Tăng trưởng xuất khẩu ngành dệt may chưa ổn định, đơn hàng đã trở lại nhưng giá còn thấp
Năm 2023, ngành dệt may đã trải qua rất nhiều khó khăn chưa từng có với kim ngạch xuất khẩu đạt chưa đến 40 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2022. Ngoài đơn hàng giảm sút, doanh nghiệp còn phải nhận những đơn hàng không phải là thế mạnh với đơn giá rất thấp, thậm chí bị lỗ để duy trì hoạt động sản xuất và giữ chân người lao động.
Tuy vậy, từ đầu năm đến nay, sức mua hàng may mặc trên thị trường thế giới tăng lên nhờ các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Mỹ, châu Âu , Nhật Bản có chiều hướng cải thiện, tăng trưởng kinh tế, việc làm, thu nhập khá ổn định, lạm phát giảm đúng lộ trình, các ngân hàng trung ương có kế hoạch cắt giảm lãi suất từ 0,75% - 1% năm 2024, có tác động tích cực đến cải thiện tổng cầu.
Xuất khẩu tăng trở lại sau 4 quý liên tiếp tăng trưởng âm
Hoạt động trong lĩnh vực dệt may, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, nhờ sự phục hồi nhất định của kinh tế thế giới, nhất là sự phục hồi của kinh tế châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, nhiều đơn hàng đã trở lại ngay trong những tháng đầu năm 2024.
Theo đó, tổng doanh thu quý I của doanh nghiệp đạt 1.128 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu xuất khẩu đạt 1.020 tỷ đồng, tăng 28,27%. May 10 có nhiều đơn đặt hàng đến quý II, một số chủng loại có đơn đến quý III.
“Ngoài các thị trường truyền thống, những thị trường mới khai thác trong năm 2023 như Canada, ASEAN, Trung Quốc cũng đã có tín hiệu đặt hàng tương đối tốt”, ông Việt thông tin.
Nhìn nhận về tín hiệu tích cực này, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong trong quý I ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 9,62% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời là quý đầu tiên xuất khẩu tăng trưởng trở lại sau 4 quý liên tiếp tăng trưởng âm.
Trong đó, xuất khẩu đi Mỹ đạt 3,42 tỷ USD, tăng 8,6%, xuất khẩu sang EU tăng 3,2% đạt 855 triệu USD, Nhật Bản vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt với kim ngạch 1,02 tỷ USD, tăng 10,1%. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu khởi sắc khi xuất khẩu đạt 0,82 tỷ USD, tăng 19,4% .
“Tuy mức giá xuất khẩu chưa được như mong muốn nhưng bắt đầu có xu hướng tăng lên. Doanh nghiệp dệt may chuyển từ trạng thái “cái gì cũng làm” sang trạng thái có lựa chọn nên ký hay không, ký bao nhiêu, không ký nhiều quá trong điều kiện giá vẫn còn thấp”, ông Cẩm nhìn nhận.
Rất nhiều khó khăn vẫn phải đối mặt
Theo ông Cẩm, năm 2024, ngành dệt may phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD, (tương đương với năm 2022 đạt mức cao nhất). Tuy vậy, trên thực tế, 2024 chưa phải là năm sáng sủa mà còn chịu dư âm ảnh hưởng của năm 2023, rất nhiều khó khăn vẫn phải đối mặt. Đặc biệt là việc tăng phí từ vận tải biển do tình trạng bất ổn ở Biển Đỏ, khách hàng gây áp lực buộc doanh nghiệp dệt may phải chia sẻ. Bên cạnh đó là áp lực thời gian giao hàng lớn khi tàu phải đi qua mũi Hảo Vọng.
Về lâu dài, ngành dệt may phải những yêu cầu thay đổi lớn từ các thị trường. Đơn cử như thị trường EU, họ đưa ra yêu cầu về thời trang bền vững, chiến lược dệt may bền vững, bắt đầu từ thiết kế sinh thái, sản xuất và tiêu dùng sản phẩm dệt may bền vững, thậm chí thải bỏ cũng phải bền vững tức là phải tái chế lại được. Ngay cả với hàng tồn kho, các thị trường lớn cũng yêu cầu phải tái chế lại chứ không tự tiện sử dụng như trước đây.
Nhiều nhãn hàng đưa ra yêu cầu từ nay đến năm 2030 phải sử dụng 30% năng lượng tái tạo trong sản xuất, đến năm 2050 con số này phải là 100%; đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp dệt may phải có lộ trình thực hiện đến năm 2050.
“Nếu doanh nghiệp không làm được điện áp mái thì phải mua tín chỉ carbon, … điều này làm tăng chi phí của doanh nghiệp”, ông Cẩm quan ngại.
Ngoài ra, dù đơn hàng hiện nay không thiếu nhưng thiếu lao động, bởi nửa đầu năm 2023, gần 80.000 lao động mất việc làm, lao động về quê tìm việc và không quay lại nữa.
Vì vậy, ông Cẩm kiến nghị, các doanh nghiệp dệt may rất cần sự hỗ trợ từ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành như ổn định kinh tế vĩ mô; lãi suất, tỷ giá phải phù hợp cho thúc đẩy xuất khẩu.
“Với gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng (gói hỗ trợ bù lãi suất 2%) không giải ngân được, cần chuyển sang quỹ khác như hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, vì việc chuyển đổi này cần rất nhiều tiền”, ông Cẩm nêu rõ.
Đối với hỗ trợ người lao động, Nhà nước khi đưa ra chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội thì cần đẩy nhanh để giúp lao động gắn bó với doanh nghiệp lâu dài, điều này cũng gián tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt cũng cho rằng tăng trưởng xuất khẩu vẫn chưa thực sự ổn định do thị trường còn nhiều bất định và rất nhạy cảm với các biến động kinh tế - chính trị, giá cả hàng hoá nói chung vẫn duy trì ở mức thấp, áp lực giá gia công duy trì thấp chưa đem lại hiệu quả cho nhà sản xuất.
"Tỷ lệ lạm phát ở nhiều nước trên thế giới vẫn đang cao, vì vậy người tiêu dùng vẫn có xu thế thắt chặt chi tiêu khiến nhu cầu sụt giảm. Hiện, chúng tôi mới chỉ hồi phục về lượng, chưa có hồi phục về giá”, ông Việt nêu rõ.
Trước mắt, ngoài tăng cường kiểm soát chất lượng, loại bỏ chi phí lãng phí, May 10 cũng đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất, từ đó giảm thiểu chi phí nhân công - bù đắp vào chi phí đầu vào tăng trong khi đơn giá chưa có sự phục hồi.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong muốn, Chính phủ sẽ kéo dài chính sách giảm thuế 2% VAT đến hết năm 2024, từ đó giảm chi phí đầu giúp giảm giá thành, đồng thời thuế suất thấp hơn giúp sức tiêu thụ mạnh hơn.
"Thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, để bù đắp chúng tôi cũng đang đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước. Nếu chúng ta kéo dài chính sách này thì sẽ tăng tiêu dùng trong nước, giảm chi phí cho doanh nghiệp, từ đó giúp hỗ trợ phần nào tăng trưởng", ông Việt tin tưởng.