trái tim) mang 3 ý nghĩa: một là thể hiện sự quan tâm với khách hàng, một là tượng trưng cho chất lượng sản phẩm và một là nỗ lực không ngừng để phát triển khoa học công nghệ.

Đi lên từ chiến tranh, vươn ra thế giới

Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản trở thành 1 đống đổ nát nhưng thật may mắn là nhà máy Toyota tại Aichi không bị tàn phá. Đây chính là cơ hội để Toyota bắt đầu quá trình phục hồi với việc sản xuất chiếc ô tô phương mại đầu tiên có tên Model SA.

Chỉ trong 5 năm đã có 215 chiếc SA Toyopet xuất xưởng. Mẫu SD, một phiên bản xe taxi, đã đạt doanh số đáng ngạc nhiên với 194 xe bán ra chỉ trong 2 năm. Mẫu SF Toyopet đã trở thành chiếc ô tô phổ biến đầu tiên của hãng xe Nhật Bản với động cơ được nâng cấp và được bổ sung thêm phiên bản cho xe taxi. Ngay sau đó là sự ra đời của mẫu RH với sức mạnh động cơ 48 mã lực.

Ngoài các mẫu xe trên, Toyota đã bắt tay vào sản xuất mẫu xe tải phổ thông mang tên Land Cruiser. Năm 1955, Toyota tiến hành sản xuất chiếc xe sang đầu tiên với tên gọi Toyota Crown. Xe được trang bị động cơ 4 xi-lanh dung tích 1.5 lít kết hợp hộp số 3 cấp. Tiếp đến là chiếc Corona sử dụng động cơ dung tích 1.0 lít. Cũng trong năm 1955, chỉ có 700 xe được sản xuất mỗi tháng, nhưng con số này tiếp tục tăng chóng mặt với 11.750 xe vào năm 1958 và 50.000 xe vào năm 1964.

Năm 1955, Toyota bắt đầu đánh dấu quá trình vươn ra thế giới của mình bằng việc xuất khẩu 2 dòng xe Land Cruiser và Toyopet sang thị trường Mỹ. Vì lợi nhuận và doanh thu không mấy khả quan nên Toyota quyết định Toyopet khỏi Mỹ để tập trung phát triển cho 2 mẫu xe chiến lược bao gồm Avaton và Camry. Vào năm 1959, Toyota đã mở nhà máy đầu tiên ngoài vùng lãnh thổ Nhật Bản tại Brazin.

Sản phẩm đầu tiên đánh dấu sự thành công của Toyota trên đất Mỹ là là Tiara, hay còn gọi là Toyota Corona PT20, sản xuất năm 1964. Mẫu xe 6 chỗ này sở hữu động cơ 70 mã lực và đạt vận tốc tối đa 144 km/h. Sau đó một năm, chiếc Toyota Corona ra đời có giá dưới 2000 đô la. Ngay lập tức, doanh số bán hàng đạt 6400 xe trong năm 1965 và tăng lên 71.000 vào năm 1968 và “vọt” lên gần gấp đôi mỗi năm khi đạt 300.000 xe vào năm 1971.

Cuối những năm 1950, Toyota Nhật Bản chỉ là 1 công ty rất bé trên thế giới. Năm 1963, Toyota là hãng xe đứng thứ 93 trên thế giới và năm 1966 vượt lên vị trí thứ 47.

Năm 2005, với doanh thu gần 180 tỷ USD, Toyota là tập đoàn duy nhất của Nhật Bản và cũng là duy nhất của châu Á nằm trong “Top ten” của những hãng có quy mô lớn nhất. Sự hiệu quả trong kinh doanh của Toyota được thấy rõ nhất ở con số lợi nhuận khổng lồ lên tới 11 tỷ USD trong năm 2005.