Tăng lãi suất không thể giúp FED kiềm chế lạm phát nếu chi tiêu chính phủ vẫn cao
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell tuyên bố tại hội nghị Jackson Hole hôm 26/8 rằng ngân hàng trung ương có trách nhiệm kiểm soát lạm phát và bày tỏ sự tin tưởng rằng FED sẽ thực hiện được nhiệm vụ này. Tuy nhiên, một tài liệu được công bố tại hội nghị cho thấy các nhà hoạch định chính sách không thể tự mình thực hiện nhiệm vụ và có thể làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn với việc tăng lãi suất mạnh mẽ.
Các nhà nghiên cứu Francesco Bianchi thuộc Đại học Johns Hopkins và Leonardo Melosi của FED chi nhánh Chicago đã viết: “Với bối cảnh hiện tại, lạm phát được thúc đẩy phần lớn bởi chi tiêu tài khóa của Chính phủ để đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19. Chỉ tăng lãi suất không đủ để lạm phát giảm trở lại”.
Các chuyên gia cho biết: “Các can thiệp tài khóa gần đây để đối phó với đại dịch COVID-19 đã thay đổi niềm tin của khu vực tư nhân về khuôn khổ tài khóa, đẩy nhanh sự phục hồi sau dịch nhưng gia tăng lạm phát. Sự gia tăng lạm phát không thể được ngăn chặn bằng cách đơn giản là thắt chặt chính sách tiền tệ”.
Do đó, FED chỉ có thể làm giảm lạm phát "khi nợ công có thể được ổn định thành công bằng các kế hoạch tài khóa đáng tin cậy trong tương lai", họ nói thêm. Tài liệu chỉ ra rằng nếu không có những ràng buộc trong chi tiêu tài khóa, việc tăng lãi suất sẽ khiến chi phí nợ đắt hơn và khiến kỳ vọng lạm phát cao hơn.
Lãi suất tăng, gánh nặng nợ công càng nặng nề
Trong bài phát biểu tại hội nghị Jackson Hole được các thị trường tài chính theo dõi chặt chẽ, ông Powell cho biết ba nguyên lý chính thể hiện quan điểm hiện tại của ông là FED chịu trách nhiệm chính ổn định giá cả, kỳ vọng của công chúng là rất quan trọng và ngân hàng trung ương không thể từ bỏ con đường mà họ đã vạch ra (về việc thắt chặt chính sách tiền tệ).
Hai nhà nghiên cứu Bianchi và Melosi cho rằng một cam kết từ FED là chưa đủ. Thay vào đó, nhận định mức nợ liên bang cao và việc chính phủ tiếp tục tăng chi tiêu khiến công chúng vẫn nhận thức rằng lạm phát sẽ vẫn ở mức cao. Quốc hội đã chi khoảng 4,5 nghìn tỷ USD cho các chương trình liên quan đến COVID-19, theo USAspend.gov. Những khoản chi đó dẫn đến thâm hụt ngân sách 3,1 nghìn tỷ USD vào năm 2020, thâm hụt 2,8 nghìn tỷ USD vào năm 2021 và thâm hụt 726 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm tài khóa 2022.
Do đó, nợ liên bang đang ở mức khoảng 123% tổng sản phẩm quốc nội - giảm nhẹ so với mức kỷ lục 128% vào năm 2020 nhưng vẫn cao hơn bất kỳ mức nào được thấy từ năm 1946.
“Khi mất cân đối tài khóa lớn và uy tín tài khóa suy yếu, cơ quan quản lý tiền tệ (trong trường hợp này là FED) có thể ngày càng khó ổn định lạm phát xung quanh mục tiêu mong muốn của mình,” theo tài liệu.
Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy nếu FED tiếp tục con đường tăng lãi suất của mình có thể làm cho vấn đề nợ công trở nên tồi tệ hơn. Bởi vì lãi suất cao hơn có nghĩa là khoản nợ chính phủ trị giá 30,8 nghìn tỷ USD trở nên tốn kém hơn để chi trả.
'Một vòng luẩn quẩn'
Tài liệu do hai nhà nghiên cứu trình bày tại Jackson Hole cảnh báo rằng nếu không có các chính sách tài khóa chặt chẽ hơn, “một vòng luẩn quẩn gồm lãi suất danh nghĩa tăng, lạm phát gia tăng, kinh tế đình trệ và gia tăng nợ sẽ phát sinh”.
Trong phát biểu của mình, ông Powell cho biết FED đang làm tất cả những gì có thể để tránh một kịch bản tương tự như những năm 1960 và 1970, khi chi tiêu chính phủ tăng, FED không muốn duy trì lãi suất cao dẫn đến lạm phát đình trệ nhiều năm. Tình trạng đó kéo dài cho đến khi Chủ tịch FED khi đó, Paul Volcker, thực hiện một loạt đợt tăng lãi suất cực đoan, cuối cùng kéo nền kinh tế vào một cuộc suy thoái sâu và giúp kiềm chế lạm phát trong 40 năm tiếp theo.
“Liệu áp lực lạm phát đang diễn ra có còn kéo dài như những năm 1960 và 1970? Nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh rủi ro rằng một mô hình lạm phát dai dẳng tương tự có thể kéo dài trong những năm tới,” tài liệu nhấn mạnh.
Họ nói thêm rằng: “Nguy cơ lạm phát cao dai dẳng mà nền kinh tế Mỹ đang trải qua ngày nay phần lớn do sự kết hợp đáng lo ngại của khoản nợ công lớn và sự suy yếu về độ đáng tin cậy của khuôn khổ tài khóa. Do đó, công thức được sử dụng để đánh bại lạm phát vào đầu những năm 1980 có thể không còn hiệu quả cho ngày hôm nay,” họ nói.
Lạm phát đã hạ nhiệt phần nào trong tháng 7, phần lớn nhờ giá xăng dầu giảm. Tuy nhiên, đã có bằng chứng về việc lạm phát đã lan rộng trong nền kinh tế, đặc biệt là trong chi phí thực phẩm và tiền thuê nhà.
Trong năm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng với tốc độ 8,5%. Chỉ số của Fed Dallas, loại bỏ các thành phần lạm phát cực cao và cực thấp, là 4,4% vào tháng 7, mức cao nhất kể từ tháng 4/1983.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế kỳ vọng một số yếu tố sẽ giúp FED hoàn thành nhiệm vụ của mình. “Tỷ suất lợi nhuận sẽ giảm và điều đó sẽ gây áp lực giảm mạnh lên lạm phát. Nếu lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến của FED trong vài tháng tới, FED sẽ có thể dễ thở hơn ”, Ian Shepherdson, nhà kinh tế trưởng tại Pantheon Macroeconomics, viết.