Sắp bàn giao đường sắt Cát Linh-Hà Đông cho Hà Nội
Ngày 4.1.2021 sẽ có báo cáo an toàn thứ 13 của Tư vấn ACT (Pháp) về tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, sau đó Bộ GTVT sẽ bàn giao lại cho TP Hà Nội.
Hôm nay (31/12), là ngày cuối cùng dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành chạy thử để Tư vấn Pháp đánh giá an toàn, tiến tới vận hành thương mại vào quý I/2021.
Theo đó, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Liên danh Apave - Certifier - Tricc của Pháp - đơn vị đánh giá, chứng nhận an toàn độc lập. Nội dung đánh giá có các hạng mục về độ tin cậy của đoàn tàu, hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu, hệ thống điện, tích hợp hệ thống; thử nghiệm vận hành, chạy thử hệ thống và quản lý vận hành an toàn.
việc đánh giá an toàn dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết: "Hôm nay, là ngày cuối cùng vận hành thử đường sắt Cát Linh - Hà Đông để các đơn vị đánh giá an toàn. Đến ngày 4/1/2021 sẽ có báo cáo an toàn thứ 13 của Tư vấn ACT (Pháp)".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay: "Sau khi có báo cáo thứ 13 của Tư vấn ACT (Pháp), Bộ GTVT sẽ cùng Hà Nội và các đơn vị liên quan tiến hành nghiệm thu có điều kiện và bàn giao cho Hà Nội".
"Những hạng mục đã hoàn thiện và được đánh giá an toàn sẽ bàn giao, còn các hạng mục khác sẽ tiếp tục hoàn thiện theo chỉ đạo của Chính phủ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, sau khi Bộ GTVT bàn giao, Hà Nội có thể tiếp tục vận hành và đánh giá thêm hoặc tiến hành vận hành thương mại. Hiện vấn đề an toàn hệ thống vận hành được Tư vấn Pháp đánh giá là tương đối tốt.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành thử nghiệm để đánh giá an toàn từ ngày 12/12 đến ngày 31/12/2020. Mỗi ngày sẽ có 287 lượt tàu chạy; giờ cao điểm từ 5-6 phút/lượt; giờ bình thường 10 phút/lượt; bắt đầu vận hành từ 5 giờ sáng đến 23 giờ đêm, theo đúng lịch trình khai thác thương mại.
Mỗi chuyến tàu sẽ có chuyên gia của Tổng thầu Trung Quốc, đơn vị nghiệm thu cùng đi để ghi nhận, đánh giá. Riêng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) đã huy động toàn bộ cán bộ, công nhân viên, khoảng 700 người lên tuyến làm việc, một số bộ phận kỹ thuật, an toàn, bảo vệ sẽ làm việc 3 ca, đảm bảo ứng trực 24/24 giờ.
Sau khi kết thúc giai đoạn vận hành thử và nghiệm thu, để dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác vận hành chính thức, dự án còn phải trải qua các khâu như đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống (do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp), nghiệm thu Nhà nước, đề nghị cấp chứng chỉ hoàn thành công trình, bàn giao nguyên trạng dự án cho Hà Nội và thành phố sẽ ra quyết định đưa hệ thống đường sắt trên vào khai thác, vận hành.
Bên cạnh việc tàu Cát Linh - Hà Đông chạy thử đánh giá an toàn, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cũng xây dựng bảng lương và đến nay đã được UBND TP Hà Nội thông qua với Tổng số lao động vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông là 681 người và 112 chức danh.
Do lái tàu Cát Linh - Hà Đông là lao động đặc thù nhất, vì vậy bảng lương xây dựng theo 3 mức tùy vào trình độ, kinh nghiệm công tác là 13 triệu đồng/tháng, 15 triệu đồng/tháng và cao nhất là 17 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, nếu lao động vừa vào làm việc cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ không được xếp ngay mức lương cao, muốn tăng lương thì phải trải qua một thời gian làm việc nhất định và có những đóng góp tích cực trong công việc...
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông) 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được khởi công vào tháng 10/2011 do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng).
Sau nhiều lần gia hạn vận hành, khai thác thương mại, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã đặt mục tiêu cam kết sẽ đưa vào vận hành, khai thác tuyến này trong quý 1/2021.
Hiện phía UBND TP Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng nhân sự, kỹ thuật, phương án khai thác để khi tiếp nhận lại dự án Cát Linh – Hà Đông có thể vận hành khai thác ngay, đảm bảo hiệu quả, liên thông với các phương tiện công công khác.
Xem Thêm: Gần 700 người vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông với mức lương cao nhất 17 triệu đồng/tháng
Nguyễn Dung