Tập đoàn Masan: “Gã khổng lồ” tỷ USD của ngành tiêu dùng, bán lẻ hàng đầu Việt Nam
Giới thiệu về Tập đoàn Masan
Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan hay Masan Consumer chính là một trong những tập đoàn kinh doanh lớn của nền kinh tế tư nhân Việt Nam. Được thành lập từ năm 1996, sau nhiều thay đổi và phát triển, Tập đoàn Masan đã xây dựng và khẳng định được vị thế hàng đầu của mình trong lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là hàng tiêu dùng và tài nguyên của việt Nam.
Hiện nay, tập đoàn Masan có các công ty thành viên là:
Công ty Cổ phần Masan PQ (Masan PQ Corp.)
Công ty cổ phần Công nghiệp Masan (Masan Industrial Corporation - MSI)
Công ty Cổ phần Công nghệ Thực Phẩm Việt Tiến (Vitecfood Corp.)
Công ty Cổ phần Thực Phẩm Masan (Masan Food Corp.)
Công ty Cổ phần Công nghệ Thông tin & Viễn thông Masan (IT&T)
Công ty Cổ phần bất động sản Masan (Masan Property Corporation)
Công ty Cổ phần khai thác khoáng sản Minh Tiến (Mitec Corporation)
Có thể thấy, Masan đã trở thành tập đoàn hoạt động đa ngành trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau như thực phẩm, công nghệ thực phẩm, bán lẻ tiêu dùng, công nghệ thông tin, viễn thông, công nghiệp, khoáng sản…
Tập đoàn Masan với những bước phát triển trên thị trường tiêu dùng và bán lẻ
CTCP Tập đoàn Masan chính thức niêm yết với mã MSN trên sàn HOSE từ ngày 05/11/2009 thuộc nhóm ngành Sản xuất, ngành Sản xuất thực phẩm. Giá trị cổ phiếu trong thời gian đầu năm 2021 luôn ổn định ở mức tốt. Tính tại thời điểm ngày 27/04/2021, giá trị MSN đang ở mức 96.9 nghìn đồng/cổ phiếu, giá trần là 101.6 nghìn đồng và giá sàn là 88.4 nghìn đồng.
Thông qua giá trị cổ phiếu, có thể thấy, Masan Group đã đạt được những thành tựu tăng trưởng đáng kể. Trong phiên giao dịch đầu tiên sau khi niêm yết lần đầu, MSN chỉ có mức 43.2 nghìn đồng/cổ phiếu. Sau gần 12 năm, giá trị cổ phiếu MSN đã tăng gấp 2.2 lần. Hiện tại, vốn hóa thị trường của tập đoàn Masan đã đạt ngưỡng 111,594.91 tỷ đồng.
Hiện nay, tập đoàn Masan được lãnh đạo bởi ông Nguyễn Đăng Quang - Người sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT tập đoàn và ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn, thành viên HĐQT kiêm Trưởng Bộ phận Chiến lược và Phát triển của Tập đoàn Masan.
Giá trị cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan trong thời gian gần đây
Quá trình xây dựng và phát triển của Tập đoàn Masan
Vào đầu những năm 1990, ông Nguyễn Đăng Quang đã đặt những nền móng đầu tiên để dựng xây cơ nghiệp tỷ USD của ngày hôm nay bằng một nhà máy sản xuất mỳ gói nhỏ tại Nga, nơi được coi là tiền thân của Masan Group.
Năm 1996, Masan bắt đầu thành lập CTCP Công nghệ - Kỹ nghệ - Thương mại Việt Tiến, chuyên về gia vị. Đây là bước khởi đầu đưa tập đoàn tiến quân vào lĩnh vực thực phẩm.
Năm 2000, công ty CTCP Công nghiệp và XNK Minh Việt, chuyên hoạt động trong lĩnh vực thương mại và xuất nhập khẩu, được thành lập.
Năm 2002, nước tương Chin-su - sản phẩm đầu tiên của Masan được tung ra thị trường và được thị trường đón nhận tích cực.
Năm 2003, CTCP Công nghiệp - Thương mại Ma San chính thức đi vào hoạt động sau khi tiến hành sáp nhập công ty Việt Tiến và công ty Minh Việt. Trong năm này, sản phẩm nước mắm cao cấp Chin-su được tung ra thị trường.
