Vì sao lạm phát ở các nền kinh tế lớn như Mỹ dai dẳng đến thế?

Phương Lê 17:19 | 28/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tờ The Economist cho rằng áp lực tăng lương và kỳ vọng của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp sẽ khiến lạm phát kéo dài tại các quốc gia giàu có.

Lạm phát ở các nền kinh tế lớn đang ở mức kỷ lục, với nhiều quốc gia ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lên tới 9% mỗi năm, con số cao nhất kể từ những năm 1980.

Mức lạm phát vượt khỏi dự báo của các nhà kinh tế đã và đang gây ra thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế cũng như thị trường tài chính. Các ngân hàng trung ương đang chạy đua trong cuộc đua tăng lãi suất và chấm dứt các kế hoạch mua trái phiếu, đảo ngược lập trường nới lỏng chính sách tiền tệ kéo dài suốt 2 năm 2020-2021. Niềm tin của người tiêu dùng ở nhiều nơi thậm chí còn thấp hơn so với những ngày đầu của đại dịch Covid-19. Các chỉ số kinh tế từ thị trường nhà ở đến sản lượng sản xuất cho thấy tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.

Chỉ số Inflation Surprise Index đo lường chênh lệch mức độ lạm phát thực tế so với kỳ vọng của các nhà kinh tế tăng vọt trong thời gian qua. Ảnh: The Economist

Diễn biến tiếp theo của CPI ra sao là một trong những câu hỏi quan trọng nhất đối với nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh hiện tại. Ở góc độ lạc quan, nhiều nhà dự báo cho rằng lạm phát sẽ sớm hạ nhiệt. Trong các dự báo kinh tế mới nhất của mình, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến ​​lạm phát ở Mỹ sẽ giảm xuống 5,2% vào cuối năm nay và hạ nhiệt về 2,6% vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, những dự đoán này chưa chắc chắn. Trước đó, hầu hết các nhà kinh tế đều không lường trước lạm phát kỷ lục hiện tại, thậm chí một số còn đưa ra dự báo sai lệch rằng nó sẽ sớm hạ nhiệt.

Trong một bài báo được xuất bản vào tháng 5, ông Jeremy Rudd, một quan chức của FED nhận định: “Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng sự hiểu biết của chúng ta về cách thức hoạt động của nền kinh tế, cũng như khả năng dự đoán về tác động của cú sốc kinh tế, các hành động chính sách ngày nay không tốt hơn những năm 1960". Nghĩa là tương lai của lạm phát là không chắc chắn, và khó đoán định được.

Thực tế, một số chỉ báo cho thấy áp lực giá sẽ tăng lên trong thời gian tới. Công ty tư vấn Alternative Macro Signals chạy thuật toán nghiên cứu hàng triệu tin bài thông qua một mô hình để xây dựng “chỉ số áp lực lạm phát tin tức” cho ra các kết quả kịp thời hơn so với các số liệu lạm phát chính thức. Các chỉ số này không chỉ đo lường mức độ thường xuyên đề cập đến áp lực giá cả mà còn xem liệu luồng tin tức có cho thấy áp lực đang tăng lên hay không. Ở cả Mỹ và khu vực đồng euro, chỉ số này vẫn ở mức trên 50, chỉ ra rằng áp lực lạm phát vẫn đang gia tăng.

Nỗi lo lạm phát thể hiện qua 3 chỉ số khác cho thấy các nền kinh tế lớn khó có thể sớm trở lại mặt bằng giá cả ổn định như trước đại dịch trong ngắn hạn. Các chỉ số đó bao gồm: kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng và doanh nghiệp tăng cũng như  áp lực tăng lương. Nếu mức tăng này duy trì, chúng có thể góp phần dẫn đến “điểm giới hạn” được mô tả trong báo cáo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) công bố vài ngày trước.

