SSI Research: Biên lãi gộp của Sao Ta cải thiện hơn về cuối năm, lợi nhuận năm nay có thể vượt qua năm ngoái

Trang Mai 14:10 | 25/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cùng với sự phục hồi dần về cuối năm, CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC) đã cho thấy bức tranh kinh doanh sáng dần khi doanh thu tháng sau cao hơn tháng trước. Cùng với triển vọng giá bán tăng và các nhà nhập khẩu gom hàng cho dịp lễ hội, chứng khoán SSI Research cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu tôm này sẽ có kết quả kinh doanh tăng nhẹ so với năm 2022.

 

Theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước trong nửa đầu năm 2023 đạt 1,5 tỷ USD, giảm 32% so với cùng kỳ. Trong nửa đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ở hầu hết các thị trường đều giảm, trong đó mức giảm đáng kể nhất phải kể đến Mỹ và Châu Âu, với giá trị xuất khẩu lần lượt là 299 triệu USD, giảm 38% và 193 triệu USD, giảm 49%. 

Nguyên nhân được các chuyên gia và doanh nghiệp lý giải là do nhu cầu thấp và áp lực cạnh tranh tại thị trường Ấn Độ, Ecuador. Đồng thời, sự hồi phục từ thị trường Trung Quốc không được như kỳ vọng khi kim ngạch đạt 281 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ 2022. 

 

Sản phẩm chế biến sâu là lợi thế, KQKD của Sao Ta đã cải thiện trong quý II

Trong báo cáo doanh nghiệp mới công bố, chứng khoán SSI Research cho rằng giá tôm nguyên liệu giảm 9% so với cùng kỳ và giảm 4% so với quý trước đã hỗ trợ một phần cho biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp chế biến tôm như Sao Ta  (mã: FMC).

Trong quý II, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt 1.000 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ và 71 tỷ đồng, giảm 59%. Tuy nhiên, cả 2 chỉ số này đã cải thiện đáng kể so với quý trước. Đáng chú ý, lợi nhuận đã có sự hỗ trợ từ khoản lãi chi phí bán hàng là 9,5 tỷ đồng, đến từ khoản hoàn thuế chống bán phá giá là 48 tỷ đồng và chi phí vận chuyển giảm tới 70% so với cùng kỳ 2022. 

 Sau quý I với kết quả kinh doanh khá ảm đạm, lợi nhuận của FMC đã cải thiện đáng kể trong quý II, nhất là tháng 6. Ảnh: Mai Trang tổng hợp

SSI Research ước tính giá bán tôm bình quân giảm 9% và sản lượng tiêu thụ giảm 20% so với năm 2022 do nhu cầu tại thị trường Mỹ và Châu Âu yếu. Trong năm 2023, FMC đã giảm giá bán bình quân để chia sẻ áp lực với các nhà phân phối hiện tại từ nhu cầu yếu cũng như tỷ giá USD/JPY suy giảm.

Xét theo thị trường, theo FMC, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ và Châu Âu vẫn gặp thách thức cạnh tranh từ Ecuador và Ấn Độ, những nước có giá thấp hơn Việt Nam. Thị trường Nhật Bản (chiếm 40% thị phần xuất khẩu của FMC trong nửa đầu năm 2023) duy trì ổn định so với các thị trường khác do ưa chuộng những sản phẩm chế biến sâu, vốn là lợi thế của FMC. Thêm vào đó, chi phí xuất khẩu sang Nhật Bản cũng ít hơn so với đi sang các quốc gia như Mỹ, EU, khiến chi phí doanh nghiệp được tiết giảm. 

Triển vọng kinh doanh dự báo dần sáng về cuối năm

Kim ngạch xuất khẩu của FMC đã bắt đầu phục hồi trong tháng 6, cụ thể, doanh thu thuần đạt 19 triệu USD, tăng 37% so với mức bình quân tháng trong 5 tháng đầu năm 2023, sau đó tăng lên 21 triệu USD trong tháng 7 với sản lượng tiêu thụ 1.953 tấn.

