Thị trường căn hộ hướng đến nhu cầu mua ở thực
Các chuyên gia của Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam (C&W) nhận xét, hiện thị trường căn hộ tại Hà Nội đang hướng tới nhu cầu mua ở thực. Các nhà đầu tư dài hạn cũng có nhu cầu lớn đối với phân khúc căn hộ trung cấp. Các dự án có tiến độ thanh toán linh hoạt hơn, nằm trong khu đô thị phát triển, cơ sở vật chất và tiện nghi phong phú, sẽ thu hút nhiều sự chú ý của người mua hơn.
Theo dự báo của C&W, trong giai đoạn từ quý IV/2022 đến năm 2025, nguồn cung tương lai dự kiến đạt khoảng 103.000 căn. Các dự án như Đông Anh Smart City, An Lạc Green Symphony và các căn còn lại chưa mở bán của Vinhomes Smart City, Vinhomes Ocean Park được kỳ vọng sẽ chiếm ưu thế lớn đối với nguồn cung dự kiến trong tương lai.
Trên thị trường cũng đang hiện diện một số xu hướng mà điển hình là phân khúc nhà ở xã hội được dự báo sẽ chú trọng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp. Cụ thể, sẽ có khoảng 1.215 triệu m2 các dự án nhà ở xã hội của Hà Nội được cung cấp vào năm 2025.
Về phương thức thanh toán cũng sẽ dễ dàng hơn khi nhiều chủ đầu tư dành mức chiết khấu cao cho các khoản thanh toán nhanh (từ 9 đến 13%) hoặc những chương trình ưu đãi hấp dẫn được đưa ra để “kích cầu” thị trường.
Đáng chú ý, các dự án sẽ phải chú trọng chỗ đỗ xe bởi đây chính là một trong những yếu tố quan trọng để khách hàng quyết định khi chọn mua sản phẩm. Trên thực tế, những dự án có tỷ lệ đỗ xe cao có xu hướng thu hút nhiều khách hàng hơn. Ngoài ra, hiện khách hàng cũng “chuộng” dự án có thiết kế kiểu đa thế hệ, lấy cảm hứng từ đời sống văn hóa của người dân châu Á.
Tại Hà Nội, nhờ khả năng kết nối hạ tầng với các quận nội thành được cải thiện, phía Tây và khu vực ngoại ô tiếp tục chiếm phần lớn nguồn cung mới. Xu hướng dịch chuyển nơi ở tới các đô thị vệ tinh tại Hà Nội đã trở thành xu hướng tất yếu, bắt đầu từ phía Đông với thủ phủ công nghiệp lớn Hưng Yên và Bắc Ninh. Các chủ đầu tư liên tiếp đưa ra nhiều ưu đãi hơn về mức chiết khấu cao, tiến độ thanh toán linh hoạt, cũng như các phần quà ưu đãi đặc biệt đi kèm...
Khảo sát của C&W cho thấy, trong quý IV/2022, thị trường Hà Nội ghi nhận có 2.110 căn hộ được mở bán, giảm 29%. Nguyên nhân của sự thâm hụt này là do việc kiểm soát chặt chẽ phát hành trái phiếu và thắt chặt tín dụng dẫn đến việc cả người mua và nhà đầu tư đều ngần ngại đưa ra quyết định hoặc giao dịch trong nửa cuối năm nay.
Tính đến hết năm 2022, có khoảng 12.000 căn hộ đã được mở bán, vẫn tăng 15% so với năm 2021. Điều này chứng tỏ năm 2022 nguồn cung căn hộ của Hà Nội đã dần phục hồi sau ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19 trong năm 2021.
Trên thực tế, 2 năm trở lại đây, việc xin cấp phép dần trở nên phức tạp hơn do các quy định chặt chẽ về thủ tục phê duyệt đầu tư đối với các dự án khu dân cư. Trong khi đó, huy động vốn bằng đòn bẩy tài chính gặp bế tắc khi các ngân hàng thương mại dành nhiều ưu ái cho lĩnh vực sản xuất hơn là bất động sản.
Doanh số bán mới trong quý IV/2022 của Hà Nội cũng giảm xuống còn 2.394 căn do chính sách kiểm soát tín dụng và sự suy giảm triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023. Tuy nhiên, nhìn chung, lượng bán mới cả năm 2022 vẫn đạt được gần 15.000 căn, tăng 33% so với năm 2021 và gần 75% so với năm 2019, năm thành công nhất của thị trường căn hộ Hà Nội trong 5 năm trở lại đây - các chuyên gia của C&W thông tin.
Về giá bán, quý IV/2022, giá căn hộ trung bình của Hà Nội giảm nhẹ xuống còn 1.835 USD/m2 do nguồn cung hạng sang giảm trong tổng các dự án sơ cấp, cũng như nhiều chủ đầu tư áp dụng chính sách chiết khấu giá bán để duy trì khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, một số dự án nằm ở vị trí đắc địa có tình trạng thi công tốt hoặc bàn giao vẫn ghi nhận giá bán tăng nhẹ từ 1-3%.