Tại sao hàng triệu người Mỹ hối hận vì nhảy việc?
Khoảng 20 triệu người Mỹ đã bỏ việc trong 5 tháng đầu năm nay. Làn sóng này được gọi là cuộc “Đại nhảy việc”. Theo một cuộc khảo sát mới, nhiều người đang hối hận về quyết định này.
Theo một nghiên cứu trên 15.000 người tìm việc được thực hiện 3 tháng trước bởi Joblist (một nền tảng tìm kiếm việc làm dựa vào trí tuệ nhân tạo), hơn 1/4 số người nhảy việc đang cân nhắc liệu họ đã đi đúng hướng.
Sự gia tăng số lượng người từ bỏ công việc được cho là có liên quan đến rủi ro dịch bệnh tại nơi làm việc, các cơ hội mới khi làm việc từ xa, và tâm lý chung của người Mỹ cân nhắc lại sự nghiệp giữa bối cảnh biến động của dịch bệnh. Mức độ bỏ việc trong năm nay gần gấp đôi so với một thập kỷ trước.
Chuyển đổi công việc là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tiền lương vốn đã ở mức cao khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19. Các nhà kinh tế cho biết người lao động thay đổi công việc thường yêu cầu mức lương cao hơn và người sử dụng lao động cũng tăng lương để cạnh tranh nhằm giữ chân nhân viên. Theo dữ liệu của Cục dự trữ Liên bang Mỹ - Fed, chi nhánh Atlanta, tăng trưởng tiền lương của lao động nước này đạt 6% vào tháng 3, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoài. Con số này cũng cao hơn mức 3,7% vào tháng 2/2020 - thời điểm trước đại dịch - khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 50 năm.
Cuộc khảo sát của Joblist đã chỉ ra loạt lý do tại sao những người bỏ việc suy nghĩ lại về quyết định của mình. Nhiều người Mỹ nhận ra sự cấp bách khi tìm công việc giữa bối cảnh điều kiện thị trường việc làm có dấu hiệu thay đổi. Một nửa số người tìm việc dự đoán thị trường lao động sẽ diễn biến theo chiều hướng xấu trong hơn 6 tháng tới. Ngoài ra, 42% số người tìm việc cho rằng công việc đó không đáp ứng kỳ vọng của họ. Một số nói rằng họ nhớ đồng nghiệp cũ.
Kevin Harrington, Giám đốc điều hành của Jobseek cho biết: “Kết nối xã hội thường chưa được người lao động coi trọng. Nhiều người dành nhiều thời gian cho công việc ngang bằng với gia đình và bạn bè. Đối với những người xây dựng mối quan hệ cá nhân bền chặt với đồng nghiệp, điều đó có thể tác động rất lớn đến cách họ nhìn nhận công việc của mình và khả năng họ ở lại làm việc đó như thế nào”.
Mức độ hối tiếc khác nhau tùy theo nghề nghiệp. Theo khảo sát của Joblist, những nhân viên chăm sóc sức khỏe, những người bị áp lực nặng nề bởi đại dịch, là những người ít có khả năng cảm thấy mình mắc sai lầm nhất, với chỉ 14% những người đã nghỉ việc nói rằng họ hối hận.