Sở Xây dựng TP HCM kiến nghị loạt giải pháp gỡ vướng cho 18 dự án nhà ở

Đông Bắc 07:52 | 02/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sở Xây dựng TP HCM vừa có văn bản báo cáo tiến độ thực hiện 18 dự án nhà ở mà UBND TP HCM yêu cầu tập trung thực hiện trong năm 2022.

Theo đó, 18 dự án được phân nhóm như sau: 6 dự án đầu tư xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ; 2 dự án nhà lưu trú công nhân; 4 dự án nhà ở xã hội độc lập; 6 dự án nhà ở xã hội nằm trong các dự án nhà ở.

Cụ thể, dự án chung cư lô số cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh) vướng mắc về việc xác định hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ và việc áp dụng quy định pháp luật nhà ở hay đất đai để thực hiện công tác di dời, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Vướng mắc này thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết.

Đối với 6 dự án đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh thời gian tiến độ thực hiện dự án, gồm: Khu nhà ở Nguyên Sơn, huyện Bình Chánh; khu nhà ở Công ty E Xim, TP Thủ Đức; nhà ở xã hội tại xã Long Thới, huyện Nhà Bè; khu dân cư - tái định cư và nhà ở công nhân, chuyên gia phục vụ Khu công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi; nhà ở xã hội Lê Thành, huyện Bình Chánh; chung cư nhà ở xã hội khu dân cư Long Thới, huyện Nhà Bè.

Đối với 2 dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư  cũ 251 Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) và chung cư 239 Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) đang được Sở Xây dựng TP HCM thực hiện xác định nghĩa vụ bồi thường của chủ đầu tư đối với phần diện tích nhà đất thuộc sở hữu nhà nước.

 

 TP HCM kiến nghị gỡ vướng mắc cho 18 dự án nhà ở. Ảnh VNM.

Chung cư 350 Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) đang được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thực hiện thủ tục giao đất và Sở này cũng đang rà soát điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất tại dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân Khu công nghiệp Tân Bình.

Dự án nhà lưu trú công nhân Khu công nghiệp Linh Trung II và nhà lưu trú công nhân Khu chế xuất Tân Thuận đang được Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (Hepza) thực hiện thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi.

Dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư 23 Lý Tự Trọng đang được UBND quận 1 xem xét phê duyệt phương án bồi thường bổ sung.

Riêng khu dân cư tại phường Long Trường, TP Thủ Đức chưa trình hồ sơ thẩm định giá bán, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; khu dân cư Tân Thuận Tây (quận 7) chưa nộp lại hồ sơ để thẩm định thiết kế cơ sở tại Bộ Xây dựng…

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, Sở Xây dựng TP HCM kiến nghị Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo 6 giải pháp:

Một là, giao Văn phòng UBND TP HCM có văn bản đôn đốc Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện đối với dự án chung cư lô số cư xá Thanh Đa.

Hai là, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương báo cáo về tiến độ thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đối với sáu dự án thuộc trách nhiệm sở này giải quyết.

Ba là, giao Sở Xây dựng khẩn trương hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện việc xác định nghĩa vụ bồi thường của chủ đầu tư đối với phần diện tích nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đối với hai dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Bốn là, Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương báo cáo tiến độ thực hiện thủ tục giao đất tại chung cư 350 Hoàng Văn Thụ, rà soát điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất đối với dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân Khu công nghiệp Tân Bình.

Năm là, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (Hepza) khẩn trương báo cáo tiến độ thực hiện thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nhà lưu trú công nhân Khu chế xuất Linh Trung II và nhà lưu trú công nhân Khu chế xuất Tân Thuận.

Sáu là, đề nghị UBND quận 1 khẩn trương báo cáo tiến độ phê duyệt phương án bồi thường bổ sung theo khoản 4 Điều 27 Nghị định 69/2021 về chung cư 23 Lý Tự Trọng.

TP HCM giao quyền cho quận, huyện cải tạo, xây lại chung cư cũ

Nhằm đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại hàng trăm  chung cư xuống cấp trên địa bàn, UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định ủy quyền, phân công cho Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, TP Thủ Đức quyền tự quyết việc cải tạo các chung cư cũ xây dựng trước năm 1975.

Theo đó, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức được ủy quyền để thực hiện các thủ tục về ban hành kết quả kiểm định nhà chung cư; quyết định cưỡng chế phá dỡ khẩn cấp, cưỡng chế di dời trong trường hợp chung cư cần phải xử lý vì không đảm bảo an toàn.

UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức cũng được ủy quyền để thực hiện quyết định phá dỡ công trình, quyết định cưỡng chế phá dỡ hoặc cưỡng chế di chuyển để bàn giao nhà trong trường hợp chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình không thực hiện trách nhiệm trong việc phá dỡ công trình; phê duyệt và công bố kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn.

  TP HCM giao quyền cho quận, huyện cải tạo, xây lại chung cư cũ. Ảnh SGGP.

Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức phải xây dựng và ban hành các tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư; công khai tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư và thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký làm chủ đầu tư để các chủ sở hữu nhà chung cư biết và thực hiện lựa chọn chủ đầu tư.

Ngoài ra, UBND các quận, huyện và  TP Thủ Đức được ủy quyền để phê duyệt, công bố kế hoạch cải tạo cũng như chế độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạm cư cho người dân bị ảnh hưởng; trong đó nội dung xác định rõ tên doanh nghiệp bất động sản được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án.

UBND TP HCM yêu cầu UBND các quận, huyện và  TP Thủ Đức không được ủy quyền các công việc nói trên cho cơ quan, tổ chức khác thực hiện. Thời gian ủy quyền từ ngày 17/8/2022 đến ngày 31/12/2025.

Theo số liệu thống kê tính đến năm 2021, trên địa bàn TP HCM có 474 chung cư cũ với 573 lô được xây dựng trước năm 1975. Qua kiểm định chất lượng, có 14 chung cư cấp D (bị hư hỏng nặng, nguy hiểm); 116 chung cư cấp C; 332 chung cư cấp B; 12 chung cư đã tháo dỡ hoặc chuyển mục đích.

Về tháo gỡ, đã có 4/14 chung cư bị hư hỏng nặng được tháo dỡ hoàn toàn. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tháo dỡ 6 chung cư xuống cấp nhưng không thuộc loại bị hư hỏng nặng. Bên cạnh đó, có 199 chung cư xây dựng trước năm 1975 được cải tạo, sửa chữa với tổng mức đầu tư gần 276 tỷ đồng.

Tuy vậy, việc cải tạo, sửa chữa chung cư cũ tại TP HCM đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng 246 chung cư cũ. Nhưng đến tháng 2/2022, các sở, ngành vẫn chưa thống nhất việc bố trí nguồn vốn để thực hiện. Điều này dẫn đến mục tiêu cải tạo, sửa chữa 246 chung cư cũ khó triển khai đúng tiến độ.