Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice) cho biết, tuy đã liên kết sản xuất, tiêu thụ với nông dân nhưng có lúc công ty cũng gặp khó khăn trong thu mua lúa nguyên liệu. Bởi sự liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp với người nông dân chưa chặt chẽ, nhất là khi giá lúa nguyên liệu đang tăng cao như hiện nay thì thường xuyên xảy ra tình trạng “bẻ kèo”. Nông dân không bán lúa cho doanh nghiệp như hợp đồng đã ký kết trước đó mà bán cho thương lái bên ngoài với giá cao hơn.
Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo thông tin với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp nhiều khó khăn như: Doanh nghiệp thiếu lực lượng thu mua lúa gạo nguyên liệu trực tiếp từ nông dân, phải thu mua gián tiếp qua “cò lúa”, thương lái, từ đó, phải tốn thêm chi phí; còn vướng mắc về thủ tục quyết toán thuế; khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng để đầu tư sản xuất kinh doanh...
Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thời gian qua, nhìn chung hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy ở Đồng Tháp phát triển. Tuy nhiên, còn một số nơi hệ thống cầu, đường chưa đồng bộ. Một số cầu có chiều cao tĩnh không thông thuyền còn thấp; có nhiều đoạn sông, kênh, rạch bị bồi lắng nên công ty gặp khó khăn khi thu mua, vận chuyển lúa nguyên liệu từ đồng ruộng về nhà máy.
Hiện tại, giá lúa bình quân tăng hơn 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022. Giá lúa chất lượng cao được thu mua tại ruộng với giá hơn 9.000 đồng/kg, lúa thường IR 50404 giá 8.200 đồng/kg. Trong bối cảnh chi phí sản xuất và giá lúa, gạo nguyên liệu trong nước liên tục tăng cao, nhưng giá gạo xuất khẩu không thể tăng theo kiểu “thuyền lên nước lên” vì giá bán gạo đã ký kết hợp đồng từ trước với đối tác nên không thay đổi.
Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, giá lúa, gạo nguyên liệu tăng cao, gây ra khó khăn về tài chính cho nhiều doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với đối tác trước đó. Một số doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu và liên kết thu mua với nông dân, dẫn đến việc thiếu hụt nguyên liệu sản xuất để cung ứng cho các đơn hàng mà doanh nghiệp đã ký hợp đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện đã lắng nghe, ghi nhận, chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp phải hiện nay. Ông Nguyễn Phước Thiện gợi mở, đối với vấn đề công ty thiếu nguồn nhân lực để đi thu mua lúa nguyên liệu trực tiếp tại đồng ruộng thì các hợp tác xã có thể là “cầu nối” giữa nông dân và doanh nghiệp trong việc mua bán lúa. Bên cạnh đó, nên củng cố lại hoạt động Hội Doanh nghiệp lúa gạo Đất Sen hồng để tạo ra sự liên kết chặt chẽ hơn. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu gạo còn vấn đề gặp khó khăn thì thông tin với Sở Công Thương để được hỗ trợ, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND tỉnh để trực tiếp chỉ đạo giải quyết.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, dự kiến năm 2023, sản lượng gạo chế biến toàn tỉnh ước đạt 1,85 triệu tấn, tăng 38,27% so với năm 2022. Đồng Tháp có 17 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu. Trong 10 tháng năm 2023, lượng gạo xuất khẩu ước đạt 449.393 tấn, tăng 17,1% so với cùng kỳ 2022; kim ngạch đạt 265,56 triệu USD, tăng 41,38% so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2023, dự kiến lượng gạo xuất khẩu của tỉnh Đồng Tháp ước đạt 584.142 tấn; kim ngạch ước đạt 336,26 triệu USD. Năm nay, mặc dù lượng gạo và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng so với cùng kỳ, tuy nhiên về thị trường xuất khẩu gạo của Đồng Tháp chủ yếu tập trung vào thị trường châu Á (Philippines, Singapore…) chiếm khoảng 90%, trong khi đó, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường châu Âu và các thị trường khác còn khá khiêm tốn.