Tháng 5-2021 có thể triển khai tiêm vắc xin COVID-19 của Việt Nam

11:22 | 19/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sáng nay, 19-2, Hội đồng khoa học và đạo đức y sinh học của Bộ Y tế sẽ có cuộc họp lần cuối trước khi đưa ra quyết định cho vắc xin Nano Covax được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.
Báo Hà Nội Mới cho biết liên quan tới kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 của vắc xin Nano Covax do Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen sản xuất, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, trong giai đoạn 1, vắc xin Nano Covax cho kết quả an toàn. Với 3 liều tiêm 25mcg, 50mcg và 75mcg, đều sinh miễn dịch tốt, trong đó, tỷ lệ có đáp ứng sinh miễn dịch (có khả năng bảo vệ người tiêm không bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2) lên đến 90%. Liều tối ưu là những người được tiêm ở mức 75mcg.
 
Tháng 5-2021 có thể triển khai tiêm vắc xin COVID-19 của Việt Nam - ảnh 1
Tháng 5-2021 có thể triển khai tiêm vắc xin COVID-19 của Việt Nam
 
Ông Nguyễn Ngô Quang cũng cho biết thêm, ở giai đoạn 2, việc thử nghiệm vắc xin Nano Covax sẽ được triển khai tại 2 địa điểm, gồm: Học viện Quân y (tại Hà Nội) và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh (thực hiện tại tỉnh Long An) với hơn 560 người tình nguyện từ 18-65 tuổi. Dự kiến, ngày 26-2 sẽ tiêm mũi thử nghiệm giai đoạn 2 đầu tiên. Trong giai đoạn này, vắc xin sẽ chỉ tiêm 2 nhóm người tình nguyện với 2 liều 50mcg và 75mcg. Với tốc độ triển khai như hiện nay, cần khoảng 2 tháng để hoàn thành nghiên cứu thử nghiệm giai đoạn 2.
 
"Thông thường, để đánh giá hiệu lực cần 24 tháng, nhưng để phục vụ cho tình huống đại dịch, chúng ta có thể triển khai tiêm rộng rãi, sau khi đã đánh giá được tính an toàn, sinh miễn dịch và liều tiêm tối ưu nhất. Sau đó, sẽ nghiên cứu thêm về hiệu quả bảo vệ vì cần thời gian lâu dài hơn", ông Nguyễn Ngô Quang nói.
 
Vì vậy, tương tự như vắc xin COVID-19 của Nga, sau việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 đã được cấp phép, tiêm rộng rãi cho người dân, dự kiến, đến tháng 5 năm nay, trong giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax, Việt Nam có thể triển khai tiêm cho những người có nguy cơ cao như: Nhân viên cảng hàng không, tiếp viên, các lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch.
 
Báo Người Lao Động thông tin từ Bộ Y tế cho biết từ 27-1 đến nay, cả nước ghi nhận 755 ca Covid-19 trong cộng đồng tại 13 tỉnh - thành, trong đó Hải Dương là địa phương ghi nhận số ca mắc lớn nhất với 575 ca, Quảng Ninh (60), Gia Lai (27), Hà Nội (35), Bắc Ninh (5), Bắc Giang (2), TP HCM (36), Hòa Bình (2), Hà Giang (1), Điện Biên (3), Bình Dương (6), Hải Phòng (1), Hưng Yên (2). Tổng số tích lũy trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 của Việt Nam là 2.347 người, trong đó có 1.448 ca do lây nhiễm trong nước.

Theo Bộ Y tế, sau hơn 2 tuần dịch COVID-19 bùng phát, đến nay dịch cơ bản đã được kiểm soát tại 12/13 tỉnh - TP, các ổ dịch trong cộng đồng đang có xu hướng giảm ca mắc trong ngày. Các ổ dịch tại các TP lớn như tại Hà Nội, TP HCM đã được kiểm soát với các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt. Riêng tình hình dịch tại Hải Dương vẫn còn phức tạp, có khả năng còn kéo dài khi số lượng ca mắc chưa giảm, đặc biệt tại huyện Cẩm Giàng với các cụm khu công nghiệp số lượng công nhân lớn (60.000 người). Nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng vẫn luôn thường trực do đã có các trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây, đặc biệt khi người dân từ các địa phương trở lại làm việc. Trước tình hình dịch phức tạp, Bộ Y tế đã rút lực lượng tiền phương ở TP HCM về tăng chi viện cho Hải Dương.

Ngày 18-2, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng của tỉnh Hải Dương, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Hải Dương đã huy động nguồn lực nhanh chóng, nỗ lực và quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Việc xây dựng cơ sở cách ly tập trung nhanh chóng, thần tốc và giao trách nhiệm cho lực lượng quân đội là đúng đắn. Dịch Covid-19 ở Hải Dương dù phát sinh một số ca mới tại các khu cách ly nhưng cơ bản đã được kiểm soát.
 
Nguyễn Triệu