Thêm báo cáo tích cực, triển vọng hạ cánh mềm của Mỹ sáng rõ hơn
Hạ cánh mềm là một kịch bản tốt đẹp cho nền kinh tế Mỹ. Ở đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hoàn thành nhiệm vụ khó khăn là khống chế lạm phát mà không gây ra suy thoái.
Sau một loạt dữ liệu việc làm tích cực thời gian gần đây, các chuyên gia cho biết triển vọng hạ cánh mềm của nền kinh tế Mỹ đang ngày càng lớn hơn.
Báo cáo do Bộ Lao động mới công bố cho thấy số cơ hội việc làm - thước đo nhu cầu tuyển dụng của chủ doanh nghiệp - đã giảm 617.000 xuống còn 8,7 triệu vào tháng 10. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.
Đánh giá về báo cáo nêu trên, ông Jason Furman, giáo sư Đại học Harvard và từng là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Obama, nói: “Một mảnh ghép quan trọng khác của cuộc hạ cánh mềm đang lắp vào chỗ”.
Tin xấu có chủ đích
Nhìn bề ngoài, việc thị trường lao động suy yếu có vẻ là một tin xấu, nhưng đây là chủ đích của các quan chức Fed.
Fed bắt đầu tăng mạnh lãi suất vào tháng 3/2022 để kiềm chế lạm phát cao kỷ lục. Bằng cách đưa chi phí đi vay lên đỉnh 22 năm, ngân hàng trung ương Mỹ muốn hạ nhiệt nền kinh tế và thị trường việc làm.
Fed đã phải cố gắng tìm điểm cân bằng: giảm nhiệt lạm phát mà không gây ra suy thoái. Nếu không, một khi hạ cánh cứng xảy ra, suy thoái kinh tế là điều không thể tránh khỏi, tờ CNBC nhấn mạnh.
Viện Brookings gần đây nhận xét rằng hạ cánh mềm là "kịch bản Goldilocks" của Fed. Trong kịch bản đó, nền kinh tế “tăng trưởng vừa phải - không quá nóng (dễ sinh ra lạm phát) và không quá lạnh (như trong thời kỳ suy thoái)”.
Bà Julia Pollak, nhà kinh tế trưởng tại nền tảng tuyển dụng ZipRecruiter, cho hay: “Hạ cánh mềm chắc chắn là kết quả tốt nhất. Và tôi nghĩ cơ hội để nền kinh tế hạ cánh mềm ngày càng cao”.
Theo CNBC, các chuyên gia không có định nghĩa chính thức về một cuộc hạ cánh mềm. Trong 11 lần thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed kể từ năm 1965, hạ cánh mềm chỉ xảy ra một lần vào năm 1994 - 1995, Hiệp hội Kinh tế Mỹ cho biết.
Vai trò của thị trường lao động
Thị trường lao động đóng một vai trò quan trọng trong bức tranh lạm phát.
Thị trường từng nóng lên chưa từng có khi nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại vào năm 2021. Các chủ doanh nghiệp rất cần công nhân, dẫn đến số cơ hội việc làm tăng kỷ lục.
Nhờ đó, người lao động có thể dễ dàng tìm việc và có cơ hội yêu cầu mức lương cao hơn. Tăng trưởng tiền lương từng chạm mức đỉnh hàng chục năm, khiến các chuyên gia lo sợ về “vòng xoáy giá - lương”.
Vòng xoáy giá - lương là một vòng luẩn quẩn, trong đó doanh nghiệp không ngừng tăng giá sản phẩm và dịch vụ để bù đắp cho mức lương cao hơn của công nhân. Ở chiều khác, người tiêu dùng lại đòi hỏi mức lương tốt hơn để bù đắp cho đà tăng giá ở cửa hàng. Tuy vậy, sự kiện này đã không xảy ra.
“Trở lại trạng thái cân bằng”
Các nhà kinh tế cho biết dữ liệu việc làm mới nhất là một tin tức đáng khích lệ khác về khả năng hạ cánh mềm.
Số cơ hội việc làm sụt giảm, nhưng số người lao động nghỉ việc và số tuyển dụng mới vẫn đang ổn định so với mức trước đại dịch.
Bà Pollak cho biết tỷ lệ sa thải vẫn khá thấp và hiện dưới mức trung bình trước đại dịch khoảng 17%. Điều này cho thấy chủ doanh nghiệp muốn giữ chân người lao động. Vị chuyên gia nói thêm là dù giảm so với tháng trước, số cơ hội việc làm vẫn cao hơn 25% so với mức tháng 2/2020.
Tỷ lệ số cơ hội việc làm trên số lao động thất nghiệp đã tụt xuống còn 1,3 trong tháng 10, giảm so với mức cao nhất trong đại dịch là 2 và gần mức 1,2 trước khi COVID-19 bùng phát.
Ông Nick Bunker, Giám đốc cấp cao tại Indeed Hiring Lab, đánh giá: “Báo cáo mới của Bộ Lao động sẽ mang đến niềm phấn khởi cho mọi người trong kỳ nghỉ lễ, vì xác suất hạ cánh mềm tiếp tục tăng”.
“Tình trạng hiện tại của thị trường lao động cho thấy chúng ta không cần phải điều chỉnh để đưa nó trở lại trạng thái cân bằng nữa. Thực tế, thị trường đã cân bằng rồi”, ông nói thêm.
Nhìn chung, thị trường lao động đã hạ nhiệt trong khi tỷ lệ sa thải không tăng đột biến và người dân Mỹ vẫn có cơ hội việc làm rộng mở trong thời gian tới, các chuyên gia kết luận.