Tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp xã hội phát triển bền vững

18:05 | 28/08/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Nhằm tháo gỡ khó khăn và chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp xã hội nói riêng và đề cao tính trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, sáng 28/8, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức hội nghị Doanh nghiệp xã hội và phát triển bền vững.

Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Lê Xuân Đình, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết: Khái niệm doanh nghiệp xã hội là một loại hình doanh nghiệp mới xuất hiện ở Việt Nam và đã có những phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 200 tổ chức được xem có đầy đủ các đặc điểm của doanh nghiệp xã hội. Bên cạnh đó, có hàng chục nghìn tổ chức và doanh nghiệp có những đặc điểm của doanh nghiệp xã hội. Các doanh nghiệp xã hội đó hoạt động khá hiệu quả, bước đầu góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường như: đào tạo nghề cho con em gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật.

Tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp xã hội phát triển bền vững - ảnh 1
 Hội nghị Doanh nghiệp xã hội và phát triển bền vững. Ảnh DNVN/HuongLan.
Tuy nhiên, doanh nghiệp xã hội hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn như: Thiếu vốn và yếu kém trong khả năng tiếp cận các nguồn tài chính; yếu về năng lực quản lý điều hành và sự thiếu hụt những dịch vụ hỗ trợ và nâng cao năng lực phù hợp cho doanh nghiệp xã hội. Ngoài ra, truyền thông và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp xã hội gặp nhiều khó khăn do nhận thức cộng đồng về loại hình doanh nghiệp này còn hạn chế.
Đánh giá về doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam, bà Catherine Phương, Trợ lý Giám đốc Quốc gia Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam cho biết, Việt Nam có hệ sinh thái khởi nghiệp rất ấn tượng và phát triển nhanh chóng cho các doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB). Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp SIB có quy mô nhân lực nhỏ: 70% doanh nghiệp SIB có dưới 20 nhân viên. Tuy nhiên, khu vực này gồm nhiều tầng lớp xã hội, với 74% công nhân đến từ nhóm người thiệt thòi trong xã hội và 90% là người dân địa phương. Những doanh nghiệp SIB cũng đa dạng hơn trong ban lãnh đạo. Sự đa dạng này được phản ánh trong việc có nhiều người và phụ nữ từ các nhóm yếu thế trong xã hội tham gia vào quá trình thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội.
Theo nghiên cứu của UNDP, có 41% lãnh đạo doanh nghiệp SIB là phụ nữ, và 1% đến từ cộng đồng những người đồng tính luyến ái. Tỉ lệ nhà khởi nghiệp xã hội là phụ nữ cao hơn nhiều so với con số 25% trong lĩnh vực thương mại tại Việt Nam và trung bình 10% trên toàn thế giới. Qua những thông tin này, có thể nói rằng bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp SIB, hoặc thúc đẩy Khởi nghiệp xã hội trong khu vực tư nhân, chúng ta cũng có thể hỗ trợ đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 10: Giảm bất bình đẳng và một phần của ý tưởng “không ai bị bỏ lại đằng sau”.
Tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp xã hội phát triển bền vững - ảnh 2
  Doanh nghiệp xã hội Sapa O’Chau.
Bên cạnh đó, theo bà  Catherine Phương, dù doanh thu có quy mô nhỏ, nhưng những nghiên cứu chỉ ra rằng 70% doanh nghiệp SIB tạo ra được lợi nhuận. Do đó, ngay cả khi hiện nay quy mô khu vực này còn nhỏ nhưng có nhiều tiềm năng để hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tạo tác động xã hội. Tuy nhiên, những chính sách này cần được bổ sung bằng những hoạt động thúc đẩy thực hiện.
Để doanh nghiệp tạo tác động xã hội phát triển bền vững, UNDP đề xuất có chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn và các nguồn lực tài chính khác, bao gồm: Tăng cường những biện pháp khuyến khích mạnh mẽ hơn sử dụng thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp để phát triển khu vực Doanh nghiệp SIB; đồng thời thiết lập các tiêu chí cụ thể để xác định các doanh nghiệp xã hội, qua đó cho phép ưu tiên tài chính hướng đến mục tiêu cụ thể hơn; UNDP sẽ tăng cường tiếp cận các nguồn vốn và các phương thức tài trợ mới mẻ khác cho khu vực doanh nghiệp SIB.
Đồng thời, tăng cường chính sách hỗ trợ phát triển tiếp cận thị trường và mở rộng quy mô doanh nghiệp tạo tác động xã hội: Hỗ trợ các doanh nghiệp SIB tham gia vào các quy trình mua sắm công; Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp SIB và khu vực tư nhân rộng hơn và nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của khu vực doanh nghiệp SIB.
Ngoài ra, việc xây dựng năng lực rất cấp thiết, UNDP đề nghị đào tạo cho các quan chức chính phủ về thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp SIB . Phát triển các nền tảng học tập điện tử cho khu vực doanh nghiệp SIB. Thiết lập các mô hình vườn ươm khởi nghiệp và mô hình tăng tốc khởi nghiệp cho các doanh nghiệp SIB.
Cuối cùng là cần phải tăng cường điều phối để thúc đẩy đào tạo về khởi nghiệp và sáng tạo xã hội thông qua các cơ sở giáo dục. Nếu có thể, Việt Nam nên thành lập một cơ quan thuộc Chính phủ, tập trung vào phát triển khu vực doanh nghiệp SIB và mạng lưới đại diện cho khu vực doanh nghiệp SIB.