TP HCM: Tiếp tục bán đấu giá lần thứ tư 3.790 căn hộ tái định cư trên 'đất vàng' Thủ Thiêm
Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường sẽ chủ trì cuộc họp để các sở ngành liên quan báo cáo về Kế hoạch chi tiết vào ngày hôm nay 28/02 về việc tổ chức công tác đấu giá các lô đất và 3.790 căn hộ chung cư tái định cư tại khu tái định cư Bình Khánh thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Khu tái định cư Bình Khánh có vị trí nằm trong lòng đô thị trung tâm Thủ Thiêm thuộc phường An Phú – Bình Khánh, Quận 2, nay thuộc địa phận thành phố Thủ Đức do nhiều chủ đầu tư như Tiến Phước, Trần Thái, Thuận Việt, Đức Khải, Keppel Land… xây dựng và hoàn thành từ năm 2013 để phục vụ nhu cầu của người dân bị giải toả khi thực hiện dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Khu chung cư Bình Khánh nằm trong dự án 12.500 căn hộ chung cư được xây dựng theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố nhằm phục vụ nhu cầu tái định cư cho người dân đô thị mới Thủ Thiêm theo phương thức “đổi đất lấy căn hộ chung cư”. Dự án được chia làm 3 khu: khu 38,4ha Bình Khánh gồm 6.220 căn hộ; khu 30,2 ha Bình Khánh gồm 4.216 căn hộ và khu An Phú – Bình Khánh rộng 17,3ha với 1.844 căn hộ.
Thành phố kỳ vọng dự án sẽ góp phần giải quyết nhu cầu ở, nâng cao đời sống sinh hoạt và giải trí cho người dân nói riêng và phát triển hạ tầng đô thị Quận 2 nói chung. Khu tái định cư Bình Khánh còn được xem là khu đô thị kiểu mẫu tạo dựng hình ảnh hiện đại, sầm uất cho khu đô thị Thủ Thiêm trong tương lai. Đây là khu tái định cư lớn nhất của Thành phố.
Tính đến nay, đã có 80% số căn hộ được xây dựng hoàn thành. Trong đó, 3.000 căn hộ sẽ tiếp tục thực hiện tái định cư. TP Thủ Đức đã bố trí sử dụng được khoảng 2.000 căn tái định cư cho các hộ dân, đối với 1.000 căn hộ còn lại, TP HCM đã có quyết định phân bổ cho UBND TP Thủ Đức tiếp tục tái định cư cho khu đô thị Thủ Thiêm và các dự án đầu tư công khác trên địa bàn. Đối với 3.790 căn hộ tái định cư nằm trong các lô R1, R2, R3, R4, R5 không còn nhu cầu sử dụng để phục vụ tái định cư, theo đề nghị của TP HCM, Thủ tướng và Bộ Xây dựng đã có kết luận sẽ chuyển sang bán đấu giá.
Hiện, UBND TP HCM đã có quyết định giao Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố triển khai phương án tổ chức bán đấu giá.
Được biết, 3.790 căn hộ nói trên đã trải qua 3 lần đấu giá nhưng vẫn không có kết quả. Cụ thể, lần đầu đầu tiên là năm 2017, thành phố đã tổ chức đấu giá với mức giá khởi điểm là 8.800 tỷ đồng nhưng không đơn vị nào tham gia.
Lần thứ 2 là tháng 2/2018, Thành phố tổ chức bán đấu giá đã đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư với giá khởi điểm 9.100 tỷ đồng nhưng không có kết quả.
Lần thứ 3 là vào tháng 6/2021, số tiền khởi điểm đấu giá được UBND TP HCM đưa ra là 9.900 tỷ đồng nhưng không thành công.
Theo đó, tổ chức, cá nhân muốn mua nhà phải đặt cọc trước 20% giá khởi điểm. Nếu trúng thầu, trong vòng một tháng, phải nộp 50% giá trị trúng đấu giá (bao gồm 20% đã đặt cọc trước đó), 50% còn lại trong vòng 90 ngày phải thanh toán đủ. Tham gia đấu giá, doanh nghiệp phải cam kết thanh toán đầy đủ tiền trúng đấu giá theo các thỏa thuận.
TP HCM ưu tiên tháo gỡ vướng mắc cho câc dự án BĐS
Trước đó tại hội nghị “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” diễn ra ngày 18/02, theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường thông tin cho biết, nguyên nhân dẫn đến khó khăn của thị trường bất động sản chủ yếu từ các quy định pháp luật liên quan.
Các dự án nhà ở liên quan đến nhiều luật: Đầu tư, Đất đai, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở, Đấu thầu… và đều có nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, nhóm hồ sơ pháp lý của một số dự án trong thời điểm trước đây có nhiều nội dung cần phải rà soát lại để bảo đảm đúng quy định cũng gây mất nhiều thời gian, có một số trường hợp vượt thẩm quyền địa phương. Cùng với đó là nguyên nhân chủ quan khi có một số cán bộ sợ trách nhiệm trong xử lý các vấn đề tồn đọng.
Về phương hướng sắp tới, TP HCM sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, cải tạo nhà chung cư cũ. Đặc biệt hiện nay thành phố đang tập trung 18 dự án nhà ở xã hội ưu tiên cũng như 16 dự án chung cư xuống cấp để thúc đẩy trong năm 2023. Thành phố cũng tập trung hoàn tất công tác điều chỉnh quy hoạch, nhất là trong quá trình thực hiện quy hoạch chung của TP HCM (dự kiến trong tháng 9 năm nay sẽ trình), quy hoạch chung TP Thủ Đức (cuối năm nay sẽ trình).
Thành phố cũng tập trung phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật để kết nối vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TPHCM - Mộc Bài… các dự án đa mục tiêu, chỉnh trang đô thị, thúc đẩy các dự án lớn. Quá trình thực hiện, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết, sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản chậm tiến độ về pháp lý, các dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, các dự án mà chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn với lợi ích của người dân.
Thành phố đã lập tổ công tác để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của dự án bất động sản có sử dụng đất và không sử dụng vốn nhà nước; kết hợp với các doanh nghiệp, HoREA để giải quyết theo chuyên đề. Hiện thành phố đã phân loại khoảng 116 dự án bất động sản, trong đó có 38 dự án ưu tiên tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm, hàng tuần sẽ tìm giải pháp tháo gỡ.
Song song đó, thành phố cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư, kinh doanh bất động sản, các dự án bất động sản có vi phạm về xây dựng, các dự án vi phạm về bảo lãnh trong quá trình thực hiện kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai, các dự án chưa nghiệm thu công trình đã đưa vào sử dụng TP HCM có 30 dự án bất động sản ngừng thi công