Sản lượng tôm xuất khẩu của FMC đang dần hồi phục sau mức đáy của tháng 5. Nguồn: FMC, SSI Research

SSI Research cho rằng tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm 2023 do chi phí đầu vào giảm, cụ thể là vùng nuôi mới có chi phí sản xuất tôm nguyên liệu thấp và giá tôm nguyên liệu đầu vào giảm.

Trong tháng 7, FMC vận hành một vùng nuôi thương mại với diện tích 525 và sẽ cung cấp khoảng 40% tổng nguyên liệu tôm đầu vào cho sản xuất trong nửa cuối năm 2023. Do thiếu nguồn tôm giống chất lượng và khỏe mạnh, Vinfarm ở Vĩnh Thuận (203 ha) mới bắt đầu đưa vào khai thác toàn bộ trong tháng 7, muộn hơn một tháng so với kế hoạch. Nguồn cung tôm nguyên liệu của FMC đến từ trang trại riêng và thu mua từ các trang trại quy mô nhỏ bên ngoài. 

Hiện tại, công ty đã vận hành thương mại với 2 nhà máy chế biến mới (tăng 20.000 tấn/năm), với các sản phẩm mới dành cho thị trường riêng. Các nhà máy mới nâng tổng công suất chế biến của FMC lên 45.000 tấn/năm (tăng 80%). 

Trong năm 2023, ban lãnh đạo dự kiến nhà máy Tam An sẽ đạt 20% công suất hoạt động và nhà máy Sao Ta sẽ đạt 40%. 

Cùng nhận định thị trường sẽ khả quan hơn khi nguồn cung đang dần hạn chế, chia sẻ với báo chí, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT FMC cho biết: “Giá bán tôm Việt Nam hiện nay đã quá thấp và chỉ còn cao hơn Ecuador vài phần trăm. Đồng thời, giai đoạn cao điểm của việc cung ứng tôm nguyên liệu cũng đã qua. Từ nay đến cuối năm, lượng tôm nguyên liệu ở tất các cường quốc nuôi tôm đều có xu hướng giảm dần. Khi lượng cung giảm, người mua ít lựa chọn hơn. Do đó ngay từ bây giờ, họ cũng phải cố gắng mua để tích trữ thêm”.

Ngoài ra, ở các thị trường lớn, giai đoạn cuối năm sẽ có rất nhiều lễ hội và nhu cầu tiêu thụ tôm sẽ tăng lên. "Trong mùa lễ hội, các dịch vụ ở những địa điểm vui chơi, nhà hàng,… sẽ rất sôi động và chắc chắn tôm chế biến sẽ được tiêu thụ nhiều hơn. Điều này phù hợp với ưu thế tôm chế biến sâu của Việt Nam. Hiện tôm chế biến sâu của Việt Nam đang chiếm thị phần khá tốt ở các thị trường lớn”, Chủ tịch FMC dự đoán.

Trong năm 2023, SSI Research dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 5.700 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,2% và 331 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Đơn vị chứng khoán giả định sản lượng tiêu thụ tôm sẽ tăng 3% và giá bán bình quân giảm 3% do xuất khẩu tôm của FMC đã có dấu hiệu phục hồi rõ rệt trong nửa cuối năm 2023, đồng thời kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ duy trì ở mức 10,8% do diện tích vùng nuôi tôm dự kiến sẽ mở rộng và nguồn nguyên liệu tôm đầu vào giảm trong nửa cuối năm 2023. 

Trong năm 2024, tình hình sẽ khả quan hơn khi 2 chỉ số sẽ tăng lên 6.200 tỷ và 368 tỷ, dựa trên giả định rằng giá bán bình quân sẽ tăng 3% và sản lượng tiêu thụ sẽ tăng 5%. Tỷ suất lợi nhuận gộp dự báo sẽ đạt 11,2%.

 SSI Research dự báo doanh thu và lợi nhuận năm 2023 của FMC sẽ không có nhiều biến động, sau đó tăng mạnh trong năm 2023. Ảnh:SSI Research