'Tham vọng' tăng trưởng của doanh nghiệp bán lẻ

Diệp Anh/TTXVN 14:20 | 16/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong khi thị trường những ngày qua chứng kiến hầu hết nhóm ngành đỏ điểm, cổ phiếu bán lẻ vẫn giữ được sắc xanh, trở thành yếu tố nâng đỡ các chỉ số.

Đây không chỉ là nhóm ngành được giới phân tích kỳ vọng hưởng lợi lớn từ đà hồi phục của nền kinh tế mà còn là nhóm ngành thu hút được giới đầu tư tham vọng tăng trưởng mạnh.

Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại và dịch vụ đang dần phục hồi với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2022 cao hơn so với cùng kỳ các năm trước.

Tính chung quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.318 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 1,6%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I năm 2022 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp bán lẻ trong những tháng đầu năm 2022 cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực.

Báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh mới nhất của Công ty cổ phần Đầu tư thế giới di dộng (MWG) cho thấy, lũy kế 2 tháng đầu, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 25.383 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.077 tỷ đồng; lần lượt là 17% và 8% từ nền so sánh rất cao của mùa Tết năm 2021.

Bán lẻ cũng là kênh tăng trưởng doanh thu mạnh nhất của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), lũy kế 2 tháng đầu, doanh thu bán lẻ tăng 53.3% so với cùng kỳ. Doanh thu online lũy kế 2 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng trưởng 115%.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, về trung hạn, sau khi mở cửa nền kinh tế, các hoạt động dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí được hoạt động bình thường sẽ là động lực lớn để doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ phục hồi.

Để tiếp đà tăng trưởng này, các doanh nghiệp đang tập trung mở rộng mạng lưới, kênh kinh doanh, phân phối giúp hách hàng dễ dàng tiếp cận đa dạng mẫu mã sản phẩm, tăng tính trải nghiệm với nhiều ưu đãi đặc biệt dành riêng.

Tại Đại hội cổ đông Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT) diễn ra chiều qua  (15/4), FPT dự kiến tiếp tục mở mới hơn 70 trung tâm laptop nhằm duy trì vị trí nhà bán lẻ máy tính xách tay số 1 trên thị trường. Đồng thời, mở thêm khoảng 100 cửa hàng FPT Shop nhằm tăng vùng phủ đến các khu vực quận, huyện đông dân cư.

Với chuỗi nhà thuốc Long Châu, doanh nghiệp này sẽ đẩy mạnh tiến độ mở rộng vùng phủ ra 63 tỉnh, thành nhằm nâng cao vị thế trên thị trường dược phẩm. Dự kiến mở thêm ít nhất 300 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng lên khoảng từ 700 – 800 vào cuối năm 2022. Song song đó, FPT Long Châu sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống logistic phục vụ cho việc tăng trưởng nhanh số lượng cửa hàng và tối ưu hàng hoá.

Năm 2022, FRT đặt "tham vọng" doanh thu 27.000 tỷ đồng, tăng 20% và lợi nhuận trước thuế là 720 tỷ đồng, tăng 30% so với kết quả năm 2021.

Về phía Công ty cổ phần Đầu tư thế giới di dộng (MWG) cũng vừa công bố hợp tác chiến lược với Tập đoàn Erajaya để thành lập liên doanh PT Era Blue Elektronik (Era Blue). Mục tiêu của liên doanh là phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ điện máy số 1 tại Indonesia và niêm yết công ty này trong 5 năm tới.

Đại diện MWG cho hay, liên doanh Era Blue đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển ở nước ngoài của MWG và kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực giúp công ty nối dài chuỗi tăng trưởng trong tương lai.

Sự cộng hưởng giữa thực tế kinh doanh mô hình bán lẻ điện máy và năng lực vận hành mạng lưới bán lẻ của MWG, cùng với nguồn lực sẵn có của Erajaya sẽ giúp Era Blue rút ngắn thời gian hình thành và phát triển tại thị trường Indonesia. Theo kế hoạch, cửa hàng Era Blue đầu tiên dự kiến sẽ mở cửa phục vụ người tiêu dùng vào giữa năm 2022 tại Jakarta.

Công ty Chứng khoán SSI kỳ vọng mức tăng trưởng một con số thấp cho điện thoại di động và tăng trưởng một con số cao cho máy tính xách tay trong năm 2022. Nhu cầu điện tử tiêu dùng dự kiến sẽ phục hồi với mức tăng trưởng một con số thấp nhờ thu nhập hộ gia đình phục hồi, mặc dù có thể mất một thời gian vì phần thu nhập tăng có thể được ưu tiên cho những nhu cầu thiết yếu.

Về góc độ dài hạn, KBSV cho rằng, với cơ cấu dân số trẻ cùng tốc độ tăng trưởng GDP tốt của Việt Nam là động lực cho ngành bán lẻ duy trì được đà tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, các chuyên gia của KBSV cũng cho rằng, yếu tố lạm phát khiến các khoản chi thiết yếu của người tiêu dùng tăng lên có thể cản đà tăng trưởng của ngành bán lẻ, đặc biệt là hàng tiêu dùng không thiết yếu.

Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (15/4), cổ phiếu ngành bán lẻ đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt so với thời điểm giao dịch đầu năm. Cổ phiếu FRT được niêm yết 164.500 đồng/đơn vị, tăng hơn 76%; cổ phiếu PNJ được niêm yết 116.500 đồng/đơn vị, tăng hơn 20%; cổ phiếu MWG được niêm yết 156.200 đồng/đơn vị, tăng hơn 13%; cổ phiếu DGW được niêm yết 137.800 đồng/đơn vị, tăng gần 9%.