Tăng dự trữ ngoại hối và ẩn ý chính sách
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng mới đây có chia sẻ rằng, dự trữ ngoại hối quốc gia đã tăng lên gần gấp 3 lần so với năm 2015, cho thấy sự đúng đắn trong chính sách tỷ giá và ngoại tệ, nâng cao năng lực điều tiết thị trường của Ngân hàng Nhà nước. Câu chuyện dự trữ ngoại hối một lần nữa thu hút sự chú ý trong bối cảnh các chính sách tiền tệ đang có nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế.
Tiền đồng - chỉ thấy bơm ra
Một báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua vào gần 2 tỉ đô la Mỹ trong các tuần gần đây, tức đã có xấp xỉ hơn 46.300 tỉ đồng được bơm ra thị trường.
Đáng lưu ý là trước đây, mỗi khi NHNN mua vào ngoại tệ lượng lớn, lượng tiền đồng bơm ra đều được trung hòa qua thị trường tín phiếu để tránh gây áp lực lên lạm phát, tuy nhiên đợt mua này lại không thấy động thái trên. Cụ thể từ giữa tháng 6 đến nay, NHNN đã có chín tuần liền không phát sinh giao dịch tín phiếu nào lớn để hút bớt tiền về, lượng bơm hút ròng trên thị trường mở cũng “im tiếng”.
Nhìn lại giai đoạn từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 6, NHNN cũng đã duy trì bơm ròng tám tuần liên tiếp với tổng giá trị hơn 142.000 tỉ đồng, cộng thêm lượng tiền đồng mới được bơm ra thông qua kênh mua ngoại tệ, có thể thấy thanh khoản hệ thống đang dư thừa đến mức độ nào, nhất là khi tăng trưởng tín dụng của toàn ngành tiếp tục thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng huy động vốn.
Thanh khoản thừa mứa phản ánh rõ nhất qua diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng cập nhật đến ngày 20-8 chỉ còn 0,19%/năm, các kỳ hạn từ một tuần đến một tháng cũng nằm dưới mốc 0,5%, vùng thấp nhất trong nhiều năm. Điều đáng nói là mức thấp này đã được duy trì ổn định trong suốt nhiều tuần qua.
Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục đi xuống và đã rớt về mức thấp kỷ lục từ trước đến nay. Cụ thể lợi suất trái phiếu kỳ hạn năm năm chỉ còn quanh 1,7%, kỳ hạn 10 năm rớt về dưới mốc 3%, hiện chỉ còn từ 2,8-2,9%, trong khi kỳ hạn 15 năm chỉ nằm quanh 3%. Các kỳ hạn dài hơn 20-30 năm cũng giảm về mức thấp từ 3,3-3,5%.
Việc mua ngoại tệ để tăng cung tiền đồng có vẻ là công cụ tiếp theo trong loạt giải pháp tăng cường nới lỏng chính sách tiền tệ, sau các chính sách giảm lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi đã được thực hiện trong tháng 3 và tháng 5 năm nay, bên cạnh quyết định nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng vào cuối tháng 6.
Nhớ lại trước đó, vào giữa tháng 4, thông tin từ NHNN cho biết dự trữ ngoại hối đạt 84 tỉ đô la, đồng nghĩa với việc NHNN đã mua ròng 4 tỉ đô la trong bốn tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 4, nhà điều hành đã hút ròng tương ứng hơn 142.000 tỉ đồng, nên lượng cung tiền đồng được bơm ra thông qua kênh mua ngoại tệ đã phần nào bị trung hòa.
Nhưng lần này chưa thấy dấu hiệu NHNN muốn hút tiền về như đã nói, do đó càng cho thấy mong muốn tăng cường độ nới lỏng chính sách của nhà điều hành, nhằm giữ lãi suất cho vay tiếp tục ổn định ở mức thấp hoặc thậm chí muốn kéo lãi suất giảm thêm. Công ty Chứng khoán SSI dự báo, từ giờ đến cuối năm, lãi suất có thể giảm tiếp khoảng 0,5-0,7 điểm phần trăm ở kỳ hạn dưới 12 tháng và 0,2-0,3 điểm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Tăng cường nội lực - kích xuất khẩu
Động thái liên tục mua vào ngoại tệ, song song với đó là bơm tiền đồng ra thị trường, ngoài việc hỗ trợ giảm lãi suất thì còn giúp gia tăng dự trữ ngoại hối, qua đó tạo nguồn cung ngoại tệ dồi dào, giúp ổn định tỷ giá khi cần thiết. Thực tế là thị trường ngoại hối trong thời điểm hiện nay cũng thuận lợi cho chính sách mua vào ngoại tệ của NHNN.
Dựa trên con số 84 tỉ đô la công bố vào giữa tháng 4 và thêm 2 tỉ đô la mới mua thêm, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện khoảng 86 tỉ đô la. Với giá trị nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam bảy tháng đầu năm nay xấp xỉ 139 tỉ đô la, quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang tương đương hơn 17 tuần nhập khẩu, cao hơn mức 12-14 tuần theo khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nên được xem là đã đủ mức độ an toàn.
Ngoài ra, việc dự trữ ngoại hối tăng lên cũng có thể giúp nâng cao xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, khi khả năng trả nợ đã tăng lên đáng kể. Phí hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) kỳ hạn năm năm của Việt Nam, sau khi tăng vọt lên 300 điểm vào tháng 3 do lo ngại rủi ro dịch bệnh trên toàn cầu, thời gian qua đã giảm mạnh về lại vùng quanh 170 điểm. CDS giảm và ổn định sẽ giúp Chính phủ giảm được chi phí vay vốn, nếu có kế hoạch phát hành trái phiếu ngoại tệ trên thị trường quốc tế trong thời gian tới.
Đáng lưu ý là với diễn biến đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đã giảm mạnh trong thời gian qua, cộng thêm việc nguồn cung ngoại tệ trong nước dồi dào nhờ thặng dư thương mại hàng hóa đã tăng lên mức kỷ lục trong hơn bảy tháng đầu năm nay, việc mua vào ngoại tệ có thể còn nhằm hạn chế tiền đồng tăng giá so với đô la Mỹ, khiến Việt Nam thua thiệt trong việc duy trì lợi thế cạnh tranh xuất khẩu.
Cụ thể, trong khi tỷ giá trung tâm chỉ tăng nhẹ 0,25% so với đầu năm và nhiều tổ chức dự báo tỷ giá sẽ tăng không quá 1% trong năm nay, thì giá giao dịch tại các ngân hàng lẫn trên thị trường tự do đã giảm đáng kể từ tháng 5 đến nay, thậm chí trên thị trường tự do đang ghi nhận mức giảm 0,3% so với thời điểm đầu năm nay.
Trong bối cảnh Chính phủ Mỹ tiếp tục tung ra các gói kích thích kinh tế và nới lỏng định lượng, đà lao dốc của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại và đồng tiền này đang mất giá đáng kể so với các ngoại tệ khác, không loại trừ khả năng tiền đồng có thể lên giá so với đô la Mỹ khi cung ngoại tệ trong nước ngày càng dồi dào, vì vậy việc mua vào ngoại tệ và bơm thêm tiền đồng cũng có thể xem là hành động sớm để ngăn chặn nguy cơ này.
Theo TBKTSG