FED tăng lãi suất 0,75%, kỳ vọng 'hạ cánh nhẹ nhàng' ngày càng mờ nhạt
Tại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày 14-15/6, các quan chức Ủy ban thị trường mở Liên bang (FOMC) đã bỏ phiếu tán thành tăng lãi suất thêm 0,75%, nâng lãi suất của FED lên phạm vi từ 1,5% đến 1,75%.
Chủ tịch FED Jerome Powell nói rằng: “Mức tăng 75 điểm cơ bản của ngày hôm nay là một sự điều chỉnh bất thường. Tôi không mong đợi sự bất thường này biến thành bình thường”.
Tuy nhiên, ông Powell cũng cho biết, cuộc họp tháng 7 của FED có thể sẽ chứng kiến thêm một đợt tăng 0,5% hoặc 0,75% nữa. Ông nói rằng các quyết định sẽ được đưa ra dần ở từng cuộc họp và FED sẽ truyền đạt những ý định của mình một cách rõ ràng nhất có thể.
“Chúng tôi mong muốn tình hình (lạm phát) cải thiện. Nếu diễn biến giá cả không trở nên khả quan hơn, FED sẽ tiếp tục phản ứng”, ông nhấn mạnh.
Chủ tịch Jerome Powell thừa nhận rằng khó để giảm lạm phát mà không làm ảnh hưởng đến thị trường lao động vì nhiều yếu tố thúc đẩy lạm phát nằm ngoài tầm kiểm soát của FED, như xung đột ở Ukraine và sự gián đoạn chuỗi cung ứng. “Mọi thứ chẳng những không cải thiện, mà ngày càng trở nên thách thức hơn vì những tác động bên ngoài”, Thống đốc FED bày tỏ.
Andrew Hollenhorst, nhà kinh tế trưởng tại Citigroup, nói rằng quyết định tăng lãi suất thêm 0,75% của FED cho thấy chiến lược điều hành nền kinh tế thông qua chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương ngày càng trở nên khó khăn.
Tháng trước, các quan chức FED hầu hết dự báo rằng lãi suất có thể nhích thêm 0,5%. Nhưng số liệu lạm phát tháng 5 vừa công bố tuần trước, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,6% so với cùng kỳ, đã đẩy họ đến một phản ứng quyết liệt hơn.
Tại cuộc họp chính sách tiền tệ lần này, đúng như kỳ vọng của thị trường, các thành viên Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc FED đã chỉ ra một lộ trình tăng lãi suất mạnh mẽ hơn ở phía trước để ngăn chặn lạm phát, vốn đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 12/1981. Theo đó, lãi suất cơ bản của FED nhiều khả năng sẽ kết thúc năm ở mức 3,4%, sau đó sẽ đạt 3,8% vào năm 2023, cao hơn một điểm phần trăm so với những gì được dự báo hồi tháng 3.
Tuyên bố của FED thể hiện cam kết mạnh mẽ với mục tiêu đưa lạm phát quay trở lại mức 2%. Thị trường chứng khoán Mỹ có dấu hiệu phục hồi sau tuyên bố này. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng hơn 500 điểm khi các nhà đầu tư xem động thái của ngân hàng trung ương là một cam kết vững chắc để giảm lạm phát.
Năm 2020, khi đại dịch lần đầu tiên ập đến nước Mỹ, FED đã tung ra một loạt các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm cắt giảm lãi suất về mức tiệm cận 0%, hạ chi phí vay xuống rất thấp. Chính sách thúc đẩy tiêu dùng quá mức đã góp phần dẫn đến tình trạng lạm phát nóng như hiện nay. Điều này buộc ngân hàng trung ương phải sử dụng công cụ lãi suất nhằm hạ nhiệt một phần nền kinh tế, điều chỉnh nhu cầu để nguồn cung có thể bắt kịp.
Tại cuộc họp, Ngân hàng trung ương cũng hạ các dự báo kinh tế cho năm 2022. Theo đó, FED dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2022 của Mỹ là khoảng 1,7%, giảm đáng kể so với dự báo 2,8% vào tháng 3. Đáng chú ý, ngân hàng trung ương không dự đoán lạm phát giảm trong năm nay, còn tỷ lệ thất nghiệp được cảnh báo tăng lên 3,7% vào năm 2022, cao hơn so với dự báo hồi tháng 3.
Quý đầu tiên của năm 2022, Mỹ ghi nhận tăng trưởng âm 1,4%. Thông qua bộ theo dõi GDPNow, tăng trưởng quý II được ghi nhận đang đi ngang làm dấy lên lo ngại về suy thoái.
Thị trường việc làm vẫn là một điểm sáng của nền kinh tế Mỹ, mặc dù mức tăng 390.000 việc làm mới của tháng 5 là thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Thu nhập trung bình hàng giờ đã tăng về danh nghĩa, nhưng nếu trừ đi tỷ lệ lạm phát thì thu nhập thực tế giảm 3% trong năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp, hiện ở mức 3,6%, được dự báo sẽ tăng lên 4,1% vào năm 2024.
Tất cả những yếu tố đó kết hợp lại đang thách thức kỳ vọng của Chủ tịch Powell về một cú “hạ cánh nhẹ nhàng” của nền kinh tế Mỹ sau những đợt thắt chặt chính sách tiền tệ của FED.