Tháng 1/2023, doanh nghiệp FDI chiếm 76% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước

Diên Vỹ 11:59 | 13/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong tháng 1/2023, theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan, khối FDI đóng góp tới gần 72% tổng kim ngạch thương mại của cả nước và là động lực cơ bản giúp cán cân thương mại chung thặng dư.

 

Theo số liệu do Tổng cục Hải quan công bố gần đây, trong tháng 1/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17%, so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng nên số ngày làm việc ít hơn tháng trước và cùng kỳ 2022. 

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 33,5 tỷ USD, giảm 22,1% (tương ứng giảm 9,52 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 13,06 tỷ USD, giảm 31,5% (tương ứng giảm 6 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.   

Về xuất khẩu, trong tháng 1, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 23,61 tỷ USD, giảm 25,9%, tương ứng giảm 8,25 tỷ USD so với  cùng kỳ năm 2022. Trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong tháng đạt 17,97 tỷ USD, giảm 21,5% (tương ứng giảm 4,92 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 76,1% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước; còn lại là doanh nghiệp nội địa.

Về nhập khẩu, trong tháng 1, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 22,95 tỷ USD, giảm 24% (tương ứng giảm 7,27 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Con số này bao gồm 15,53 tỷ USD trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI, giảm 22,8% (tương ứng giảm 4,6 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 67,7% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

Như vậy, trong tháng, khối FDI xuất siêu 2,44 tỷ USD, là động lực chính giúp cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thặng dư 656 triệu USD.

 

Xét theo địa phương, trong tháng 1/2023, Việt Nam có 8 tỉnh thành ghi nhận tổng kim ngạch xuất nhập khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, lần lượt là TP HCM, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Giang và Đồng Nai.

Theo đó, TP HCM là địa phương có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất tháng 1/2023 với 6,46 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng kim ngạch thương mại của cả nước trong tháng. Tỉnh Bắc Ninh đứng thứ hai với 5,86 tỷ USD; Thái Nguyên đạt 4,02 tỷ USD; Hà Nội đạt 3,7 tỷ USD; Bình Dương đạt 3,43 tỷ USD; Hải Phòng với 3,19 tỷ USD; Bắc Giang với 3,15 tỷ USD và Đồng Nai là 2,37 tỷ USD.

Đáng chú ý, nếu xét về xuất khẩu, trong tháng 1/2023, Bắc Ninh đã vượt TP HCM để trở thành địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước với trị giá 3,36 tỷ USD (TP HCM xếp thứ hai với 2,66 tỷ USD; thứ ba là Thái Nguyên 2,55 tỷ USD, Bình Dương 1,86 tỷ USD, Hải Phòng 1,68 tỷ USD…).

Còn xét về nhập khẩu, TP HCM và Hà Nội tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu với trị giá lần lượt 3,8 tỷ USD và 2,65 tỷ USD; tiếp theo là Bắc Ninh đạt 2,5 tỷ USD, Bình Dương 1,57 tỷ USD, Hải Phòng 1,51 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 có thể vượt 400 tỷ USD 

Trong một báo cáo vĩ mô cập nhật đầu tháng 2, nhóm chuyên gia từ BSC cho rằng ở kịch bản tích cực, xuất khẩu của Việt Nam năm nay có thể tăng tới 8,3%, tức vượt 400 tỷ USD (năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 371,30 tỷ USD - theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan). 

Cụ thể, nhóm phân tích nhận định tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu tháng đầu năm đang suy giảm khi ảnh hưởng của chính sách tiền tệ thắt chặt tác động lên nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế toàn cầu nói chung. Đồng thời, kỳ nghỉ Tết diễn ra vào cuối tháng 1 cũng khiến tăng trưởng xuất nhập khẩu suy giảm so với cùng kỳ.  

Dự phóng cho năm 2023, BSC đưa ra 2 kịch bản tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu. Ở  kịch bản tiêu cực, xuất khẩu có thể tăng 5,8% (đạt khoảng 393 tỷ USD) và nhập khẩu tăng 5,4% (đạt 378 tỷ USD).  Còn ở kịch bản tích cực, xuất khẩu có thể tăng 8,3% (vượt 400 tỷ USD) và nhập khẩu có thể tăng 7,4% (đạt 385 tỷ USD).