Thanh Hóa thu hồi hơn 20 dự án chậm tiến độ

Đông Bắc 15:26 | 08/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định thu hồi đất tại 21 dự án, trong đó gồm Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Vinaxuki của Công ty TNHH MTV ô tô Vinaxuki Thanh Hóa; Khu công nghiệp Hoàng Long của Tập đoàn FLC...

 

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay, địa bàn tỉnh này có 1.617 dự án được giao đất, cho thuê đất, với tổng diện tích gần 7.864 ha. Trong đó, 1.195 dự án được cho thuê đất với diện tích trên 3.601 ha; 105 dự án được giao đất có thu tiền sử dụng đất với diện tích gần 824 ha; 317 dự án được giao đất không thu tiền sử dụng đất, diện tích gần 3.439 ha.

Sau khi được giao đất, cho thuê đất, đa số các chủ đầu tư đã tích cực, khẩn trương triển khai đầu tư dự án đảm bảo theo tiến độ đã được chấp thuận và tiến độ đã cam kết. Nhiều dự án đã hoàn thành, đưa đất vào sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích... Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra đối với 654 lượt dự án trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 164 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do các cơ quan lựa chọn nhiều nhà đầu tư không có kinh nghiệm, thiếu năng lực triển khai, có những nhà đầu tư không triển khai dự án hoặc còn chờ thời điểm. Ngoài ra, tình trạng nhà đầu tư lợi dụng quy định pháp luật về giãn tiến độ thực hiện dự án và điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án, không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích.

  Dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn tại huyện Ngọc Lặc bỏ hoang nhiều năm. Ảnh VNE.

 Đơn cử, dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn tại huyện Ngọc Lặc được khởi công xây dựng vào năm 2009. Để thực hiện dự án, 206 hộ dân sống tại các thôn Vân Sơn, Lương Sơn, Hồng Sơn, Thanh Sơn thuộc diện phải thu hồi đất ở và đất nông nghiệp để hoàn thành giải phóng mặt bằng hơn 40 ha. Khi dự án được khởi công xây dựng, người dân nơi đây rất vui mừng và kỳ vọng sau khi đi vào hoạt động dự án sẽ tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Hiện tại, công trình đã ngừng thi công, nguyên nhân được xác định do chủ đầu tư thiếu nguồn vốn nên không thể tiếp tục thực hiện dự án. Ngoài công trường, đơn vị thi công mới thực hiện được hạng mục san lấp mặt bằng, khoan cọc nhồi và làm được tường rào. Toàn bộ diện tích đất để xây dựng nhà máy bỏ không nhiều năm, gây lãng phí quỹ đất, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Hay dự án Khu công nghiệp  FLC Hoàng Long do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư (thuộc địa bàn TP Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) được khởi công tháng 9/2015.

Dự án có tổng mức đầu tư 2.317,5 tỉ đồng, hướng đến xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hiện đại, được thiết kế là khu công nghiệp kiểu mẫu, đạt tiêu chuẩn quốc tế phục vụ đa ngành, khi đi vào hoạt động sẽ thu hút từ 60.000 - 80.000 lao động.

Tuy nhiên, 7 năm trôi qua chủ đầu tư chỉ làm được một cái cổng chào, lợi ích dự án mang lại chỉ nằm trên giấy. Đất thực hiện dự án được thu hồi để không, hoang hóa nhiều năm. Tháng 4/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản chấm dứt hoạt động của dự án này.

Mạnh tay với những dự án "treo"

Trước hàng loạt dự án đầu tư chậm tiến độ, trong đó có những dự án đã triển khai hàng chục năm nhưng vẫn chưa hoàn thành, gây bức xúc cho cử tri, người dân địa phương, thời gian gần đây tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng này.

Cụ thể, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định thu hồi đất tại 21 dự án với tổng diện tích 89,88 ha. Trong đó có một số dự án “khủng”, như: Khu công nghiệp Hoàng Long của Tập đoàn FLC; dự án của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Nguyễn Kim Thanh Hóa tại khu đô thị phía Nam thành phố Thanh Hóa với diện tích hơn 2,2 ha; dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Vinaxuki của Công ty TNHH MTV ô tô Vinaxuki Thanh Hóa; dự án của Công ty CP AE Toàn Tích Thiện...

Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo các ngành tiếp tục xem xét, tham mưu xử lý theo quy định đối với 46 dự án chậm tiến độ. UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị địa bàn để kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp phải rà soát các dự án đầu tư được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng dự án treo.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng ban hành Quyết định về việc thành lập tổ công tác rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn, qua đó nắm bắt tình hình, đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ nhằm khắc phục tình trạng nhiều dự án “treo”.

 

Thanh Hóa sẽ chấm dứt dự án hơn 2.300 tỷ đồng của Tập đoàn FLC

 
 
 

Cuối tháng 4/2022, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn gửi Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và môi trường, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, UBND thành phố Thanh Hóa, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.

Nội dung công văn nêu rõ, UBND tỉnh vừa nhận được văn bản của Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa về việc báo cáo dự án đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hoàng Long do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư. Trên cơ sở đề xuất của Sở Kế hoạch và đầu tư, chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo như sau:

Đối với việc triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hoàng Long do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, giao Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa chủ trì, làm việc với Công ty cổ phần Tập đoàn FLC để thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hoàng Long (theo hướng nhà đầu tư tự quyết định chấm dứt hoạt động dự án), làm cơ sở để triển khai các công việc tiếp theo theo quy định; báo cáo chủ tịch UBND tỉnh những vấn đề vượt thẩm quyền.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan, hoàn thiện phương án Quy hoạch chung đô thị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, báo cáo UBND tỉnh xem xét theo quy định.

Đối với đề nghị tài trợ lập quy hoạch, việc lập quy hoạch phân khu thuộc Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa và nguồn kinh phí lập quy hoạch sẽ được xác định cụ thể sau khi Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với đề nghị hướng dẫn các thủ tục để xử lý khoản kinh phí mà Tập đoàn FLC đã ứng cho công tác giải phóng mặt bằng (trong trường hợp chấm dứt dự án đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hoàng Long), chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan, tham mưu văn bản cho UBND tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục để xử lý.