Năm 2007, Masan Group liên tục định vị danh tiếng và thương hiệu trên thị trường bằng một loạt sản phẩm mới như nước tương Tam Thái Tử, nước mắm Nam Ngư và mì ăn liền Omachi.
Năm 2008, CTCP Công nghiệp - Thương mại Masan chính thức đổi tên CTCP Thực phẩm Masan (Masan Food).
Năm 2011, cái tên CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) bắt đầu được sử dụng. Từ đó, Masan Consumer đã được định giá công ty ở mức 1,6 tỷ USD thông qua quá trình thực hiện phát hành riêng lẻ 10% cổ phần với giá 159 triệu USD cho quỹ đầu tư Kohlberg Kravis Roberts & Co. của Mỹ.
Từ cuối năm 2011, tập đoàn Masan bắt đầu mở rộng hoạt động ra ngoài lĩnh vực thực phẩm. Chiến lược kinh doanh này được thể hiện đậm nét nhất thông qua quá trình Masan Consumer đã bỏ ra hơn 50 triệu USD để mua lại cổ phần chi phối của Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa.
Cuối năm 2015, Masan mở rộng thị trường ra các nước ASEAN sau khi ký kết đối tác chiến lược với Singha Asia Holdings Pte.,Ltd (Thái Lan) và tung ra sản phẩm nước mắm với tên gọi "Chin-Su Yod Thong" cho thị trường Thái Lan vào cuối tháng 9 năm 2016.
Từ tháng 8 năm 2019, Masan khai thác được thêm thị trường Nhật Bản thông qua Ngày Hội ẩm thực Việt Nam "Vietnam Food Day" tại thành phố Osaka do Tổng lãnh sự Việt Nam tổ chức. Thông qua sự kiện này, tương ớt Chin-su và sau đó là nước mắm Nam Ngư, cà phê hòa tan Vincafe Biên Hòa lần lượt được xuất khẩu tới đất nước mặt trời mọc.
Năm 2020, Masan đã thành lập nền tảng tiêu dùng bán lẻ tích hợp hàng đầu có tên là Công ty cổ phần The CrownX. Công ty này sẽ nắm giữ lợi ích của Masan tại MasanConsumerHoldings và VinCommerce.
Trong số đó, VinCommerce là hệ thống bán lẻ hiện đại có quy mô toàn quốc, dẫn đầu về số lượng điểm bán tại Việt Nam. Còn MasanConsumerHoldings là một trong những công ty hàng tiêu dùng có thương hiệu lớn nhất Việt Nam, tập trung vào xây dựng thương hiệu mạnh và phát triển sản phẩm mới.
Nhờ có tác động từ hàng nghìn cửa hàng VinMart+, các mặt hàng thực phẩm, nông sản của Masan đã được tiếp thêm sức mạnh hiệp lực đáng kể, là một đầu ra mạnh mẽ, nhất là với Masan MEATLife.
Các sản phẩm của Masan Consumer ngày một có chỗ đứng trên thị trường
Đến hiện nay, các thương hiệu mà Masan Group đã đầu tư và kinh doanh có thể kể đến là:
Mảng thực phẩm: Nam Ngư, Chinsu, Tam Thái Tử, Omachi, Kokomi, Tiến Vua, Ponnie, Heo Cao Bồi
Mảng đồ uống: Wakeup, Vinacafe, Dodohaba, Bfast, Compact, Ruby, Vivant, Vĩnh Hảo, Sư Tử Trắng, Hổ Vằn
Mảng bán lẻ: VinCommerce (VinMart, VinMart+), Meatdeli
Mảng nông nghiệp: Anco, Biozeem, Vineco, Vissan
Mảng ngân hàng: Techcombank (Đáng chú ý, năm 2019, Masan đã rót thêm hơn 2.000 tỷ đồng vào Techcombank để tăng sở hữu lên 20% vốn. Hai tổ chức này còn có mối quan hệ qua lại trong cho vay và tiền gửi cũng như đầu tư trái phiếu trong thời gian qua.)
Theo mục tiêu của Masan Consumer, đến năm 2030, tương ớt Chin-Su sẽ trở thành một trong 10 thương hiệu tương ớt mạnh nhất thế giới, góp phần đưa nông sản chế biến kỹ thuật cao của Việt Nam ra quốc tế.
