Thạc sĩ Xã hội học về quê làm giàu nhờ nông nghiệp
Khi về quê lập nghiệp, Lương tham gia công tác Đoàn, Đội nên có dịp đi nhiều địa phương tại Thái Nguyên. Lương nhận ra, xã La Hiên, nơi chị sinh sống có tiềm năng phát triển nông nghiệp chất lượng cao, trong đó đã có khá nhiều mô hình rau củ quả mang lại lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, quy trình sản xuất kinh doanh lại chưa ổn định, tất cả sản phẩm làm ra đều phải tự tìm thị trường nên các mô hình này chưa thật bền vững, giá cả vẫn bấp bênh. Trước thực trạng này, Dương Thùy Lương đặt ra câu hỏi, làm thế nào để người nông dân có được thị trường tiêu thụ ổn định để sản phẩm có chỗ đứng bền vững? Lương mong muốn một ngày không xa bà con nông dân sẽ có nơi bao tiêu sản phẩm, yên tâm phát triển sản xuất.
Nghĩ là làm, Lương đi tìm hiểu các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch và thị trường tiêu thụ sản phẩm này. Quá trình tìm hiểu đã giúp Lương thu lượm được rất nhiều kiến thức mới mẻ mà trước đó chị chưa hề có khái niệm nào.
Sau khi tốt nghiệp cao học chuyên ngành Xã hội học, Lương mạnh dạn đề xuất với bố mẹ và họ hàng thành lập hợp tác xã chuyên về nông sản sạch. Tháng 3/2019, Hợp tác xã nông sản sạch La Hiên ra đời với 7 thành viên và số vốn điều lệ 200 triệu đồng do Lương làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc.
Mong muốn của Dương Thùy Lương khi thành lập hợp tác xã nông sản sạch là liên kết các hộ dân sản xuất những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Theo kế hoạch, ban đầu sản phẩm làm ra đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong xã, sau đó sẽ phát triển ra các thị trường lớn hơn.
Với những kiến thức có được khi tham khảo các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, Lương tập trung chuyên vào nuôi trồng các loại nấm như nấm hương, mộc nhĩ, nấm nâu tây, nuôi ong lấy mật và trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP.
Từ số vốn của hợp tác xã, Lương cùng các thành viên xây dựng nhà xưởng trồng nấm rộng trên 150 m2 với tổng kinh phí trên 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, Lương còn quy hoạch lại vùng trồng na rộng 1ha và củng cố, phát triển trên 300 thùng ong.
Nhờ chất lượng tốt, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, các sản phẩm của Hợp tác xã La Hiên được Công ty TNHH công nghệ sinh học Phú Gia (thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ) thu mua. Năm 2019, Hợp tác xã đạt doanh thu trên 500 triệu đồng với sản lượng 4 tấn mộc nhĩ khô, 1 tạ nấm hương, 1 tạ nấm nâu tây và 1.000 lít mật ong. Các sản phẩm khác như quả na, mật ong được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh và một số cửa hàng ở Hà Nội.
Ngoài việc mang lại doanh thu cao, Hợp tác xã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/ người/tháng.
Không chỉ nuôi khát vọng là giàu cho bản thân, Dương Thùy Lương còn mong muốn giúp bà con nông dân tại các địa phương làm giàu. Đầu năm 2020, Dương Thùy Lương cung cấp giống, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc ớt chỉ thiên cho 15 nông dân ở trong xã và một số xóm của xã Khe Mo (Đồng Hỷ) với tổng diện tích 2ha. Toàn bộ sản phẩm các hộ nông dân này làm ra được Lương ký cam kết bao tiêu. Ước tính, mỗi sào ớt chỉ thiên đem lại nguồn thu nhập cho người dân cao gấp 5 lần so với trồng lúa, khoảng trên 20 triệu đồng.
Dương Thùy Lương cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục trồng thêm nấm linh chi, mở rộng diện tích na, tăng số lượng đàn ong lên 400 thùng. Đồng thời sẽ mở rộng liên kết cung cấp giống, khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho gần 50 hộ dân trồng ớt chỉ thiên, với diện tích khoảng 5ha.
Với sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ, vừa qua Dương Thùy Lương vinh dự là một trong số 43 thanh niên tiêu biểu được tuyên dương tại Ngày hội “Thanh niên làm theo lời Bác” năm 2020 do Tỉnh đoàn Thái Nguyên tổ chức.