Thêm nhiều cơ hội cải thiện lợi nhuận cho doanh nghiệp thép

Thùy Dương 07:49 | 30/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chung nhận định về khó khăn nhất của toàn ngành đã qua, các chuyên gia tiếp tục thấy những yếu tố thuận lợi giúp doanh nghiệp thép tăng lợi nhuận giai đoạn 2023 - 2024.

Sau kết quả sản xuất và tiêu thụ thép quý I giảm mạnh do nhu cầu yếu chung trên thị trường, dự báo tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp đầu ngành là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm từ cả nhà đầu tư và giới phân tích. 

Theo báo cáo ngày 24/5, CTCP Chứng khoán Mirae Asset (MAS) dự báo lợi nhuận của CTCP Thép Nam Kim (HSX: NKG) sẽ hồi phục khi giá vốn hàng bán cũng như giá cước tàu biển giảm mạnh. 

Cụ thể, nhóm phân tích cho biết, giai đoạn 2021 – 2022, cước tàu biển tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến chi phí bán hàng của NKG tăng rất cao. Ước tính chi phí logistic chiếm đến 50% - 65%/chi phí bán hàng của NKG ở giai đoạn này. Với việc chỉ số giao nhận hàng hóa container tàu rời (BDI) đã giảm 71% từ đỉnh quý IV/2021, MAS dự phóng NKG tăng được 1,9% biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (EBIT) nhờ tiết giảm chi phí logistic trong năm 2023.

Ngoài ra, giá vốn của NKG đã giảm mạnh trong vòng 9 tháng gần đây. Năm ngoái, tại thời điểm cuối quý III và quý IV, nhóm phân tích ước tính NKG bán thấp hơn giá hòa vốn lần lượt khoảng 90 USD/tấn và 80 USD/tấn. Tuy nhiên, quý I năm nay, ước tính NKG đã hoàn tất hạ giá vốn và bán đi lượng hàng tồn kho giá cao. Qua đó, từ quý II, NKG sẽ tiếp tục hoàn nhập 144 tỷ đồng dự phòng hàng tồn kho còn lại để hỗ trợ lợi nhuận.

Trong năm 2023, MAS đánh giá sản lượng sẽ tiếp tục suy giảm khi làn sóng đầu tư trên toàn cầu bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng thời điểm xấu nhất cho ngành thép đã qua và thị trường sẽ dần hồi phục từ nửa cuối năm nay, sản lượng sẽ tăng trưởng trở lại từ năm 2024. Cụ thể, cho năm 2023, dự báo sản lượng thép NKG đạt 798.770 tấn, giảm 6,9% và sẽ tăng 9,4% lên 873.680 tấn vào năm 2024.

 

"Ông lớn" CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) là cái tên tiếp theo với dự phóng lợi nhuận phục hồi từ nửa cuối 2023 nhờ giá nguyên vật liệu giảm liên tục và chi phí vận tải giảm.

Theo đó, cũng trong báo cáo mới nhất, MAS nhận thấy kinh tế suy yếu khiến giá nguyên vật liệu đầu vào như quặng sắt, than cốc đã giảm liên tục từ tháng 4/2022. Cụ thể, giá than cốc giảm từ đỉnh tháng 3 năm ngoái là 635 USD/tấn về mức 288 USD/tấn trong tháng 4 vừa qua. Giá quặng sắt đã có lúc về 90 USD/tấn trong tháng 4 (so với cùng kỳ tháng 4 năm ngoái là 140 USD/tấn).

Như vậy, nhóm phân tích đánh giá yếu tố này trực tiếp giảm áp lực về chi phí đầu vào cho HPG đồng thời giảm thiểu rủi ro trích lập dự phòng. Lượng hàng tồn kho của HPG trong quý I đã giảm về mức 19% tổng tài sản, từ mức 20% trong quý IV/2022 và trích lập dự phòng hàng tồn kho đã giảm 946 tỷ đồng. MAS cho rằng giá vốn hàng tồn kho của HPG đã được hạ tối thiểu 30 USD/tấn (tương đương 4% giá vốn tại quý I) và có khả năng sẽ tiếp tục hoàn nhập 288 tỷ đồng dự phòng tồn kho còn lại ở quý này khi giá nguyên liệu trong tháng 4 và 5 có xu hướng đi ngang và giảm nhẹ.

