Thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp là do ưu đãi khu vực FDI

17:54 | 26/05/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là một trong những nội dung được nhấn mạnh tại Báo cáo Công bằng Thuế Việt Nam 2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp là do ưu đãi khu vực FDI - ảnh 1
Báo cáo vừa được công bố tại “Hội thảo Công bố kết quả nghiên cứu Báo cáo Công bằng Thuế Việt Nam 2017”, ngày 25/5 tại Hà Nội.

Dựa trên cơ sở áp dụng khung nghiên cứu và bộ công cụ Giám sát công bằng thuế (Fair tax monitor index) do Oxfam toàn cầu xây dựng và chuẩn hoá, Báo cáo Công bằng Thuế Việt Nam 2017 chỉ rõ: Miễn giảm thuế cho doanh nghiệp đã được quy định rõ tại rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam.

Cụ thể là mục I, chương III của Luật Đầu tư 2014, Điều 4 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 và được tiếp tục bổ sung sửa đổi bằng Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013 và Luật số 71/2014/QH13 về thuế sửa đổi 2014.

Theo đó, một số khoản thu nhập ở một số lĩnh vực không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp như thu nhập của hợp tác xã nông nghiệp, thu nhập của doanh nghiệp nông nghiệp trên các địa bàn khó khăn, thu nhập từ nghiên cứu khoa học, thu nhập từ đào tạo và dạy nghề, doanh nghiệp có trên 30% lao động là nhóm người dễ tổn thương...

Với thuế tiêu dùng, trong Luật Thuế giá trị gia tăng các doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì không phải kê khai tính thuế. Trong thuế nhập khẩu, hàng xách tay khi nhập cảnh không quá 300 USD, rượu mạnh 2 chai, thuốc lá không quá 200 điếu…sẽ được miễn thuế. Thêm vào đó, các hàng hoá xuất nhập khẩu với mục đích nhân đạo và các nhóm hàng phục vụ chủ yếu cho nhóm người dễ bị tổn thương cũng được miễn giảm thuế.

Ngoài những khoản thu nhập không chịu thuế, các văn bản pháp luật của Việt Nam cũng quy định nhiều khoản được miễn giảm thuế. Không chỉ miễn giảm về thuế suất mà còn được chuyển lô trong 05 năm và gia hạn thời gian nộp thuế.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trước những ưu đãi miễn giảm về thuế suất trên, không ít doanh nghiệp đa quốc gia đã lợi dụng các ưu đãi thuế để chịu mức thuế suất chỉ khoảng 10% khi đầu tư vào Việt Nam.

Pháp luật Việt Nam đã cho phép Chính phủ và địa phương có thể quyết định ưu đãi thuế cho những trường hợp đặc biệt. Trường hợp Samsung là điển hình. Samsung nhận được nhiều ưu đãi đầu tư từ Chính phủ: hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm, miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Cùng với các ưu đãi này, các địa phương đã dành cho Samsung các ưu đãi về tiền thuê đất.

Báo cáo Công bằng Thuế Việt Nam 2017 ước tính, khu vực FDI đang nhận được tổng ưu đãi tới 91,9% tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.

Bộ Tài chính thống kê có 100 doanh nghiệp nhận miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất (chưa kể ưu đãi về đất đai và các ưu đãi khác). Trong đó, Samsung là một trong những doanh nghiệp nhận ưu đãi lớn nhất. Một chuyên gia của Bộ Tài chính cho rằng doanh nghiệp FDI còn có thể được ưu đãi nhiều khoản khác như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt... nếu là doanh nghiệp chế xuất.

Điều bất cập ở đây là, trước khi đưa ra các điều khoản ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, các cơ quan chức năng của Việt Nam đều không có báo cáo đánh giá về lợi ích và chi phí từ việc ưu đãi này.

Cơ chế tự khai, tự nộp, người nộp thuế tự xác định mức thuế mình phải nộp đã phát sinh tình trạng doanh nghiệp, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp FDI gian lận từ khâu lập hồ sơ (cố tình đưa vào các điều kiện để đươc miễn thuế). Trong khi, tỷ lệ phát hiện sai phạm được nhiều chuyên gia cho là nhỏ rất nhiều so với con số thực tế. Vì tỷ lệ thanh tra thuế hàng năm chỉ chiếm khoảng 5% tổng số người nộp thuế.

Theo Bộ Tài chính, con số thất thu thuế năm 2016 do các ưu đãi thuế (bao gồm cả phí, lệ phí, tiền thuê mặt đất và mặt nước) ước tính 64 nghìn tỷ đồng, tương đương với 5,8% tổng thu ngân sách, 33% tổng chi thường xuyên cho giáo dục và đào tạo, và 84% chi thường xuyên cho y tế. Con số thất thu này chủ yếu từ ưu đãi thuế khu vực FDI.

Báo cáo Công bằng Thuế Việt Nam 2017 khuyến nghị: Các cơ quan chức năng Việt Nam cần rà soát lại chính sách miễn giảm thuế với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI và công bố công khai cho người dân biết.

Cần tính toán được phần thuế bị mất đi do miễn giảm thuế, từ đó, góp phần nâng cao chỉ số công bằng thuế cho Việt Nam thời gian tới.