SSIC Đa dạng hóa dịch vụ đáp ứng yêu cầu của thị trường

09:12 | 06/02/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trong những năm qua, nhu cầu vận tải biển liên tục sụt giảm, giá cước thấp, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi đã ảnh hưởng trực tiếp đến các đơn vị đóng tàu. Nhận thấy thị trường vận tải biển vẫn chưa phục hồi, đơn hàng cho đóng tàu vỏ thép truyền thống ngày càng thưa thớt, ngay từ năm 2016, Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Sài Gòn (SSIC) đã tự vận động mình để tìm hướng đi mới.

Sau khi chuyển hướng từ đóng tàu vỏ thép truyền thống sang tàu vỏ hợp kim nhôm, SSIC hiện đang tập trung cho dòng sản phẩm phà chở khách với điểm đặc biệt là ca-bin làm bằng nhôm, nhẹ hơn nhưng bền hơn. Tính đến nay, công ty đã đóng chiếc phà thứ bảy, chuẩn bị bàn giao cho khách hàng. Những chiếc phà này có khả năng tự hành, phục vụ tuyến vận tải từ Hà Tiên (Kiên Giang) đi đảo Phú Quốc. Phà có thể chở khoảng 400 khách, ngoài ra còn vận chuyển cả phương tiện như ô-tô, xe máy.

SSIC Đa dạng hóa dịch vụ đáp ứng yêu cầu của thị trường - ảnh 1
Công nhân miệt mài làm việc.
Đặc tính của tàu vỏ nhôm nhẹ hơn so với vỏ thép, độ bền cao hơn nên đạt tốc độ nhanh hơn. Tàu vỏ nhôm cũng mang lại giá trị sản phẩm cao hơn so với các loại tàu thông thường khác. Kết hợp với thành công từ việc đóng phà chở khách, đã mở ra những hướng đi khả quan cho SSIC trong việc phát triển các sản phẩm tàu vỏ nhôm. Công ty đã đầu tư một xưởng đóng tàu vỏ nhôm, đồng thời đưa lao động đi đào tạo nâng cao thay nghề để nắm chắc xu thế đổi mới công nghệ. Công nhân ở đây được doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo lại nhưng sẽ phải qua được các kỳ kiểm tra của các tổ chức đăng kiểm thì mới được vào thi công dự án đóng tàu mới tiếp theo.
Tuy nhiên, dù công nghệ đóng tàu vỏ nhôm đối với thế giới là phổ biến, nhưng riêng đối với các nhà máy đóng tàu Việt Nam thì còn khá mới mẻ. Bởi 100% các kết cấu hoàn toàn được cắt bằng máy tự động và toàn bộ kết cấu vỏ tàu và các phân đoạn lắp ráp được nhà máy thiết kế và mô phỏng trên 3D trước khi xuất xuống cho thi công, đồng thời áp dụng các máy móc thiết bị hiện đại vào các công tác hàn gần như 100%. Do đó yếu tố công nghệ luôn được SSIC chú trọng hàng đầu.
Hiểu được vấn đề công nghệ là yếu tố quan trọng để phát triển, ông Trần Tấn Châm, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn chia sẻ: Trong bối cảnh khó khăn của ngành đóng tàu nhưng công ty vẫn duy trì bộ phận công nghệ với các phần mềm được đầu tư hợp lý. Nhờ việc làm chủ công nghệ nên các sản phẩm đều đạt được yêu cầu của khách hàng và các cơ quan đăng kiểm. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống thì công ty đã phát triển thêm hàng loạt sản mới như tàu chở khách vỏ bằng hợp kim nhôm. Chỉ sau 3 năm đã làm chủ được công nghệ và tiến tới sẽ chuyên sâu hơn, sản phẩm đặc trưng là phà, tàu khách. Riêng năm 2016, công ty đã đóng được 11 tàu, 2018 bàn giao 6 tàu đặc biệt năm 2019 dự kiến cung cấp tàu hàng cao cấp cho các khách hàng tiềm năng khác.  
Phó giám đốc SSIC cũng cho biết thêm, từ thành công con tàu khách vỏ nhôm thí điểm đầu tiên chạy tuyến Hà Tiên (Kiên Giang) - Phú Quốc, đến nay SSIC đã và đang khẳng định được thương hiệu của mình. Từ đó, công ty đã có thêm các hợp đồng với nhiều seri tàu vỏ nhôm khác nhau, được khách hàng đánh giá cao. Trên tuyến Rạch Giá, Hà Tiên đi Phú Quốc có khoảng 20 tàu đang khai thác thì có tới 15 chiếc là sản phẩm “made by SSIC”.
Cùng với sự linh động trong chuyển hướng sản phẩm, khi đơn hàng đóng mới không có nhiều, lĩnh vực sửa chữa tàu đã trở thành hướng đi cho nhiều đơn vị đóng tàu trong nước. Cũng theo xu thế này, tận dụng cơ sở vật chất với khả năng sửa chữa tàu trọng tải đến 25.000 tấn, SSIC mỗi năm nhận sửa hàng chục tàu, giúp có thêm việc làm cho người lao động.
Mặc dù, tình hình ngành vận tải biển vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến ngành đóng tàu nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh của công ty chưa được cao như kỳ vọng, thấp so với công suất thiết kế của SSIC nhưng  đơn vị đã áp dụng các hệ thống quản lý sản xuất, kinh doanh, đồng thời ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào công tác quản trị. Nhờ đó, tối ưu lao động ở các khâu quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cũng như thừa hành phục vụ.