Ngoài ra, chi phí vận tải giảm cũng sẽ giúp HPG cải thiện biên lợi nhuận. Cước tàu biển hàng rời (BDI) đã giảm khoảng 70% so với mức đỉnh như đã phân tích, nhóm phân tích ước tính HPG sẽ tăng 0,6% EBIT trong năm 2023.

Về sản lượng thép của tập đoàn, nhờ kỳ vọng về những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường xây dựng, đầu tư công và xuất khẩu, các chuyên gia dự phóng tổng sản lượng năm nay đạt 7,03 triệu tấn, tương đương mức giảm 11% cùng kỳ. Trong đó, mảng tôn mạ, ống thép và HRC bán thương mại đóng góp sản lượng lần lượt là 885.647 tấn, giảm 12% và 2,47 triệu tấn, giảm 6% cùng kỳ, chiếm 47% tổng sản lượng của tập đoàn trong 2023. Sản lượng thép xây dựng và phôi thép dự kiến đạt 3,6 triệu tấn, giảm 14% so với cùng kỳ.

 

Mặt khác, trong báo cáo cập nhật trước đó (ngày 11/5), Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) duy trì quan điểm đầu tư công khó có thể là cú hích cho ngành thép. Theo nhóm phân tích, tỷ trọng đầu tư công trong tổng tiêu thụ thép là không đáng kể (10-15%), và hiện nay tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn khá chậm, vì vậy kỳ vọng về tăng trưởng tiêu thụ sẽ tiêu cực trong năm nay.

Bên cạnh đó, VCBS nhận định kết quả kinh doanh của HPG có thể lỗ trở lại trong quý này khi giá thép đang có đà giảm mạnh. Theo đó, tập đoàn đang sản xuất với hiệu suất khoảng 70% so với tổng công suất thiết kế, điều này làm cho biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp ở mức chỉ khoảng 2-3% và không đạt được lợi ích kinh tế theo quy mô. Trước bối cảnh sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tiếp tục sụt giảm, giá bán thép bắt đầu giảm mạnh trong quý II có thể tạo áp lực trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho lớn trong bối cảnh HPG đã cho hoạt động lại 1 lò cao. Nhóm phân tích cho rằng kết quả kinh doanh của HPG trong quý sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

 

Chung nhận định thận trọng, báo cáo ngày 24/5 từ CTCP Chứng khoán Vietcap (VCSC) kỳ vọng sản lượng bán năm 2023 sẽ giảm mạnh hơn so với cùng kỳ năm trước.

Theo VCSC, những khó khăn đang diễn ra trên thị trường bất động sản trong nước và giải ngân ngân sách cơ sở hạ tầng chậm tiếp tục ảnh hưởng đến sản lượng bán của HPG trong 4 tháng đầu năm nay khi sản lượng bán của tập đoàn giảm 25%-34% cùng kỳ đối với các danh mục sản phẩm.

Sản lượng bán thép xây dựng của HPG, mà giới phân tích xem là chỉ báo cho hoạt động xây dựng trong nước, đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất 34% cùng kỳ — với sản lượng bán tháng 4 giảm 24% so với tháng trước. Thị phần thép xây dựng của HPG cũng giảm từ 35% vào năm 2022 xuống 33% trong quý I/2023. Doanh thu thấp trong 4 tháng đầu năm cũng như kỳ vọng nhu cầu trong nước và quốc tế phục hồi chậm hơn khiến VCSC giảm dự báo sản lượng bán đối với sản phẩm của HPG.

Cụ thể, 2 sản phẩm chính là thép xây dựng và thép cuộn cán nóng (HRC) được dự báo sản lượng bán năm 2023 lần lượt đạt 3,4 triệu tấn, giảm 20% và 2,4 triệu tấn, giảm 9% so với cùng kỳ. Các chuyên gia duy trì quan điểm nhu cầu xuất khẩu sẽ giúp doanh số HRC ổn định hơn so với các sản phẩm nội địa như thép xây dựng.