Thu về hơn 22 triệu USD, Sao Ta (FMC) có tháng tăng trưởng dương đầu tiên trong năm
Mặt hàng tôm vẫn là sản phẩm chủ lực
Theo đó, hoạt động giao hàng tôm vẫn đang được FMC dồn lực tập trung, trong khi mảng nông sản tiếp tục chững lại.
Trong tháng 8, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm 2.008 tấn, tăng 15% so cùng kỳ năm trước. Còn sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm 85 tấn, giảm 67% so cùng kỳ năm trước.
FMC ước doanh số chung tháng 8 đạt 22,4 triệu USD (tương đương 537 tỷ đồng theo tỷ giá ngày 4/9), tăng nhẹ so cùng kỳ năm trước (22,1 triệu USD) và là mức cao thứ 3 trong lịch sử hoạt động (sau tháng 10/2021 và tháng 1/2022).
FMC cho biết sản lượng tiêu thụ tôm tăng 15% nhưng doanh số chỉ tăng khoảng 1% do giá tiêu thụ tôm thế giới đang ở mức thấp.
“Đây là tháng tăng trưởng dương đầu tiên trong năm nay, mức tăng trưởng tuy nhẹ nhưng cho thấy sự chuyển động phục hồi tiêu thụ. Về tình hình nuôi tôm, FMC bắt đầu có tôm thu hoạch từ khu nuôi mới và khu nuôi cũ mới thả nuôi xong gần 1 tháng”, FMC cho biết.
Hiện công ty đang tập trung mạnh vào thị trường Mỹ và Nhật Bản. Đây là những quốc gia ưa chuộng các sản phẩm chế biến sâu, phù hợp với chiến lược phát triển của doanh nghiệp này.
Tăng lượng hàng tồn kho cho giai đoạn cuối năm
Chia sẻ với báo chí bên lề hội thảo Quốc tế Ngành tôm 2023 diễn ra chiều ngày 23/8, Chủ tịch FMC Hồ Quốc Lực chia sẻ: "Tôm Việt hiện nay đang giai đoạn tăng tốc giao hàng vì tiêu thụ gần cuối năm cần tôm chế biến sâu đáp ứng mảng dịch vụ có nhu cầu tăng lên (nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi…)".
Theo ông Lực, xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong những tháng cuối năm 2023. “Giá bán tôm Việt Nam hiện nay đã quá thấp và chỉ còn cao hơn Ecuador vài phần trăm. Đồng thời, giai đoạn cao điểm của việc cung ứng tôm nguyên liệu cũng đã qua. Từ nay đến cuối năm, lượng tôm nguyên liệu ở tất các cường quốc nuôi tôm đều có xu hướng giảm dần. Khi lượng cung giảm, người mua ít lựa chọn hơn. Do đó ngay từ bây giờ, họ cũng phải cố gắng mua để tích trữ thêm”, vị Chủ tịch nhận định.
Đáng chú ý, giai đoạn cuối năm sẽ có rất nhiều lễ hội ở các thị trường lớn và nhu cầu tiêu thụ tôm đã qua chế biến sẽ tăng lên.
"Trong mùa lễ hội, các dịch vụ ở những địa điểm vui chơi, nhà hàng,… sẽ rất sôi động và chắc chắn tôm chế biến sẽ được tiêu thụ nhiều hơn. Điều này phù hợp với ưu thế tôm chế biến sâu của Việt Nam. Hiện tôm chế biến sâu của Việt Nam đang chiếm thị phần khá tốt ở các thị trường lớn”, ông Lực cho biết.
Xét về lượng hàng tồn kho cho giai đoạn tăng tốc cuối năm, tính đến ngày 31/6/2023, tại số liệu trong báo cáo tài chính soát xét, FMC còn 1.286 tỷ đồng hàng tồn kho, trong đó 76% là thành phẩm. Đây cũng là mức hàng tồn kho cao nhất của đơn vị này từ trước đến nay. “Hàng tồn kho của FMC là thành phẩm có kế hoạch giao hàng từ nay đến cuối năm. Trong đó cũng có một phần không lớn là nguyên liệu dự trữ” - ông Lực chia sẻ.
Ngoài ra, FMC cũng mở rộng vùng nuôi thương mại. Tính tới tháng 7, Công ty đang vận hành vùng nuôi có diện tích 525 ha, tăng 40% so với cùng kỳ. Hiện tại, doanh nghiệp đã bắt đầu có tôm thu hoạch từ khu nuôi mới. Khu nuôi cũ mới thả nuôi xong gần 1 tháng.