Startup 'triệu đô' Soya Garden rời ghế CEO trước kết quả tài chính không khả quan

17:46 | 07/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
'Nếu xét thêm khía cạnh là người mới ở thị trường cùng hầu hết cửa hàng đều ở vị trí đắc địa, tổn thương của chúng tôi còn sâu sắc hơn người khác', người sáng lập của Soya Garden nói.

Vào năm 2017, tại chương trình Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên, 2 nhà đồng sáng lập Soya Garden Hoàng Anh Tuấn và Thu Thủy đã đến để kêu gọi vốn với mong đợi giải cứu dự án hệ thống đậu nành chuẩn hữu cơ trên bờ vực cạn vốn.

Tại thời điểm đó, Soya Garden có 10 cửa hàng, trong đó 2 cửa hàng đầu tiên thuộc sở hữu của công ty; 8 cửa hàng còn lại kinh doanh theo hình thức nhượng quyền. Doanh thu năm 2016 là 3,6 tỷ đồng, năm 2017 tính đến thời điểm gọi vốn là 7 tỷ đồng. Sau 2 năm hoạt động, công ty bắt đầu có lợi nhuận nhưng không đáng kể do chi phí vận hành khá lớn.

Theo báo Đầu tư điện tử, thời điểm lúc bấy giờ, do không có lợi nhuận, lợi thế cạnh tranh chưa thật sự nổi bật, startup bị hầu hết các nhà đầu tư lắc đầu vì đánh giá không có gì khác biệt, mô hình dễ copy cho đến khi Shark Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Tập đoàn Egroup ra tay "cứu vớt" dự án.

Theo 2 nhà đồng sáng lập, điểm khác biệt của Soya Garden là hệ thống đậu nành chuẩn hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam, chưa có đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Các sản phẩm từ sữa động vật được thay thế bằng sữa đậu nành. Đối tượng khách hàng hướng đến là phái nữ, dân văn phòng, từ 22 tuổi trở lên và bắt đầu ý thức về sự thay đổi của bản thân.

Sau thành công gọi vốn từ Shark Tank, sau 2 năm, Soya Garden đã định vị thành công thương hiệu chuỗi cửa hàng cao cấp, cung cấp các sản phẩm chuyên biệt từ đậu nành hữu cơ, đi kèm với không gian trải nghiệm, chất lượng dịch vụ hàng đầu.

Startup 'triệu đô' Soya Garden rời ghế CEO trước kết quả tài chính không khả quan - ảnh 1

2 nhà đồng sáng lập Soya Garden Anh Tuấn và Thu Thủy tại thời điểm gọi vốn. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Soya Garden cũng nhận được những tín hiệu hết sức tích cực từ thị trường khi hầu hết các cửa hàng mới mở ra của Soya Garden đều đông khách ngay từ ngày khai trương. Lượng khách hàng quay lại cũng liên tục tăng trưởng. Đây là những thành quả ban đầu cho việc đầu tư và làm việc nghiêm túc để cải thiện những giá trị cốt lõi về sản phẩm và dịch vụ.

Đến tháng 4/2019, Tập đoàn Egroup công bố nâng tổng mức đầu tư cho Soya Garden lên con số 100 tỷ đồng, tương đương gần 5 triệu USD. Soya Garden từ đó trở thành thương vụ đầu tư lớn nhất và thành công nhất của Shark Tank Việt Nam từ trước đến nay.

Với tốc độ phát triển thần tốc cùng nguồn đầu tư trị giá gần 5 triệu USD từ Tập đoàn Egroup, Hoàng Anh Tuấn, Nhà sáng lập và là CEO Soya Garden thời điểm đó đã tự tin khẳng định rằng, Soya Garden sẽ trở thành công ty công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực F&B Việt Nam, sánh vai cùng nhiều thương hiệu lớn trên thị trường quốc tế trong tương lai gần.

Tuy nhiên, điều đó chưa thể tiến xa hơn ở thời điểm này. Trước việc công ty tiếp tục đón nhận những thông tin và kết quả tài chính không khả quan, nhà sáng lập Soya Garden - Hoàng Anh Tuấn đã rời ghế CEO.

Theo một nguồn tin của VietNamNet, vào tháng 5/2020, Soya Garden đã phải cho đóng loạt cửa hàng do khó khăn vì dịch COVID-19 bùng phát.

Khi đó, ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: "Giống như tất cả các chuỗi F&B, Soya Garden cũng bị tác hại nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Nếu xét thêm khía cạnh là người mới ở thị trường cùng hầu hết cửa hàng đều ở vị trí đắc địa, tổn thương của chúng tôi còn sâu sắc hơn người khác".

Cũng tham vọng trong lĩnh vực gây dựng chuỗi F&B, Đào Chi Anh đã rời KAfe. Năm 2013, cô gái này sáng lập KAfe Group. Công ty khai thác và phát triển 4 nhãn hiệu The KAfe, The KAfe Village, The KAfe Box và The Burger Box.

Giữa tháng 10/2015, cái tên Đào Chi Anh đã từng gây sốt với The KAfe khi gọi thành công 5,5 triệu USD từ các quỹ đầu tư tại London và Hong Kong ngay trong vòng góp vốn đầu tiên vào năm 2015. Rất tiếc 4 năm sau, cơn sốt này đã không còn đủ sức nóng để mang thương hiệu F&B đình đám một thời trở lại.

Tháng 6/2016, dư luận xôn xao về việc The Kafe bị đối tác tố chây ỳ công nợ và chiếm dụng vốn kinh doanh đến hàng tỷ đồng. Trước những lời bàn tán trái chiều, CEO của The KAfe khẳng định sự việc do 2 bên không thống nhất được số tiền, chứ không phải khó khăn về tài chính.

Rời vị trí CEO của công ty do mình sáng lập, bên cạnh những lời động viên cô gái trẻ cũng nhận được không ít lời chỉ trích, phán xét.

Trong một bài viết trên mạng xã hội sau này, Đào Chi Anh thừa nhận: "Trở thành doanh nhân hay CEO, bạn phải chường khuôn mặt mình cho mọi người phán xét. Từ các nhà đầu tư, khách hàng rồi cả nhân viên nữa. Cả những người trên mạng xã hội cũng sẽ nhanh chóng bàn luận, xem bạn như một kẻ thất bại dù chỉ thấy đôi chút khả năng giảm sút xuất hiện".

Nói về những thất bại của startup, bà Lê Diệp Kiều Trang, nhà sáng lập quỹ đầu tư Alabaster cho biết, sau khi rót vốn, nhà đầu tư sẽ đưa ra KPI cho startup. Trong nhiều trường hợp, nhà đầu tư và startup có tầm nhìn khác nhau, thậm chí đôi khi nhà đầu tư có tiếng nói lớn hơn startup, điều đó có thể dẫn đến việc thay đổi "vận mệnh" của một công ty.

Theo nhà sáng lập quỹ đầu tư này, thất bại của một startup đôi khi không phải chỉ là lỗi của người khởi nghiệp mà có thể là thất bại về tầm nhìn của cả nhà đầu tư.

Lệ Vỹ (T/h)