Thảm nạn sạt lở đất ở Trà Leng do đâu?

10:27 | 04/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên vừa có báo cáo nguyên nhân vụ sạt lở đất ở Trà Leng và cảnh báo hàng chục điểm có nguy cơ sạt lở khác ở Quảng Nam.
Ngày 3/11, ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên đã gửi báo cáo đánh giá sơ bộ nguyên nhân dẫn đến vụ sạt lở ở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My). Đồng thời, Viện cũng đưa ra cảnh báo về nhiều điểm có nguy cơ sạt lở khác ở Quảng Nam.
 
Phía Viện khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên cho biết, thông qua khảo sát tại hiện trường vụ sạt lở Trà Leng, các chuyên gia đánh giá khu vực này tồn tại nhiều nhất về địa hình dốc, phân cắt mạnh nên hình thành một khe suối hẹp hình chữ V, có độ dốc từ 30 - 45o, hai vách bên khe suối có cấu tạo đất bở rời, nằm trên nền đá gốc nên dễ gây sạt trượt. 
 
Nguyên nhân sạt lở đất ở Trà Leng
Bản đồ phân tích vụ sạt lở đất ở Trà Leng
 
Trước khi sự cố đau lòng xảy ra, mưa đã kéo dài hơn 16 ngày làm đất bị bão hòa. Khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền gây mưa lớn với lưu lượng 180mm. Lúc này, đất như khối bùn lỏng sạt lở, lao nhanh xuống dưới tạo ra một trật lũ quét lớn. 
 
Trận lũ này kéo theo đất đá, cây cối chắn ngang cống thoát nước dẫn tới dòng bùn đá chuyển hướng sang bờ phải lao xuống khu dân cư, cuốn trôi tất cả những vật cản trên đường đẫn đến thảm nạn sạt lở đất.
 
Nói về công tác dự báo sạt lở đất, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyê Hoàng Ngọc Tuấn nhận định: Dự báo lũ quét, sạt lở là rất khó thực hiện. Hiện chỉ có thể cảnh báo, xác định được các vùng có nguy cơ sạt lở. Song để dự báo chính xác ở thời điểm này là không thể.
 
Viện trưởng Tuấn đưa ra cảnh báo với tỉnh Quảng Nam trong mùa mưa bão này, nhất là cơn bão số 10 sắp đổ bộ vào đất liền thì tình trạng sạt lở sẽ càng nghiêm trọng hơn nữa. Chính vì thế Quảng Nam cần rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Đồng thời cập nhật, theo dõi thường xuyên tin tức từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn.
 
Nguyên nhân sạt lở đất ở Trà Leng
Công tác tìm kiếm người gặp nạn vẫn đang được triển khai
 
Người dân ở Quảng Nam cũng cần đặt biệt quan tâm đến tình hình thời tiết, theo dõi biến đổi như nứt đất, cây nghiêng, nước sườn đồi chuyển màu... thì phải báo chính quyền địa phương...
 
Liên quan đến công tác di dời dân đến nơi an toàn, ngày 3/11, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: UBND tỉnh có văn bản về chủ động ứng phó bão số 10 và tình hình mưa lũ.  Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, tình hình mưa lũ để chủ động ứng phó kịp thời với các tình huống xấu có thể xảy ra.
 
Tiến hành kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản khỏi vùng nguy hiểm, nhất là những nơi được cảnh báo có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước. Công tác này phải được hoàn thành trước 11h ngày 4/11. Đảm bảo nhu cầu thiết yếu tại nơi sơ tán cho người dân.
 
Triển khai các biện pháp an toàn cho người và tài sản của nhân dân, khách du lịch ven biển, trên đảo. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè. Hoàn thành trước 16h ngày 4/11...
 
  
 
Hương Quỳnh