SHB 'đội sổ' khi tỷ lệ CASA tụt dốc

09:00 | 16/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thời gian qua, ngành ngân hàng dịch chuyển sang bán lẻ và các ngân hàng cũng nhận thấy tầm quan trọng của CASA. Kết quả, một cuộc đua giảm phí diễn ra giữa các ngân hàng.

Lo ngại khi CASA sụt giảm mạnh

Để tăng biên lãi ròng, các ngân hàng đành phải giảm chi phí huy động hoặc tăng lãi suất cho vay. Tuy nhiên, khi mà cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng khốc liệt, thì việc giảm chi phí huy động tức giảm lãi suất tiền gửi, sẽ dẫn tới việc khó có thể huy động được nguồn vốn và ngược lại, nếu lãi suất cho vay cao thì lại khó cạnh tranh với các ngân hàng có tiềm lực về vốn lớn.

Trên thực tế, tăng tỷ lệ CASA là một trong những cách giúp kiểm soát chi phí vốn được các ngân hàng lựa chọn. Vì đây là nguồn tiền được các nhà băng huy động chỉ dùng để thanh toán, có chi phí vốn bình quân khoảng 0.2%/năm, tiền gửi không kỳ hạn được xem là nguồn tiền có chi phí vốn rẻ đối với ngân hàng.

Bằng cách này, nếu ngân hàng có thể duy trì được lượng tiền gửi không kỳ hạn tăng trưởng tốt so với tổng huy động, thì sẽ có khả năng bù đắp cho việc tăng chi phí từ huy động có kỳ hạn và phát hành trái phiếu. Qua đó, giúp các ngân hàng có cơ hội mở rộng biên lợi nhuận dù tăng chi phí huy động. Thế nên, ngân hàng nào có tỷ lệ CASA càng tăng thì sẽ có lợi thế cạnh tranh càng cao.

Với các ngân hàng, việc thu hút được tỷ lệ cao tiền gửi không kỳ hạn đóng vai trò quan trọng, vì nó tạo ra một nguồn vốn giá rẻ.

Tỷ lệ CASA càng cao sẽ tạo tiền đề giúp ngân hàng cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) trong khi vẫn giữ được lãi suất cho vay ở mức cạnh tranh trên thị trường.

Đó cũng là lý do vì sao trong vài năm qua, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam chứng kiến cuộc đua ngày càng quyết liệt về tăng CASA, khi các thành viên liên tục đưa ra các chính sách miễn các loại phí giao dịch, miễn phí chuyển tiền và rút tiền…

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt là phát triển hệ thống ngân hàng giao dịch và gia tăng các sản phẩm và chính sách tiện ích, thiết lập và kết nối những hệ sinh thái mở rộng nhằm thu hút được tệp khách hàng lớn.

Tuy nhiên, như trên, số liệu báo cáo lại cho thấy một thực tế không mấy khả quan trong 6 tháng qua.

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn, cùng tiền gửi ký quỹ trên tổng tiền gửi khách hàng (CASA) của ngân hàng theo đó giảm mạnh từ 4,62% hồi đầu năm xuống còn 2,88% vào cuối tháng 6/2020, nằm trong nhóm những nhà băng có CASA thấp nhất trong nhóm khảo sát.

Tương tự, lượng tiền gửi không kỳ hạn tại BacABank đã giảm tới 27,4% trong 6 tháng qua, khiến CASA rớt xuống mức rất thấp, chỉ 1,21%.

Một số thành viên khác cũng ghi nhận lượng tiền gửi này giảm mạnh bao gồm SHB (-21%), Eximbank (-18,4%), SeABank (-14,8%)…

Lượng tiền gửi không kỳ hạn giảm khiến CASA của nhà băng đi xuống. Khảo sát cho thấy có tới 17/19 thành viên ghi nhận CASA sụt giảm trong 6 tháng qua.

Trong đó, SHB là một trong những ngân hàng ghi nhận CASA sụt giảm mạnh trong kỳ qua khi tỷ lệ này chỉ còn 6,95%, so với mức 9,38% hồi đầu năm. Tại LienVietPostBank, CASA cũng giảm 2,28 điểm %, xuống còn 12,27%; SeABank giảm 3,71 điểm %, xuống còn 8,73%.

SHB 'đội sổ' khi tỷ lệ CASA tụt dốc - ảnh 1

Ảnh minh họa

Ngay cả 3 thành viên vốn có thế mạnh về CASA bao gồm MBB, Techcombank và Vietcombank cũng ghi nhận tỷ lệ này đi xuống.

Nguyên nhân tỷ lệ CASA giảm một phần lớn do doanh nghiệp rút mạnh tiền gửi trong những tháng đầu năm. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tiền gửi của các tổ chức kinh tế ở mức 3,77 triệu tỷ đồng, giảm hơn 4,8%, tương đương giảm hơn 190.000 tỷ đồng. Mức giảm này lớn hơn so với con số 2,87% của cùng kỳ năm 2019.

Ngân hàng nào có tỷ lệ CASA tăng mạnh nhất trong 5 năm qua?

Theo tính toán, Vietcombank (VCB), MB (MBB) và Techcombank (TCB) là 3 nhà băng có tỷ lệ CASA dẫn đầu trong 5 năm qua (2015-2019). Trong đó, MB duy trì tỷ lệ CASA đều trên mức 30%, và Vietcombank có tỷ lệ CASA trên 27% trong 5 năm qua.

Vietcombank và MB có tỷ lệ CASA lớn cũng là điều dễ hiểu khi những ngân hàng này đang có rất nhiều tài khoản thanh toán của các doanh nghiệp về ngoại hối và giao dịch.

Bên cạnh đó, với Vietcombank và MBBank, việc huy động tỷ lệ cao tiền gửi không kỳ hạn đến từ lợi thế về thương hiệu.

Với Techcombank, việc tăng trưởng mạnh mẽ trong huy động tiền gửi không kỳ đến từ sự gắn kết khách hàng thông qua các giải pháp thanh toán và số hóa, bao gồm đẩy mạnh các sản phẩm thẻ và miễn phí giao dịch trực tuyến. Techcombank có tỷ lệ CASA tăng trưởng đều, từ 19% trong năm 2015 và lên mức 33% trong năm 2019, tương đương tăng 75% so với năm 2015.

Ở chiều ngược lại, ABBank, BIDV (BID), Eximbank (EIB), PGBank, Saigonbank (SGB), SeABank, SHB, VIB là những nhà băng có tỷ lệ CASA sụt giảm. Trong đó, tỷ lệ CASA của ABBank sụt giảm mạnh nhất trong 5 năm, ở mức 48%, kế đến là SHB và VIB.

Việc các ngân hàng đang tăng tốc đẩy mạnh nền tảng công nghệ thanh toán cũng như miễn giảm phí giao dịch cho khách hàng nhằm mục tiêu cải thiện tỷ lệ CASA đã tạo nên xu hướng mới cho ngành ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, các ngân hàng cần phải có chiến lược rõ ràng để có được điểm cân bằng hiệu quả từ việc đánh đổi giữa phí dịch vụ thanh toán và lợi ích mà CASA mang lại. 

Theo ANTT/NĐT