Tăng trưởng kinh tế Việt Nam được các tổ chức dự báo ra sao sau bão số 3?

Đông Bắc 15:20 | 25/09/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mới đây, một số tổ chức lớn đã đưa ra dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024. Theo đó, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 là 6%.

  

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế tích cực cho Việt Nam, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước đạt 6% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tại sự kiện công bố báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 9 diễn ra hôm nay (25/9), Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Shantanu Chakraborty cho biết, nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bất chấp những bất ổn trên toàn cầu. Sự phục hồi ổn định đạt được do sản xuất công nghiệp cải thiện và thương mại gia tăng mạnh mẽ.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư hôm 15/9 ước tính bão Yagi gây thiệt hại 40.000 tỷ đồng cho các địa phương miền Bắc, khiến GDP năm nay thấp hơn 0,15% so với kịch bản trước đó. Đề cập đến tác động của cơn bão này, ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng của ADB nhận định các thống kê về thiệt hại hiện tại có thể chưa phải là con số cuối cùng.

Ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng "cơ chế phục hồi tốt nhất trong ngắn và trung hạn là thông qua bảo hiểm và ngân sách". Ví dụ, đưa đầu tư công vào phục hồi cơ sở hạ tầng sau thiên tai, hay hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.

  ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 là 6%. Ảnh Nhật Di.

Trước đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDirect) cũng đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024. Mặc dù chịu thiệt hại do bão, VNDirect vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cho quý III/2024 là 6,4-6,8%, và cho cả năm 2024 là 6,5%. Quyết định này dựa trên những yếu tố hỗ trợ tăng trưởng như: Chương trình hỗ trợ của Chính phủ dành cho người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại và phục hồi kinh tế. Cụ thể, Chính phủ sẽ tập trung vào việc khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu như lưới điện, đường sá, trường học và trạm xá, đồng thời hỗ trợ người dân sửa chữa và xây dựng lại nhà cửa bị hư hại do bão Yagi.

Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoạch định và thực hiện các chính sách như giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng; Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, gia hạn, hoãn các loại thuế, phí và lệ phí. Trong khi đó, Bộ Công Thương đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh. Để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ sẽ đẩy nhanh hơn nữa việc giải ngân đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Một yếu tố hỗ trợ tăng trưởng nữa là hoạt động xuất nhập khẩu vượt dự báo. Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ 15,9% và 18,1% trong 8 tháng của năm 2024, vượt kỳ vọng của Khối phân tích VNDirect.

Trong khi đó, UOB dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam chậm lại. Trong báo cáo “Dự báo triển vọng kinh tế quý III/2024” vừa công bố, Ngân hàng UOB nhận định, triển vọng tăng trưởng năm 2024, ảnh hưởng từ cơn bão Yagi sẽ được cảm nhận rõ hơn vào cuối quý III/2024 và đầu quý IV/2024 ở các vùng phía bắc của đất nước. Tác động sẽ thể hiện qua việc sản lượng sụt giảm và các cơ sở bị hư hỏng ở nhiều lĩnh vực như sản xuất, nông nghiệp và các dịch vụ. Tuy nhiên, ngoài những gián đoạn tạm thời này, UOB đánh giá các yếu tố cơ bản dài hạn vẫn khá vững chắc.

Theo các chuyên gia UOB, mặc dù Việt Nam đã tăng trưởng vượt trội ở mức 6,93% trong quý II/2024, tốc độ nhanh nhất trong gần 2 năm nhưng đà tăng trưởng mạnh mẽ này khó có thể tiếp tục trong nửa cuối năm 2024. Sau khi tính đến những yếu tố ảnh hưởng từ bão Yagi, các nỗ lực tái thiết và nền cơ sở cao hơn trong nửa cuối năm 2023, UOB đang điều chỉnh giảm mức dự báo tăng trưởng cho Việt Nam.

“Đối với quý III/2024, chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng chậm lại ở mức 5,7% (giảm so với mức 6,0% trước đó) và đối với quý IV/2024 là 5,2% (giảm so với mức 5,4%). Do đó, dự báo tăng trưởng cả năm của chúng tôi cho năm 2024 được hạ xuống còn 5,9% (giảm khoảng 0,1% điểm phần trăm so với dự báo trước đó là 6%)”, OUB dự báo và cho rằng: “Đây vẫn là sự phục hồi tích cực so với mức tăng trưởng 5% vào năm 2023”.

Bên cạnh đó, UOB cũng dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2025 được điều chỉnh tăng khoảng 0,2% điểm phần trăm lên 6,6%, phản ánh mức tăng dự kiến ​​để bù đắp cho những khoản sụt giảm trước đó.

 

Dự báo tốc độ tăng trưởng cả năm có thể giảm 0,15% do bão số 3

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bão số 3 đã làm hàng trăm người chết, mất tích, hàng nghìn người bị thương và tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương; gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhân dân và Nhà nước tại nhiều địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp III trở lên; trên 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gẫy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị gẫy đổ...

Tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương được dự báo sẽ chậm lại. Tăng trưởng GDP quý III của cả nước có thể giảm 0,35%, quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8 - 7%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của nhiều địa phương như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… giảm trên 0,5%...

 Tốc độ tăng trưởng cả năm có thể giảm 0,15% do bão số 3 - Ảnh B.A.

Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xây dựng cũng bị tác động của cơn bão, nhất là tác động gián tiếp khi bị mất điện, thông tin liên lạc, lao động và gia đình người lao động bị ảnh hưởng. Để hạn chế thiệt hại cho các doanh nghiệp, khắc phục thiệt hại, các địa phương đã nỗ lực, cố gắng sớm bảo đảm cung ứng đủ điện, nước, kết nối viễn thông để doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất trở lại ngay khi tình hình thời tiết thuận lợi hơn.

Các vấn đề xã hội, nhất là y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch nông thôn, nước sạch đô thị, lao động việc làm, đời sống người dân… cần đặc biệt được quan tâm, ưu tiên nguồn lực và triển khai nhanh sau bão, lũ lụt, không để phát sinh dịch bệnh, tránh gây tác động cộng hưởng đến đời sống người dân.

Hệ thống kết cấu hạ tầng của các địa phương do ảnh hưởng của bão, nhiều nơi bị hư hại nghiêm trọng. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, dân sinh về đường xá, cầu, cống, điện, cấp thoát nước, viễn thông, trường học… bị hư hại, cần sớm khắc phục. Các công trình hạ tầng thủy lợi, đê kè, đập chứa nước của nhà máy thủy điện… bị thiệt hại, tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ khi tình hình bão lũ thời gian tới dự báo còn rất phức tạp...