Tại nhiều nền kinh tế mà tiêu biểu là Mỹ, kỳ vọng lạm phát dai dẳng trong thời gian tới đang tăng nhanh. Tương tự, người dân Canada cho biết họ đang chuẩn bị cho lạm phát 7% trong năm tới, mức cao nhất trong nhóm nước giàu. Ngay cả ở Nhật Bản, nơi mặt bằng giá về cơ bản rất ổn định, niềm tin lạm phát cũng đang thay đổi. Một năm trước, một cuộc khảo sát của ngân hàng trung ương cho thấy chỉ 8% người dân tin rằng giá cả sẽ tăng "đáng kể" trong năm tới (thực tế là giá tiêu dùng chỉ tăng 2,5% trong năm tính đến tháng 4). Tuy nhiên, hiện nay, 20% người Nhật tin rằng điều đó sẽ xảy ra. 

Niềm tin lạm phát trong tương lai thúc đẩy người lao động bắt đầu mặc cả để được trả lương cao hơn. Điều này có thể làm tăng giá cả hàng hóa khi các công ty phải tăng chi phí nhân công. Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Tây Ban Nha cho thấy một nửa số thỏa thuận tập thể được ký kết cho năm 2023 (tăng so với con số 20% thỏa thuận trước đại dịch) có chứa điều khoản tiền lương tự động gắn liền với lạm phát. Tại Đức, tổ chức công đoàn Ig Metall đã yêu cầu tăng lương 7-8% cho gần 4 triệu công nhân trong lĩnh vực kim loại và kỹ thuật. Ở Anh, các công nhân đường sắt đã đình công khi họ đấu tranh để tăng lương 7%.

Tất cả những điều này sẽ khiến tăng trưởng tiền lương có khả năng vẫn còn nóng trong thời gian tới. Hiện tại, công cụ theo dõi cho nhóm quốc gia G10 do ngân hàng Goldman Sachs tổng hợp, đang di chuyển với chiều gần như thẳng đứng. Một thước đo áp lực tiền lương từ Alternative Macro Signals cũng cho thấy diễn biến tương tự. 

Tăng trưởng tiền lương của các nước G10. Ảnh: The Economist.

Mức lương thực tế hiện cũng đang đi lên. Hà Lan đang thảo luận để đưa ra mức tăng lương tối thiểu. Đầu tháng này, Đức thông qua dự luật tăng mức tối thiểu lên 20%. Vào ngày 15/6, cơ quan quan hệ lao động của Australia đã nâng mức lương lên 5,2%, hơn gấp đôi mức tăng của năm ngoái.

Về phía các doanh nghiệp, kỳ vọng lạm phát của các nhà bán lẻ đang ở mức cao nhất mọi thời đại ở 1/3 các quốc gia châu Âu. Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Anh cho thấy rằng giá quần áo cho các bộ sưu tập thu đông của Anh sẽ cao hơn 7-10% so với một năm trước.

Một tín hiệu sáng mong manh là việc giá cả đã có dấu hiệu đảo chiều ở một số lĩnh vực. Chẳng hạn, chi phí vận chuyển đường biển từ Thượng Hải đến Los Angeles đã giảm 0,25% kể từ đầu tháng 3. Hay tại Mỹ, sản lượng ô tô đang tăng lên, điều này có thể làm giảm bớt áp lực tăng giá quá mức đối với các loại xe đã qua sử dụng vào năm ngoái. 

Về lý thuyết, giá hàng hóa giảm có thể hạ nhiệt lạm phát tại các quốc gia giàu có, xoa dịu cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, giảm áp lực lên các ngân hàng trung ương trong việc siết chính sách tiền tệ và qua đó thúc đẩy thị trường tài chính. Tuy nhiên, với nhiều chỉ báo về giá tương lai hướng theo chiều ngược lại, rủi ro lạm phát dai dẳng vẫn còn đó. “Đừng ngạc nhiên nếu lạm phát vẫn bùng phát trong một thời gian”, tờ Economist kết luận.