Startup kể chuyện gian nan gọi vốn: 4 ngày 'phục kích' ở bãi xe đợi Shark, 3 năm sau mới đủ duyên
Trong vài năm gần đây, cụm từ "khởi nghiệp" được nhắc đến rất nhiều. Cùng với sự xuất hiện của chương trình "Thương vụ bạc tỷ", trên sóng truyền hình, câu chuyện khởi nghiệp của nhiều startup bắt đầu được chia sẻ rộng rãi hơn tới khán giả.
Trên thực tế, một startup có thể coi như kết thúc giai đoạn khởi nghiệp bằng việc IPO. Tuy nhiên trước khi có thể huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu, công ty khởi nghiệp sẽ phải duy trì vốn hoạt động thông qua hoạt động gọi vốn từ các nhà đầu tư (Thương vụ bạc tỷ chính là chương trình tạo điều kiện gặp gỡ cho startup và nhà đầu tư).
Chính vì thế, có thể nói rằng gọi vốn chính là một trong những hoạt động quan trọng nhất trong giai đoạn khởi nghiệp của công ty. Tuy nhiên hành trình gọi vốn không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Như chia sẻ mới đây từ ông Nguyễn Bá Ngọc, nhà sáng lập CTCP Mực Nhảy Biển Đông, hành trình tìm kiếm nhà đầu tư của công ty là một hành trình đầy "nhân duyên".
Mực Nhảy Biển Đông là startup từng lên sóng truyền hình mùa 4 và nhận được cái gật đầu từ bà Đỗ Liên (Chủ tịch CTCP Aqua One) với mức đầu tư 5 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần công ty. Cũng trong vòng gọi vốn, có một "cá mập" khác là ông Nguyễn Hòa Bình (Chủ tịch NextTech) đưa ra đề xuất 5 tỷ cho 35% cổ phần dù ban đầu nhà sáng lập chỉ muốn chia sẻ 10% cho các nhà đầu tư.
Mực Nhảy Biển Đông cho biết công ty cung cấp giải pháp phân phối mực với thị trường hiện tại. Startup sẽ thu mua mực từ ngư dân và bán lại cho các hệ thống hải sản lớn tại các tỉnh thành hoặc bán lẻ cho khách hàng.
Công ty sử dụng xe tải có các bể chứa nước với môi trường mô phỏng theo môi trường thực tế (độ lạnh, độ mặn) giống với nước biển. Bằng cách này, Mực Nhảy Biển Đông có thể vận chuyển mực hoàn toàn tươi sống. Với công nghệ như hiện tại, ông Ngọc tự tin thậm chí có thể vận chuyển mực sang Lào.
Thời điểm mới khởi nghiệp, kế hoạch ban đầu của nhà sáng lập là gặp gỡ và nhận đầu tư của ông Nguyễn Thanh Việt. Thế nhưng trớ trêu thay đến khi ghi hình, tập phát sóng của Mực Nhảy Biển Đông lại không có sự xuất hiện của Chủ tịch Intracom, mà thay vào đó là một nhà đầu tư khác.
Trước khi đăng ký ghi hình, ông Ngọc thậm chí đã đứng đợi 4 ngày 3 đêm ở nhà xe của bệnh viện Phương Đông thuộc sở hữu của Shark Việt với kỳ vọng gặp được nhà đầu tư mong muốn. Dù startup hoạt động tại khu vực miền Nam, nhưng founder vẫn bay ra Bắc chỉ để gặp được ông Nguyễn Thanh Việt.
"Quay lại sau 4 ngày nằm viện với căn bệnh sốt xuất huyết (chắc do bị muỗi đốt khi ngồi chờ Shark xuất hiện) nhưng kết quả vẫn không như mong đợi", ông Ngọc chia sẻ trên nhóm cộng đồng.
Thay vào đó, nhà sáng lập chỉ gặp được vợ của Shark Việt và được bà tặng một phần quà và những lời nhắn nhủ. Nhà sáng lập sau đó đã quay trở lại TP HCM để phát triển công ty trước khi nộp đơn dự thi Shark Tank Việt Nam vào năm 2021. Dẫu vậy đến khi ghi hình thì thêm một lần nữa ông Ngọc không gặp được nhà đầu tư mong muốn của mình.
Mãi sau khi Mực Nhảy Biển Đông lên sóng truyền hình và nhận được cam kết đầu tư của Shark Liên, ông Ngọc mới có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với Shark Việt tại một chương trình hiến máu nhân đạo của bệnh viện Phương Đông.
"Qua một buổi trò chuyện đặc biệt, cuối cùng Shark Việt cũng đã đồng ý nhận lời làm Mentor và hỗ trợ cho Mực Nhảy Biển Đông vào những dự án tiếp theo, trong đó có dự án Nhân giống và nuôi mực trong môi trường bán tự nhiên, phát triển phế phẩm (Nang mực và túi mực đen) làm thuốc phục vụ cho y học", ông Ngọc cho hay.
Nhà sáng lập cũng khẳng định dự án này không ai có thể hỗ trợ tốt hơn Chủ tịch Intracom.
Khép lại câu chuyện, nhà sáng lập cho rằng bản thân khi khởi nghiệp từng tin rằng mình sẽ tìm gặp được những người muốn gặp nhưng điều đó là không dễ nếu "nhân duyên" chưa đủ lớn.