Tập đoàn Hòa Bình muốn hoán đổi gần 1.300 tỷ đồng nợ thành cổ phiếu
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông bất thường, dự kiến tổ chức trực tuyến vào cuối tháng 8. Theo đó, ngoài trình các báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán, công ty cũng sẽ trình cổ đông thông qua ba phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, với tổng khối lượng tối đa là 274 triệu cổ phiếu.
Nếu hoàn tất, vốn điều lệ của Hòa Bình sẽ tăng gần gấp đôi từ hơn 2.741 tỷ đồng lên mức hơn 5.481 tỷ đồng.
Cụ thể ba phương án, thứ nhất, Hòa Bình dự kiến phát hành tối đa 107 triệu cổ phiếu với giá phát hành 12.000 đồng/cp cho các chủ nợ của công ty, nhằm mục đích hoán đổi nợ hiện hữu của công ty với các chủ nợ là nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất. Tỷ lệ hoán đổi nợ là 1,2:1 (tức mỗi 12.000 đồng nợ hoán đổi được 1 cổ phiếu phát hành thêm).
Thời gian thực hiện dự kiến là trong năm 2023 - 2024. Nếu hoàn tất như kế hoạch, Hòa Bình sẽ hoán đổi được 1.284 tỷ đồng nợ.
Các khoản nợ sau khi hoán đổi sẽ được xóa bỏ, các chủ nợ sẽ trở thành cổ đông của Hòa Bình. Về phía Hòa Bình, giá trị các khoản nợ được hoán đổi sẽ được hạch toán để tăng vốn chủ sở hữu. Vốn điều lệ tăng tương ứng với số cổ phiếu đã phát hành và khoản nợ được xóa, công ty không còn nghĩa vụ trả các khoản nợ đã được hoán đổi bằng tiền cho chủ nợ.
Phương án thứ hai, công ty dự kiến chào bán cổ phiếu riêng lẻ đợt 1 với tối đa 120 triệu cổ phiếu, giá chào bán 12.000 đồng/cp, cao hơn 17% so với mức giá mã HBC kết phiên ngày 4/8 (10.250 đồng/cp). Đối tượng chào bán là các nhà đầu tư chiến lược và/hoặc các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Thời gian thực hiện dự kiến là trong năm 2023 - 2024. Nếu hoàn tất, công ty sẽ thu được khoảng 1.440 tỷ đồng từ thương vụ này. Theo Hòa Bình, số tiền thu được sẽ được công ty dùng để thanh toán các khoản nợ và bổ sung vốn kinh doanh.
Phương án thứ ba, công ty sẽ chào bán cổ phiếu riêng lẻ đợt 2 với tối đa 47 triệu cổ phiếu, giá chào bán cũng là 12.000 đồng/cp, dự thu 564 tỷ đông. Số tiền thu được này dự kiến sẽ được dùng để bổ sung vốn kinh doanh cho doanh nghiệp. Thời gian dự kiến là sau khi hoàn tất chào bán riêng lẻ đợt 1 ít nhất 6 tháng.
Tại thời điểm cuối quý II, tổng nợ phải trả của Hòa Bình giảm gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, phải trả người bán ngắn hạn giảm 455 tỷ đồng, vay nợ ngắn hạn giảm 670 tỷ đồng và vay nợ dài hạn giảm 284 tỷ đồng.
Tại Báo cáo thường niên 2022, Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải cho biết, tính đến ngày 30/6, đã có 98 nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 1.000 tỷ đồng.