Thành tựu hàng đầu của “gã khổng lồ” Masan Group
Tập đoàn Masan (Masan Group) lần thứ 8 liên tiếp được vinh danh tại Lễ công bố 50 Công ty Niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2020 do Tạp chí Forbes tổ chức. Trước đó, năm 2019, đơn vị cũng liên tục 7 năm nằm trong danh sách TOP 50 thương hiệu giá trị nhất việt Nam, nằm thứ 2 so với các thương hiệu của ngành hàng tiêu dùng.
Masan Consumer và Masan MEATLife được vinh danh trong Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2020 trong đó, Masan Consumer thuộc top 3 trong ngành Đồ uống – Thực phẩm với giá trị thương hiệu đạt 323,7 triệu USD và Masan MEATLife dẫn đầu ngành Sản phẩm Nông nghiệp với thương hiệu được định giá ở mức 34,5 triệu USD.
Năm 2020, thịt mát MEATDeli cũng có tên trong danh sách Top 10 Sản phẩm – Dịch vụ được tin dùng do người tiêu dùng bình chọn.
Năm 2019 - 2020, vượt qua những khó khăn của đại dịch COVID-19, Masan Group được vinh danh Top 10 thương vụ đầu tư và M&A tiêu biểu năm 2019 - 2020, trong đó, các thương vụ tiêu biểu là VinCommerce, Starck, NET, 3F.
Năm 2019, Masan Group cũng được Forbes Asia 2019 điểm danh trong danh sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Top 50 Công ty Kinh doanh Hiệu quả nhất Việt Nam năm 2018 và thuộc nhóm 17 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường đạt trên 1 tỷ USD theo Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư.
Masan Consumer thuộc Top 3 nhà sản xuất sở hữu các thương hiệu được chọn mua nhiều nhất tại thành thị (4 TP chính) và nông thôn trong 7 năm liên tiếp. Nam Ngư là một trong hai thương hiệu thực phẩm được chọn mua nhiều nhất, theo báo cáo Brand Footprint 2019 (Kantar Worldpanel).
Nhờ có những bước tăng trưởng khả quan như vậy, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan Group cũng vinh dự lọt vào danh sách tỷ phú thế giới năm 2021, theo Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố. Được biết, ông chủ Tập đoàn Masan là một trong 6 đại diện của Việt Nam được góp mặt tại đây.
VinMart và VinMart+ đã chính thức vào tay tập đoàn Masa
Thương vụ lịch sử VinCommerce giữa Masan và Vingroup
Ngày 3/12/2019, theo thỏa thuận sáp nhập Công ty VinCommerce, VinEco và Masan Consumer Holdings giữa Tập đoàn Masan và Vingroup, một Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam đã được ra đời.
Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020, VinCommerce đã chiếm 42,5% tổng doanh thu hơn 55.600 tỷ đồng của toàn hệ thống Masan, tương đương với 23.678 tỷ đồng doanh thu, tức vượt 1 tỷ USD.
Quý 4/2020 là hệ thống bán lẻ VinCommerce (VCM), quản lý chuỗi siêu thị Vinmart và Vinmart+, lần đầu tiên có lợi nhuận, cho dù rất khiêm tốn là 16 tỷ đồng và lần đầu có EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) dương.
Crown X, công ty nắm giữ lợi ích của Masan tại VinCommerce và Masan Consummer Holdings, đã vươn lên vị trí số 2 trong số các công ty kinh doanh trong lĩnh vực tiêu dùng với doanh thu thuần 54.277 tỷ đồng, xấp xỉ 2,5 tỷ USD, trong năm 2020.
Masan cho biết doanh thu trên mỗi m2 của hệ thống siêu thị mini Vinmart + tăng trưởng hai chữ số, đạt mức 10,7% trong năm 2020, dự kiến sẽ tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cho năm 2021.
Về tầm nhìn đầu tư khi mua cổ phần ở mức chiến lược hay cổ phần chi phối, ông Danny Le - Tổng giám đốc Tập đoàn Masan, cho biết, doanh nghiệp không bao giờ nhắm việc đi mua doanh thu hay lợi nhuận của các đơn vị khác, mà là mua "nền tảng" phục vụ chiến lược chung của Masan. Có thể là nền tảng công nghệ hay mạng lưới phân phối để giúp Masan mở rộng hơn nữa hệ thống phân phối vốn đã rất tốt của mình, hoặc giúp Masan xây dựng và gìn giữ thương hiệu mạnh của Việt Nam.
Xem thêm: VinCommerce thời kỳ Masan: Nhận thêm nửa tỷ USD vốn nước ngoài, kỳ vọng như Alibaba hay Amazon
Phương Thúy