ITU Digital World 2021: Mục tiêu hướng đến một thế giới số trong tương lai
Thời gian vừa qua, Việt Nam và thế giới đã phải đối mặt với những thách thức, khó khăn do sự bùng phát của dịch COVID-19. Tuy nhiên, đây cũng là thời cơ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh và mạnh hơn bao giờ hết. Chủ đề chung năm nay của hội nghị là "Cùng xây dựng thế giới số" và sẽ diễn ra trực tuyến trong ba ngày 12-14/10.
Dữ liệu của Liên minh Viễn thông quốc tế ITU cho thấy hơn 90% dân số thành thị và 70% dân số nông thôn trên toàn cầu đã được phủ sóng 4G, vệ tinh hoặc các công nghệ khác từ năm 2020. Tuy nhiên, chỉ 51% dân số thế giới sử dụng Internet. Rào cản của việc phổ biến Internet chính là ở khả năng chi trả, năng lực công nghệ số, nhận thức của cộng đồng và sự tồn tại của nội dung bằng ngôn ngữ địa phương. Bài toán đặt ra cho các chính phủ là cần giải quyết các rào cản này, đặc biệt là vấn đề chi phí cho người dân kết nối Internet.
Khi đã giải quyết xong bước hạ tầng mạng cho chuyển đổi số thì một vấn đề khác mà các quốc gia đang đối mặt là sự khác nhau về tốc độ, hiện trạng triển khai Internet. Đồng thời, khi số lượng người dùng và thiết bị số gia tăng, kỳ vọng về tốc độ và chất lượng mạng cũng sẽ tăng nhanh. Do đó, điều này buộc chính quyền các nước cần cập nhật, nhanh chóng hay đổi hạ tầng mạng để đáp ứng nhu cầu trong tương lai.
Buổi làm việc giữa các bộ trưởng cũng xác định công nghệ số đang góp phần thay đổi mọi lĩnh vực cuộc sống và công việc của con người. Lúc đại dịch bùng phát, nhiều người phải làm việc và học tập tại nhà. Người dân cũng gia tăng nhu cầu nhận thông tin chính phủ, tiếp cận với các chương trình chăm sóc sức khỏe, các ứng dụng kiểm tra, truy vết cũng như chứng nhận tiêm chủng số... Do đó, vai trò của các chính phủ càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để không công dân nào bị bỏ lại ở phía sau, đồng thời trang bị các kỹ năng số cho công dân trong tương lai.
Từ những vấn đề trên, hội nghị xác định việc cần giải quyết là cắt giảm chi phí mạng truy nhập, đẩy mạnh phát triển hạ tầng và số hoá cuộc sống thường nhật sẽ được chính phủ, lãnh đạo công nghệ tại các quốc gia thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng - những nội dung đáng chú ý của ITU Digital World 2021.
Về Việt Nam, nước ta được xem là một trong những quốc gia tiêu biểu trong việc vươn lên trước mọi tình huống, khắc phục khó khăn. Khi dịch bệnh xảy ra, Chính phủ và người dẫn đã nhanh chóng thích ứng với thời cuộc, chủ động đón nhận những thách thức mà dịch bệnh gây ra cho đất nước cũng như toàn cầu.
Giờ đây "online hóa" đang dần len lỏi vào mọi ngõ, ngách của cuộc sống, thậm chí tới cả những công việc trước kia tưởng chừng chỉ có thể làm trực tiếp như họp hành, đi chợ qua mạng, thanh toán điện tử...
Việc chủ động ứng phó với dịch bệnh thích nghi với những khó khăn, biến chúng thành tích cực là những minh chứng cho thấy Việt Nam và các nước cần sẵn sàng chuyển đổi, thích ứng với những chuyển biến của thời đại. Song song với đó, để quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn thì Việt Nam và các nước cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa, tích cực hơn nữa trong việc giải quyết các thách thức.
Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU) đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong đẩy mạnh số hóa
Ông Houlin Zhao, Tổng Thư ký ITU đã trả lời phỏng vấn với báo chí rằng Việt Nam là nước chủ nhà tuyệt vời trong việc tổ chức sự kiện lần này.
Nước ta có những thành tựu đáng kể trong phát triển CNTT-TT và vai trò dẫn dắt trong ASEAN khiến Việt Nam trở thành nước chủ nhà lý tưởng cho sự kiện, vốn tập trung đẩy nhanh chuyển đổi số. Ông cũng nhận định Việt Nam có những thành tựu ấn tượng về tốc độ phát triển lĩnh vực CNTT-TT của các bạn và đánh giá cao về việc đầu tư của Việt Nam tại những nước châu Phi, Mỹ La Tinh.
Chính Việt Nam đã thúc đẩy việc đổi tên sự kiện viễn thông thế giới ITU Telecom World thành ITU Digital World (Thế giới công nghệ thông tin truyền thông). Việc đổi tên sự kiện ITU Telecom thành ITU Digital World là sáng kiến tuyệt vời của Việt Nam, nhằm phản ánh tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của công nghệ số trong hệ sinh thái truyền thông.
ITU tin tưởng rằng việc tổ chức sự kiện tại Việt Nam là một điều đúng đắn, Thành tựu đáng kể trong phát triển CNTT-TT khiến Việt Nam trở thành một mô hình tuyệt vời cho khu vực và thế giới. Đồng thời nhấn mạnh rằng kinh nghiệm và sáng kiến của Việt Nam trong chuyển đổi số, bao gồm cả chiến lược Chính phủ điện tử đầu tiên mới công bố, sẽ giúp định hướng thảo luận và là một mô hình vô cùng tích cực cho các chính phủ khác nghiên cứu, xem xét.
Thủ tướng: Chuyển đổi số là hướng đi đúng đắn, phục hồi kinh tế và đảm an toàn cho người dân trong đại dịch
Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong ngày khai mạc của ITU Digital World 2021.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Việt Nam coi hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, các nền tảng số quốc gia là yếu tố then chốt và đang nỗ lực tăng tốc lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Dù nước ta chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch, kinh tế Việt Nam vẫn được kỳ vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn khi dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát.
Chính phủ Việt Nam luôn tin tưởng lực lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng đối với việc triển khai thành công tiến trình này để kinh tế số Việt Nam chiếm trên 20% tỷ trọng GDP quốc gia vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.