Shell đẩy nhanh kế hoạch chuyển đổi năng lượng sau phán quyết của tòa án Hà Lan

07:32 | 10/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tập đoàn dầu mỏ Shell cam kết sẽ 'vượt lên thách thức', cắt giảm 45% lượng khí thải carbon ròng vào năm 2030.

Royal Dutch Shell đang đẩy nhanh kế hoạch cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sau lệnh của một tòa án ở Hà Lan. Công ty dầu mỏ nói rằng họ sẽ “vượt lên thách thức”.

Tháng trước, tòa án khu vực tại The Hague đã ra phán quyết rằng Shell phải giảm 45% lượng khí thải carbon ròng của mình vào năm 2030, so với mức năm 2019. Lệnh của tòa đã ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động kinh doanh toàn cầu của công ty.

Ben van Beurden, giám đốc điều hành Shell, đã cho biết trong một bài viết đăng trên mạng xã hội việc làm LinkedIn, vì quyết định của tòa án "áp dụng ngay lập tức và không nên bị đình chỉ trong khi chờ kháng cáo", công ty sẽ tiến hành nhanh chóng kế hoạch chuyển đổi năng lượng của mình.

Ông nói: “Đối với Shell, phán quyết này không có nghĩa là một sự thay đổi, mà là một sự thúc đẩy chiến lược của chúng tôi... Chúng tôi sẽ tìm cách giảm lượng khí thải hơn nữa”.

Van Beurden nói thêm: "Điều đó có nghĩa là thực hiện một số bước táo bạo nhưng được cân nhắc kỹ lưỡng trong những năm tới".

Shell đẩy nhanh kế hoạch chuyển đổi năng lượng sau phán quyết của tòa án Hà Lan - ảnh 1

Ben van Beurden cho biết sẽ nhanh chóng tiến hành kế hoạch chuyển đổi năng lượng. Ảnh: The Guardian.

Thẩm phán Larisa Alwin tháng trước cho biết phán quyết trong vụ việc do các nhà vận động môi trường đưa ra sẽ có "hậu quả sâu rộng" đối với công ty Anh-Hà Lan, nhưng Shell lựa chọn thực hiện lệnh như thế nào là tùy thuộc vào Shell.

Bà Alwin nói rằng chiến lược khí hậu hiện tại của Shell không đủ cụ thể và nói thêm rằng công ty có nghĩa vụ nhân quyền phải thực hiện thêm các hành động.

Shell đã công bố kế hoạch để cắt giảm cường độ carbon trong nhiên liệu hóa thạch mà hãng đang sản xuất và bán xuống 6% vào năm 2023, 20% vào năm 2030 và 45% vào năm 2035, so với mức năm 2016.

Các mục tiêu này là một phần trong tham vọng trở thành doanh nghiệp không phát thải ròng vào năm 2050. Cường độ carbon là phép đo lượng carbon trên mỗi megajoule năng lượng bán ra, chứ không phải là thước đo tuyệt đối về lượng carbon thải ra, điều mà các nhà vận động môi trường đã vận động từ lâu.

Van Beurden cho biết ông đã “thất vọng” khi Shell bị “loại bỏ” bởi một phán quyết mà ông tin rằng đã làm được rất ít để giảm lượng khí thải carbon toàn cầu.

Shell từ lâu đã khẳng định rằng việc tấn công các nhà sản xuất năng lượng mà không đồng thời thúc đẩy thay đổi thói quen tiêu dùng sẽ là một nỗ lực không có kết quả trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Van Beurden nói: “Hãy tưởng tượng Shell quyết định ngừng bán xăng và dầu diesel ngay hôm nay. Điều này chắc chắn sẽ cắt giảm lượng khí thải carbon của Shell. Nhưng nó sẽ không giúp ích cho thế giới một chút nào. Nhu cầu về nhiên liệu sẽ không thay đổi".

Ông củng cố cam kết của công ty trong việc tiếp tục sản xuất nhiên liệu hóa thạch, thứ tạo ra phần lớn tài sản cho các ông lớn dầu mỏ: “Trong một thời gian dài sắp tới, chúng tôi nghĩ rằng sẽ tiếp tục cung cấp năng lượng dưới dạng các sản phẩm dầu và khí đốt để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và duy trì một công ty mạnh về tài chính”.

 Tiệp Nguyễn